Thị trường sữa vẫn loạn giá

Thứ Hai, 14/07/2014, 11:24
Dư luận phản ánh giá sữa bất ổn, Bộ Tài chính công bố không phát hiện vi phạm, trong khi thực tế thị trường, giá sữa vẫn bát nháo, người tiêu dùng vẫn bị “móc túi”. Dường như, công tác quản lý giá sữa chỉ mới thực hiện triệt để được ở khâu bán buôn, còn khâu bán lẻ bị bỏ lọt.

Ngày 13/7, gần 1 tháng rưỡi sau khi quy định áp trần giá sữa có hiệu lực, nhóm PV Báo CAND đã có cuộc khảo sát tại một số cửa hàng bán sữa trên thị trường Hà Nội. Khi hỏi mua sữa Nan Pro 3 loại 900g, chủ một cửa hàng ở quận Thanh Xuân cho biết: “Trước đây, mỗi hộp sữa này có giá 415 nghìn đồng/hộp, nay nhờ áp trần nền mới giảm xuống còn 390 nghìn đồng/hộp. Như vậy, mỗi hộp sữa đã giảm thêm 25 nghìn đồng”. Nhiều khách hàng đến mua sữa ở đây cũng rất vui vẻ cho biết sự hài lòng của mình khi giá sữa đã được hạ.

Thoạt nhìn, việc giá sữa hạ và được người tiêu dùng đón nhận là một thông tin rất tích cực đối với một thị trường mà các sản phẩm từ trước tới nay chỉ một chiều tăng không giảm. Tuy nhiên, nếu so sánh với bảng giá trần của Bộ Tài chính thì các mức giá của một số sản phẩm mà người tiêu dùng mua được vẫn cao hơn mức giá quy định. Cụ thể, với trường hợp sản phẩm sữa Nan Pro3 loại 900g, mức giá trần bán buôn mà Bộ Tài chính quy định là 334 nghìn đồng/hộp. Với mức này, cộng thêm mức tối đa 15%  khi bán lẻ, giá sữa tới tay người tiêu dùng cao nhất chỉ đến 384 nghìn đồng/hộp. Với giá bán 390 nghìn đồng/hộp, các cửa hàng đã tự ý nâng lên thêm 6 nghìn đồng. Đây không phải là sản phẩm duy nhất bị “làm giá”, một loạt sản phẩm khác cũng bị nâng khống, tương tự như sản phẩm Dialac Alpha 123 HT, loại 900g của Vinamilk đang được nhiều cửa hàng bán với giá 186.000 - 190.700 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ tối đa chỉ là 176.000 đồng/hộp. Sữa Nan 1 của Nestle loại 800g được bán ra với giá 380.000 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ tối đa ở mức 371.000 đồng/hộp... Lý giải cho các mức giá luôn cao hơn so với trần quy định, chủ một cửa hàng sữa cho biết, đơn vị phân phối trước khi bán cho cửa hàng đã hưởng 15% này rồi nên khi tới cửa hàng, cửa hàng phải cộng thêm để khỏi thua lỗ (!).

Điều đáng nói, dù bị mua sữa đắt hơn so với quy định nhưng hầu như khách hàng ít ai nhận ra điều đó. Để “làm xiếc” với người tiêu dùng, các cửa hàng chỉ ghi giá từng sản phẩm bán lẻ, chứ không công bố hay niêm yết giá bán buôn, nên người tiêu dùng sẽ không biết con số thực hư thế nào để so sánh. Với cách làm này, dường như người tiêu dùng cũng chỉ trông vào sự thành thật của nhà buôn.

Tuy nhiên, từ phía Bộ Tài chính, cho đến thời điểm này, dù đã có rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra việc áp trần giá sữa của các doanh nghiệp được tổ chức, nhưng vẫn chưa phát hiện được vi phạm nào. Bộ này cũng cho biết thêm đã công bố đường dây nóng nhận thông tin về giá sữa từ thị trường và người dân.

Trước thực trạng loạn giá sữa, dân biết, báo chí biết, mà thanh tra Bộ Tài chính không biết, trao đổi với PV Báo CAND, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc giá sữa bất ổn khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Cơ quan quản lý có vai trò gì trong việc quản lý một trong những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh? Phải chăng cơ quan quản lý “bất lực”,“bó tay”, buông lỏng trong quản lý hay chưa xử lý kiên quyết tới nơi tới chốn?

Nhưng điều đáng nói là hiện nay, mặc dù là cơ quan quản lý giá, nhưng Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính không có chức năng thanh kiểm tra các sai phạm, nên hầu như tất cả kết quả thanh tra, Cục này chỉ được nhận bản báo cáo từ lực lượng thanh tra chung của Bộ. Vì thế, việc quản lý giá vẫn “vài nơi, ba chốn” nên thị trường rơi vào tình cảnh “con chung không ai khóc"

Nhóm PV
.
.
.