Thị trường đào, mai và cây cảnh Tết: Người trồng méo mặt vì nỗi lo cây “ế”

Thứ Bảy, 09/02/2013, 12:00
Sáng 28 Tết, chưa đầy 48 tiếng đồng hồ nữa là bước sang năm mới Quý Tỵ, chạy một vòng qua một số tuyến đường là điểm tập kết hoa, cây cảnh Tết có tiếng ở Hà Nội với nhiều ghi nhận…Mọi năm, người trồng đào, mai, quất và hoa trái cây cảnh Tết đều e ngại thời tiết xấu gây thất thu, nhưng năm nay họ lại đối mặt với nỗi lo khác: đào, mai, quất, cây cảnh đều rất đẹp, rẻ mà vẫn “ế”.

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về và càng những ngày cận Tết, có thời giờ mà “vãn” qua các phố hoa, đường hoa nổi tiếng của Hà Nội như: Yên Phụ, Âu cơ, Lạc Long Quân, Hoàng Hoa Thám và hàng loạt các tuyến phố lớn như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khánh Toàn, Láng Hạ, Lê Văn Lương, khu vực cổng Công viên Thống Nhất… sẽ được thỏa sức ngắm nghía những chậu đào, chậu mai đua nhau khoe sắc rực rỡ, những chậu quất, cây cam, bưởi sai trĩu quả ...để cảm nhận sắc Xuân đang về.

Tết năm nay, tiết trời Hà Nội ấm áp nên đào, quất và các loại hoa trái, cây cảnh phục vụ Tết đều đẹp và rộ. Mọi năm, người trồng đào, mai, quất và hoa trái cây cảnh Tết đều e ngại thời tiết xấu gây thất thu nhưng năm nay họ lại đối mặt với nỗi lo khác, hàng ngàn cây đào, mai, quất, cây cảnh Tết đều rất đẹp, rẻ mà vẫn “ế”.

Gần suốt tuyến đường Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng  Quốc Việt những ngày này đang trở thành dãy chợ hoa Tết. Nào đào, quất, mai vàng, bưởi, cam canh… đua nhau tập kết tại đây. Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình mua sắm hoa Tết và cây cảnh vẫn còn thưa thớt lắm. Năm thì mười họa mới có khách tạt vào hỏi đào, quất nhưng chẳng mấy người mua.

Hỏi chuyện chị Hạnh và cô cháu gái đang bán đào thế Nhật Tân, quầy đào của chị rộng khoảng hơn 50m2 chạy kéo dài dọc vỉa hè đường Hoàng Quốc Việt, ở đây tập kết khoảng  hơn 50 chậu đào thế lớn nhỏ các loại, đào bích cũng có, đào phai cũng có. Mấy hôm nay, tiết trời ấm lên, nên đào đang độ ra hoa rất đẹp, cây nào hoa và lộc cũng nở thắm cành.

Đào Nhật Tân ế ẩm trước cửa Công viên Thống nhất.

Chị Hạnh cho biết đã bắt đầu đưa cây ra đây bán được gần chục hôm rồi, tuy nhiên tốc độ bán rất chậm cho dù giá cả giảm nhiều so với năm trước. Xung quanh quầy đào thế của gia đình chị, còn nhiều gia đình khác cũng ở trong tình trạng tương tự.

Khi hỏi lý do mức độ tiêu thụ đào chậm, chị phán đoán, tâm lý người dân là khoảng 2-3 ngày trước Tết trở ra mới bắt đầu đi mua sắm, nên việc chậm bán như vậy vẫn chưa đáng lo ngại. Nhưng chị cũng hơi buồn vì hôm nay đã là ngày 28 tháng Chạp, ấy vậy mà lượng người đi mua sắm không đông như chị dự tính ban đầu. Nhiều cửa hàng đào thế, quất cảnh xung quanh cũng ở trong tình trạng ế ẩm như vậy.

Ế khách các cô chủ cậu chủ ngồi tán dóc giết thời gian.

Tương tự quầy đào thế của chị Hạnh, mấy trăm chậu mai vàng của gia đình anh Khoa bày bán trên vỉa hè khu Trung Hòa – Nhân Chính, chạy dọc theo đường Lê Văn Lương là một trong những tuyến phố mới được xem là nơi tập trung dân cư đông nhất nhì Hà Nội, cũng ở trong tình trạng ế ẩm như vậy.

Phải nói, mấy ngày gần đây, thời tiết thuận lợi, trời ấm nên đào, mai đều rất rộ hoa. Cây nào cây nấy đều nở hoa rực rỡ. Nhưng  trái với sự tươi sắc của hoa, tâm trạng người bán ưu tư lo lắng thấy rõ. Anh Khoa cho biết, gia đình anh là một trong những gia đình có tiếng về trồng mai tại làng mai An Nhơn, Quy Nhơn, Bình định. Đây là năm thứ 2 anh trực tiếp đánh mai từ Quy Nhơn ra bán Tết Hà Nội. Năm ngoái chỉ trong vòng chục ngày, gần 500 chậu mai đã bán hết veo. Nhưng năm nay, sức mua của dân yếu quá, hơn tuần rồi mà chưa bán được 100 cây và  khách mua chủ yếu là các cơ quan, doanh nghiệp ở gần đây, mua để trang trí Tết.

Mai vàng trên đường Hàng Quốc Việt cũng ế ẩm

Anh than phiền, hàng bán chậm mà giá cả năm nay cũng thấp hơn năm ngoái trong khi giá vận chuyển lại tăng cao, tình hình này nếu không khéo sẽ lỗ to. Anh dự định sẽ quyết tâm bám trụ  Hà Nội đến tận ngày cuối cùng của năm để cố gắng bán hết những chậu mai vàng này, dù cho có phải hạ giá hết cỡ có thể. Bởi nếu không bán hết, sẽ phải thuê xe đánh hàng về thì lại chết tiền vận chuyển. Nói chung là đằng nào cũng khó!

Còn anh Quang, gần chục năm chuyên doanh mai vàng từ TP Hồ Chí Minh ra bán Tết Hà Nội cũng thở dài ngao ngán, anh cho biết năm nay, ngay từ ngày 20 Tết anh đánh ra Thủ đô gần 600 chậu mai Sài thành, và chia nhỏ ra 5 điểm bán: Lê Văn Lương, Nhật Tân, Lạc Long Quân, Hoàng Quốc Việt, Phố Huế, thế nhưng gần chục ngày nay mới tiêu thụ được khoảng một nửa, còn giá bán thì như lao dốc không phanh, mấy ngày đầu những chậu mai đẹp nhất anh dám ra giá từ 6 đến7 triệu đồng, nhưng bây giờ giá bán chỉ còn một nửa cũng ít người để tâm.

Những chậu mai vàng bày dọc đường Lê Văn Lương ế khách mua.

Chạy dọc đại lộ Thăng Long, tuyến đi Láng –Hòa Lạc, nay năm các hộ dân trồng quất khu vực Hoài Đức, cam Vân Canh, bưởi làng Diễn cũng đưa cây ra tập kết suốt dọc tuyến đường, đặc biệt là xung quanh khu vực ngã ba đường rẽ vào Trung tâm Thể thao Quốc gia - Sân vận động Mỹ Đình.

Chỉ vào những chậu quất Quảng Bá  đang vàng rực trái và những cây bưởi Diễn sai trĩu quả, chị Luyến than thở: “Chưa năm nào quất, bưởi, cam canh, các loại cây phục vụ Tết lại ế ẩm như năm nay, 100 chậu quất, 30 chậu bưởi và hơn 30 chậu cam canh mà vợ chồng chị mua buôn, đánh ra đây đã được gần một tuần rồi, thế mà đến nay mới bán được hơn chục cây quất, 3 chậu bưởi, vài chậu cam, cả ngày đường xá tấp nập xe cộ là vậy mà chả mấy ai hỏi mua”.

Những cậu chủ hàng ngồi túm năm tụm ba tán chuyện vì không có khách.

Theo chị Luyến, giá cây cảnh phục vụ Tết năm nay giảm xuống gần một nửa mà lượng người mua rất ít, sức mua thấp hơn nhiều so với mọi năm. Lý do là kinh tế khó khăn, người dân tiết kiệm chi tiêu. Chỉ vào một chậu quất khá to, tán đẹp chị đưa ra so sánh : “Năm ngoái, cũng cây quất như thế này chị bán 900 ngàn đồng đến một triệu đồng trở lên nhưng bây giờ bán 500 ngàn- 600 ngàn đồng cũng khó”.

Năm nay, những chậu cây đắt tiền giá vài ba triệu đồng ít được người mua quan tâm. Vì vậy, anh chị cũng chưa biết tính sao với số quất, bưởi, cam canh nếu hết ngày 29 Tết vẫn chưa bán được (vì năm nay tháng chạp thiếu không có ngày 30 Tết – PV). Trả lại cho nhà vườn thì không được, bán đổ bán tháo thì lại lỗ quá, xót tiền vốn, mang tất cả về nhà thì cũng không biết trồng vào đâu.

Để lý giải được phần nào nguyên nhân đào, quất, cây cảnh Tết đẹp, rẻ nhưng vẫn ế ẩm như lời than thở của chị Luyến, chúng tôi hỏi chuyện vợ chồng anh Cường sống tại Khu tập thể Thanh xuân bắc, Hà Nội đang ngắm nghía chậu quất gần đó, anh Cường cho biết đã đi xem và tham khảo giá ở mấy nơi trong đó có đường Lê Văn Lương và các nhà chuyên doanh cây cảnh  khu vực này. Trước khi đi, anh chị đã tự nhủ nếu giá cây cao quá 1 triệu đồng thì sẽ không mua mà để giành tiền làm việc khác. Lý do viện ra là tình hình kinh tế khó khăn nên cần “thắt lưng buộc bụng” trong việc chi tiêu . Có lẽ thời điểm này, đây cũng là tâm lý chung của khá nhiều người

Tâm Phạm
.
.
.