Thị trường bán lẻ Việt Nam thụt lùi

Thứ Bảy, 30/06/2007, 10:58
Với “Chỉ số phát triển bán lẻ chung năm 2007” (GRDI) đạt 74 điểm, Việt Nam xếp thứ tư sau Ấn Độ và Nga, Trung Quốc. Đó là kết quả nghiên cứu lựa chọn xếp hạng 30/185 nền kinh tế có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, vừa được tập đoàn tư vấn AT Kearney công bố.

Đó là một thứ hạng cao, thể hiện triển vọng phát triển sáng sủa và sức hút mạnh mẽ của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các nhà kinh doanh toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu so với các kết quả nghiên cứu xếp hạng những năm gần đây của chính tập đoàn này về thị trường bán lẻ Việt, cũng như về ngành phân phối thuộc top đầu bảng, đây là một bước thụt lùi quá lớn.

Thị trường bán lẻ Việt Nam thiếu bền vững.

Xét trên tổng thể, AT Kearney xác định Chỉ số phát triển bán lẻ chung của Việt Nam năm 2004 đạt 76 điểm và đứng thứ bảy (lần lượt sau Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Slovenia, Croatia và Latvia).

Năm 2005 Việt Nam vươn lên đạt 79 điểm, nhưng chỉ đứng thứ tám. Còn năm ngoái, với bước nhảy vọt đạt 84 điểm, Việt Nam đã vượt qua năm nước đứng trên liền kề là Ucraina, Trung Quốc, Slovenia, Latvia và Croatia để đại nhảy vọt lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng của AT Kearney.

Thế nhưng, trong ba năm liên tục phấn đấu (2004-2006), Việt Nam cũng chỉ tăng thêm được 8 điểm. Việc bị AT Kearney đánh tụt 10 điểm trên bảng xếp hạng thể hiện sự phát triển thiếu bền vững. Do vậy, làm giảm sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bán lẻ Việt Nam chậm tiến bộ

Chỉ số phát triển bán lẻ chung do AT Kearney xây dựng dựa theo thang điểm 100. Trong đó, thị trường nào có điểm số càng cao nghĩa là độ hấp dẫn và triển vọng phát triển của thị trường đó càng lớn. Trong đó, các tiêu chí được chia thành 4 nhóm lớn, được đánh giá theo thang điểm 100, gồm mức độ rủi ro quốc gia, độ hấp dẫn của thị trường, độ bão hoà của thị trường và áp lực thời gian.

Ở tiêu chí mức độ rủi ro quốc gia, thị trường bán lẻ Việt Nam tuy có tiến bộ nhưng còn chậm. Năm 2004 là 52 điểm, 54 điểm cho năm 2005; 2006 còn 43 điểm; hiện nay cũng chỉ 57 điểm. Trong khi đó Trung Quốc hiện đạt 75 điểm, Nga 62 điểm, còn Ấn Độ 67 điểm.

Ở tiêu chí độ hấp dẫn, Việt Nam có tiến bộ đáng kể nhất, nhưng vẫn còn thấp xa so với ba nước phía trên. Cụ thể, năm 2004 đạt 29 điểm, năm 2005 và 2006 tụt xuống 24 điểm, hiện nay cũng chỉ đạt 34 điểm. Chỉ số này quá thấp so với 42 điểm của Ấn Độ, 46 điểm cho Trung Quốc và 52 điểm Nga.

Cả hai tiêu chí còn lại, thị trường bán lẻ đều tụt dốc. Ở tiêu chí độ bão hòa của thị trường, năm 2004 có 90 điểm, năm 2005 được 88 điểm và năm 2006 giảm 1 điểm nhưng hiện nay hạ rất mạnh xuống chỉ còn 76 điểm.

Thế nhưng, có lẽ đáng quan ngại nhất là tiêu chí áp lực thời gian. Năm 2004 là 66 điểm, 2005 nhích lên 68 điểm và năm 2006 tăng rất mạnh lên 81 điểm. Hiện nay thì lại “rơi tự do” xuống chỉ còn 59 điểm. Đặc biệt, thị trường này đã giảm tới 22 điểm chỉ trong vòng 1 năm (so sánh với Trung Quốc giảm 6 điểm trong vòng 4 năm).

Bước thụt lùi tại thời điểm vừa gia nhập “ngôi nhà chung WTO” như vậy quả không nhỏ

Theo Sài Gòn tiếp thị
.
.
.