Thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh

Thứ Sáu, 01/07/2011, 18:39
Bắt đầu từ hôm nay (1/7), thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm chính thức đi vào vận hành. Mục đích của thí điểm này là tạo tín hiệu tốt nhằm thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước phát triển các nguồn điện mới.

Trong suốt 2 năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tiết điện lực và các đơn vị tư vấn quốc tế tham gia soạn thảo nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức tại Việt Nam như Quy định thị trường điện, Quy định lưới truyền tải, Quy định đo đếm và Quy định về khung giá phát và hợp đồng mẫu. Các quy định này đã được Bộ Công Thương ban hành qua các Thông tư phục vụ vận hành thị trường.

Song song với việc soạn thảo các Quy định trên, trên cơ sở thiết kế Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được phê duyệt, EVN đã hoàn thành nâng cấp và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giai đoạn 1 phục vụ thử nghiệm vận hành tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và 69 nhà máy điện trực tiếp, gián tiếp tham gia thị trường điện.

Thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh sẽ tạo một "sân chơi" lành mạnh, không phân biệt đối xử với các đơn vị tham gia thị trường... Ảnh minh hoạ.

Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (bắt đầu vận hành từ 1/7) là chào giá, xếp lịch và tính toán thanh toán được thực hiện theo đúng các quy định vận hành Thị trường phát điện cạnh tranh nhưng việc vận hành điều độ và thanh toán thực tế được áp dụng như hiện tại. Trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 1, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc quyết định tiếp các giai đoạn sau.

Theo đó, giai đoạn 2, chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào và tính toán thanh toán theo thị trường, nhưng không thanh toán theo giá thị trường mà toàn bộ sản lượng điện năng được thanh toán theo giá hợp đồng.

Giai đoạn 3, chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào, tính toán thanh toán theo thị trường, đồng thời từng bước thực hiện thanh toán theo thị trường đối với các đơn vị phát điện có đầy đủ điều kiện.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường cho biết, khi bắt đầu thực hiện vận hành Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, trong tổng số 73 nhà máy điện có công suất đặt lớn hơn 30MW, sẽ có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có 55 nhà máy điện trực tiếp chào giá. Tổng công suất đặt của các nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường chiếm khoảng 61% công suất đặt toàn hệ thống điện. Các nhà máy BOT như Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 sẽ do Công ty Mua bán điện chào giá thay để đảm bảo bảo lãnh chính phủ và trách nhiệm thanh toán. Riêng các nhà máy thủy điện đa mục tiêu như Sơn La, Hòa Bình, Ialy... không tham gia chào giá trên thị trường và được vận hành trên cơ sở phối hợp tối ưu giữa chức năng phát điện với các nhiệm vụ chống lũ, tưới tiêu...

Theo ông Đặng Huy Cường, trong giai đoạn thí điểm, giá điện vẫn do nhà nước quản lý nên dù giá cả giao dịch giữa các đơn vị phát điện với Công ty Mua bán điện như thế nào đi nữa thì người tiêu dùng vẫn chỉ trả tiền điện theo biểu giá Nhà nước quy định

Thanh Tùng
.
.
.