Thị trường nội địa chưa được coi trọng

Thứ Năm, 16/07/2009, 11:16
Trong khủng hoảng, chúng ta mới giật mình nhận ra nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu (chiếm đến hơn 70% GDP). Trong 3 trụ cột phát triển kinh tế trong nước là: đầu tư, xuất khẩu và thị trường nội địa, thì thị trường nội địa hoàn toàn chưa được đặt tương xứng với vị trí thực sự của nó. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: Khủng hoảng đã dạy cho chúng ta bài học về vị trí của thị trường nội địa.

Các chuyên gia trong nước đều thống nhất với nhau rằng, thời gian tới, hàng hoá Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa nước ngoài. Thứ nhất, sau suy thoái, lượng hàng tồn kho của các nước sẽ tìm cách bung ra, tấn công thị trường.

Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu sẽ bị thu hẹp lại bởi hàng rào kỹ thuật các nước sẽ dựng lên để bảo hộ sản xuất nội địa. Bởi vậy, nếu hệ thống phân phối bán lẻ của chúng ta không được củng cố, để có thể làm đối trọng với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, thì hàng hóa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị hàng hóa của nước ngoài chèn ép thông qua kênh phân phối.

Theo khảo sát của Hiệp hội Bán lẻ: hiện hệ thống phân phối của chúng ta còn rất manh mún, nhỏ lẻ, kém chuyên nghiệp. Chúng ta mới có 56 cửa hàng bán lẻ lớn, chưa có nổi 1 cửa hàng lớn/1 triệu dân (mới có 0,65 cửa hàng). "Không chỉ hệ thống phân phối yếu, mà các nhà sản xuất cũng đang cho thấy họ rất yếu về marketing và chiến lược cạnh tranh" - ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc tập đoàn Phú Thái - một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam cho biết.

Gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu áp lực "thôn tính" không chỉ từ các doanh nghiệp trong nước mà còn từ các doanh nghiệp nước ngoài, khi mà những cam kết mở cửa buộc Việt Nam phải dỡ bỏ sự khống chế về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%.

Trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng như vậy, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: Nhà nước cần tham gia vào các DN thương mại để giúp họ phát triển và đứng vững trên thị trường nội địa. Cổ phần hóa các DN Nhà nước của chúng ta hiện còn nhiều bất cập: thứ nhất là xé lẻ những DN thương mại đang lớn thành những DN nhỏ bằng cách cổ phần hóa từng phần, trong khi kinh tế thị trường cần nguồn lực lớn; thứ hai là dần dần các DN Nhà nước đều do tư nhân nắm, nhưng khu vực này mới phát triển nên không có đủ nguồn lực để phát triển thành DN thương mại lớn, không thể làm đối trọng với các DN nước ngoài.

Thời gian qua, Nhà nước gần như không tham gia vào việc phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực cho thương mại...; việc đối phó với tình thế cạnh tranh với DN nước ngoài cũng do DN nội địa tự giải quyết; trong khi, DN chưa thể đảm đương nổi những trách nhiệm đó. Bởi vậy, trong bối cảnh này không thể không có sự nâng đỡ của Nhà nước với những lĩnh vực mà Nhà nước cho là quan trọng.

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú: Hiện nay, các DN nước ngoài cần ở chúng ta những hàng hóa không thương hiệu, cần nhiều lao động với phẩm cấp không cao. Nhưng thời gian tới, khi mà mọi nền kinh tế cần lo cho chính mình sau khủng hoảng thì cơ hội đó không còn. Chỉ có một con đường để đẩy mạnh là xuất khẩu một cách thực chất hơn, thông qua việc phát triển thị trường trong nước

Vũ Hân
.
.
.