Thêm một mùa mía ‘đắng’

Thứ Năm, 28/05/2015, 08:42
Thời tiết không thuận lợi, năng suất, giá mía liên tục sụt giảm, bị thương lái ép giá… là những gì đang xảy ra tại vụ thu hoạch mía của bà con nông dân ở hai huyện Ea Kar và MĐrắk (tỉnh Đắk Lắk). Người nông dân nơi đây đang phải đối mặt với một vụ mùa mía “đắng”…

Đứng trầm ngâm trước đống mía được chặt đang chờ xe tải đến bốc, ông Nguyễn Đình Hậu, ở thôn 5, xã Ea Đar, huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), thở dài: “Năm nay nắng nóng kéo dài, năng suất mía giảm, cộng với việc đốn mía chậm cũng khiến trữ đường trong mía kém. Hơn nữa, với giá thu mua của các nhà máy đường, tính ra mỗi tấn mía của chúng tôi thu về chưa đến 650.000 đồng. Trong khi giá vật tư, phân bón, công thuê chặt bốc vác lại rất cao nên người trồng mía may mắn lắm thì huề, còn lại thì lỗ nặng”.

Cùng lâm vào tình cảnh tương tự, gia đình anh Lê Sĩ Hảo ở thôn 3, xã Ea Sô, huyện Ea Kar vừa bán xong hơn 100 tấn mía với giá 650 đồng/kg (giảm 100 đồng/kg so với năm 2014). Sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì anh lỗ gần 10 triệu đồng. Mặc dù bị thua lỗ nhưng xem ra tình cảnh của anh Hảo vẫn còn “may mắn” hơn so với những hộ đã lỡ vay tiền từ ngân hàng để đầu tư sản xuất.

Với vẻ mặt đầy lo âu, ông Hậu ở thôn 5, xã Ea Đar, than thở: “Đầu vụ mía, gia đình tôi vay ngân hàng 35 triệu đồng để đầu tư cho 2ha mía và tích cực chăm sóc vườn cây chỉ mong đến ngày thu hoạch có tiền trả nợ. Không ngờ giá mía năm nay lại tiếp tục giảm sâu khiến gia đình tôi bị lỗ nặng, giờ chẳng biết lấy đâu ra tiền để trả gốc và lãi ngân hàng”.

Hạn hán, rớt giá khiến một mùa mía của nông dân Đắk Lắk gặp thêm nhiều khó khăn.

Không riêng gì bà con nông dân tại huyện Ea Kar, mà tại huyện MĐrắk, vựa mía lớn nhất tỉnh Đắk Lắk người dân cũng đang kêu trời vì mía. Cũng như nhiều hộ dân khác, trước vụ thu hoạch ít tháng, anh Lê Đình Hiếu ở thôn 2, xã Ea Pil, huyện MĐrắk phải “chạy đôn chạy đáo” mua hàng trăm mét ống nước và thuê người khoan tới 2 cái giếng để lấy nước cứu vớt phần nào diện tích 5ha mía của gia đình.

“Niên vụ mía năm ngoái, gia đình tôi thu được 70 tấn mía/ha, nhưng năm nay do nắng hạn kéo dài đã làm nhiều diện tích mía bị héo úa, cây còi cọc, may ra cũng chỉ thu được khoảng 50 tấn/ha. Nếu thời tiết thuận lợi cộng với giá bán ổn định như các năm trước thì mỗi ha mía cũng thu được gần 60 triệu, sau khi trừ các khoản chi phí thì người dân vẫn có lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/ha. Nhưng năm nay gặp hạn hán kéo dài, giá thu mua giảm mạnh nên hầu hết người trồng mía đều lỗ nặng”, anh Hiếu buồn bã cho biết.

Bên cạnh những khó khăn về giá cả, sản lượng mía xuống thấp thì việc tìm xe chuyên chở cũng là bài toán khó. Qua tìm hiểu được biết, vụ mía năm nay người dân muốn bán mía được thuận lợi thì cũng phải chi trả thêm khoản tiền “bồi dưỡng” cho lái xe chở mía từ 100.000 - 200.000 đồng/chuyến.

Nhiều cánh lái xe còn đòi thẳng thừng, nếu không “bồi dưỡng” thì sẽ gây khó dễ người nông dân đủ kiểu như: Đậu xe cách xa ruộng mía thu hoạch và yêu cầu người dân phải vất vả vác mía từ dưới ruộng lên xe; nếu hộ nào lỡ chặt mía rồi mà không đồng ý “bồi dưỡng” tiền, hoặc than phiền, thắc mắc thì các cánh lái xe cứ chây ỳ để 2 - 3 ngày sau mới vào thu mua. Lúc đó trữ lượng đường trong mía đã giảm xuống, mía bán càng mất giá…

Theo phản ánh của bà con nông dân, hiện có 3 công ty mía đường ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của người dân. Mùa thu hoạch năm nay, các công ty này đã đưa ra giá sàn thu mua mía từ 700-750 đồng/kg với loại trữ đường 10 CCS, song có rất ít người bán được với giá trên.

Nguyên nhân là do trữ đường phụ thuộc vào cách tính toán của công ty thu mua quyết định, còn người nông dân lại khá mơ hồ về điều này. Đã vậy, các công ty này còn lấy lý do trừ tạp chất, lượng phân tồn dư cao để đẩy giá xuống thấp khiến không ít bà con bức xúc… Với những cách thu mua nói trên thì tính ra người nông dân chỉ bán được mía với giá trung bình 600-650 đồng/kg.

Từ những thực trạng trên, thiết nghĩ ngành Nông nghiệp các địa phương, các doanh nghiệp cũng cần có những chính sách trợ giá và thu mua mía với giá hợp lý, ổn định, tương xứng với công sức người dân bỏ ra. Người trồng mía cũng rất mong các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương có những định hướng và giải pháp lâu dài để nông dân ổn định đời sống và làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.

Huyện Ea Kar và MĐrắk được biết đến là hai vựa mía lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với tổng diện tích khoảng 12.000ha. Cây mía đã gắn bó và phát triển trên vùng đất này từ những năm 1990 và được xem là cây trồng thoát nghèo, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu bởi hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.

Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, do giá mía liên tục giảm sâu, chưa kể với những rủi ro hằng năm như hạn hán, sâu bệnh làm cho năng suất, sản lượng mía ngày càng sụt giảm khiến người nông dân gặp không ít khó khăn.

Văn Thành
.
.
.