Thêm nhiều bài học trong xuất khẩu gạo năm 2008

Thứ Bảy, 06/12/2008, 15:33
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng là kết thúc năm 2008, theo thống kê, đến thời điểm cuối tháng 11, cả nước đã xuất khẩu được trên 4,3 triệu tấn gạo.

Mặc dù nông dân 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang trong thời kỳ thu hoạch vụ lúa thu đông với diện tích gieo sạ đạt 454.135ha, năng suất bình quân ước đạt trên 35 tạ/ha. Với năng suất này, lượng lúa thu hoạch ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện còn đến gần 1,6 triệu tấn.

Nhưng trong tháng 11, lượng gạo xuất khẩu của khu vực phía Nam chỉ đạt xấp xỉ 263 ngàn tấn. Về lượng, chỉ tiêu xuất khẩu 4,5 - 4,6 triệu tấn gạo của cả nước coi như đã cầm chắc trong tay khi vẫn còn những hợp đồng xuất khẩu với số lượng nhỏ tiếp tục được xuất đi trong tháng 12; nhưng về chất, giá xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm chỉ đạt 649 USD/tấn.

Nếu tính bình quân giá gạo xuất khẩu cả năm, con số này sẽ còn thấp hơn bởi giá gạo xuất khẩu vẫn đang giảm. Hiện tại, lượng lúa tồn đọng tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều, bà con nông dân phải bán lúa với giá trên dưới 4.000 đồng/kg một cách chật vật khi giá gạo xuất khẩu chỉ còn 411 USD/tấn vào thời điểm cuối tháng 11.

Để hỗ trợ nông dân, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam trong vòng 2 tháng, từ 1/12/2008 đến hết 28/2/2009 phải thu mua 1 triệu tấn lúa tồn đọng trong dân. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện cũng đang chạy nước rút để tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu cho khoảng 800 ngàn tấn gạo đang tồn trữ trong kho.

Như vậy, mặc dù cả người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều đã được Chính phủ hỗ trợ nhiều lần, nhưng rõ ràng có thể thấy, lúa được mùa, nhưng người nông dân vẫn thua thiệt và doanh nghiệp xuất khẩu thì không tận dụng được hết cơ hội trong những tháng giá gạo xuất khẩu ở mức 800 - 1.000 USD/tấn.

Ngay từ ngày đầu năm, kế hoạch sản xuất lương thực của Bộ NN&PTNT đã khẳng định, với diện tích trồng lúa cả năm đạt 7,16 triệu ha, tổng sản lượng đạt 36 triệu tấn, sau khi trừ đi lượng tiêu thụ nội địa khoảng 27,8 triệu tấn, lượng lúa hàng hóa dành cho xuất khẩu đạt 8,2 triệu tấn, tương đương từ 4,1 - 4,5 tấn gạo.

Trong lúc, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng từng tháng, nếu như tháng 1/2008 giá mới chỉ đạt bình quân 389 USD/tấn thì sang đến tháng 5 giá gạo đã vọt lên 793 USD/tấn và 1 tháng sau đó giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng thêm 100 USD/tấn.

Lúa thu hoạch trong dân còn tồn đọng nhiều, giá gạo xuất khẩu tăng từng ngày là cơ hội hết sức thuận lợi, nhưng do dự báo không chính xác, ngay từ đầu năm, hợp đồng xuất khẩu gạo với số lượng lớn, giá thấp đã được ký ồ ạt.

Đến hết quý I/2008, lượng gạo các doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu đã lên tới 2,4 triệu tấn. Trong đó có gần 1 triệu tấn thuộc hợp đồng trúng thầu tập trung ký với Philippines, gạo xuất khẩu theo các hợp đồng thương mại chỉ vào khoảng 500 ngàn tấn. Đến hết tháng 4, lượng gạo thực xuất đi mới chỉ đạt 1,674 triệu tấn, thu về 816 triệu USD, bình quân 487 USD/tấn.

Ngoài việc tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới, quy chế đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quy định: "Số lượng gạo các loại mỗi doanh nghiệp được đăng ký cho 6 tháng đầu năm không vượt quá 50% số lượng xuất khẩu trực tiếp bình quân 2 năm trước đó. Khi đăng ký hợp đồng, doanh nghiệp phải kèm báo cáo lượng gạo tồn kho tối thiểu 50% số lượng gạo đã đăng ký và tổng khối lượng gạo xuất khẩu đăng ký không vượt quá lượng gạo định hướng xuất khẩu cho từng quý của Bộ Công thương".

Mặt khác, đến tháng 5/2008, khi giá gạo xuất khẩu đang ở mức 850 - 1.000 USD/tấn, lúa trong dân còn và vụ hè thu với diện tích trồng lúa cả nước đạt 2.028ha, thời tiết diễn biến thuận lợi, sản lượng ước đạt khoảng 10,15 triệu tấn.

Nhưng trong báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2008 tại hội nghị giao ban ngày 28/5 tổ chức tại Tiền Giang của Bộ Công thương cũng chỉ đưa ra đề xuất: "Từ tháng 6 trở đi mỗi tháng chỉ cho đăng ký và xuất khẩu dưới 300 ngàn tấn gạo". Bởi theo tính toán của Bộ Công thương, chỉ tiêu xuất khẩu năm 2008 là 4 triệu tấn thì 7 tháng cuối năm còn 1,9 triệu tấn là phù hợp?!

Từ sự điều chỉnh mang nặng tính can thiệp này, mục đích tạm dừng xuất khẩu gạo này đã đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo theo các hợp đồng ký mới gần như "tê liệt" khi từ tháng 4 đến hết tháng 7/2008 số hợp đồng ký mới hầu như không có.

Tròn 20 năm kể từ ngày hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục đạt số lượng lớn, xếp ở thứ hạng cao trên thế giới. Với giá trị xuất khẩu đạt xấp xỉ 3 tỷ USD trong năm nay, hạt gạo Việt Nam đã lập thêm một kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu.

Nhưng ngược lại, thiệt hại từ việc dự báo không chính xác diễn biến giá gạo trên thị trường thế giới; từ chủ trương tạm dừng ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo lúc giá gạo lên đến đỉnh điểm đối với hơn 4,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm nay cũng không hề nhỏ...

Đ.T.
.
.
.