Thất thoát vốn đầu tư dự án kiên cố hoá kênh mương

Thứ Năm, 13/04/2006, 13:04

Bê bối tập trung chủ yếu ở việc sai phạm khối lượng công trình. Chỉ nguyên vấn đề đó đã làm cho ngân sách Nhà nước và tiền của nhân dân đóng góp mất đi hơn 12 tỷ đồng.

Dự án đặc biệt quan trọng này được đầu tư 8.962 tỷ đồng nhằm cải tạo, kiên cố hóa 28.308km kênh mương được huy động từ rất nhiều nguồn vốn. Trong đó, chỉ riêng số tiền do người dân trực tiếp đóng góp đã lên tới 1.445 tỷ đồng. Thế nhưng, hàng loạt sai phạm như thi công thiếu khối lượng, nghiệm thu quyết toán không đúng thực tế, nâng khống dự toán, "công trình" đắp chiếu... đã khiến gần hai triệu USD "xuống sông xuống biển"...

Quýt làm cam chịu

Trong hơn 28 nghìn km kênh mương trên, Bộ NN&PTNT quản lý đầu tư hệ thống kênh loại một dài 5.817km. Kênh loại hai do UBND các tỉnh làm chủ đầu tư dài 6.259km và kênh loại ba do "Nhà nước và nhân dân cùng làm" dài 15.517km. Tuy nhiên, khi kiểm tra 901 dự án, hạng mục, công trình đã có 425 dự án có sai phạm kinh tế. Trong gần 10 nghìn tỷ đồng được đầu tư hệ thống kênh mương trên cả nước như thế, bước đầu các cơ quan chức năng mới chỉ rà soát hơn 693 tỷ đồng nhưng đã phát hiện tổng giá trị sai phạm lên tới gần 28 tỷ đồng.

Những bê bối này tập trung chủ yếu ở việc sai phạm khối lượng công trình. Chỉ nguyên vấn đề đó đã làm cho ngân sách Nhà nước và tiền của nhân dân đóng góp mất đi hơn 12 tỷ đồng. Đây là sự tắc trách của chủ đầu tư cũng như hậu quả của việc gian dối trong thi công của hàng loạt nhà thầu. Việc "làm chơi ăn thật" này khiến các công trình bị "đội giá ảo" và đương nhiên hậu quả không thể tránh khỏi là tiền đầu tư cũng bị "chi ảo". Không những thế, khi các cơ quan kiểm tra đã có hơn hai tỷ đồng "mất hút" do chi sai về giá.

Tiền chi sai chế độ cũng đã khiến hơn một tỷ đồng "trôi sông". Gần ba tỷ khác cũng rơi vào vòng khuất tất khi các cơ quan hữu quan đã lập phương án đền bù sau tăng so với dự toán. Việc chi tiêu lãng phí, đầu tư không có hiệu quả cũng đã khiến gần hai tỷ đồng nữa "đội nón ra đi". Điều đáng buồn là việc thi công ngoài danh mục cũng làm tiền đầu tư thất thoát không nhỏ. Gần một tỷ đồng sai phạm cho việc này là cái giá của việc làm ăn vô nguyên tắc, quan liêu, bạ đâu làm đấy.

Các sai phạm kinh tế ở dự án này nằm hầu hết ở các khâu dẫn đến nhiều công trình không đảm bảo chất lượng. Thậm chí phải làm đi sửa lại rất nhiều lần nhưng hiệu quả vẫn không đâu vào đâu. Nhiều cơ quan đã áp dụng không đúng các hệ số khi lập dự toán nhằm nâng khống tổng dự toán lên. Vì vậy, đến khâu thẩm định không có trách nhiệm khiến tiền đầu tư bị thất thoát. Có công trình làm xong "đắp chiếu" gây lãng phí ghê gớm. Như vậy, hậu quả của những sai phạm này người dân phải gánh chịu hầu hết. Bởi lẽ, mồ hôi nước mắt của họ bỏ ra nhưng khi các hạng mục xuống cấp, thất thoát khiến việc canh tác cũng như đời sống kinh tế của họ sẽ "đồng cảnh" với chất lượng công trình.

Tiền thì mất, tật ai mang?

Trước thực tế đáng buồn ấy, các cơ quan chức năng của nhiều địa phương cũng phải "xắn tay áo" vào cuộc để tìm rõ căn nguyên. Tại Lạng Sơn, khi kiểm tra 11 công trình đã phát hiện gần 1,5 tỷ đồng sai phạm. Các khuất tất này cũng không có gì nằm ngoài sự vô nguyên tắc như quyết toán không đúng khối lượng thực tế, thi công thiếu khối lượng... Trong khi đó, các cơ quan chức năng ở  Bắc Giang cũng đã cho "lộ sáng" hơn hai tỷ đồng sau khi rà soát 37 dự án liên quan. Chỉ riêng trong năm 2004, sau khi tiến hành kiểm tra gần 20 công trình đã phát hiện số tiền sai phạm hơn 800 triệu đồng.

Thậm chí ở địa phương này xây dựng ba trạm bơm với mức đầu tư trên một tỷ đồng nhưng để cho "vui mắt" mà không sử dụng vào việc gì khiến người dân hết sức chán nản mỗi khi nghĩ đến tính hiệu quả của dự án. Trong khi đó, ở Hải Dương khi kiểm tra 23 công trình cũng đã phát hiện trên một tỷ đồng tiền sai phạm. Tại Bình Định, khi kiểm tra 9 công trình cũng đã "cho ra ánh sáng" hơn 500 triệu đồng.

Tại Cà Mau, một tỉnh có tiếng là nhiều kênh rạch và hệ thống giao thông, thủy lợi cơ bản dựa vào lợi thế này cũng không tránh khỏi sai phạm khi thực hiện dự án. Qua kiểm tra gần 50 công trình đã thấy số tiền sai phạm lên tới gần hai tỷ đồng. Trong đó, việc chi sai mục đích đã khiến ngân khố của Nhà nước mất đi 847 triệu đồng. Các nhà thầu tự ý thi công các hạng mục ngoài danh sách đã làm thất thoát 991 triệu đồng. Đây là những dấu hiệu hết sức đáng quan ngại của việc cố ý làm trái, không đếm xỉa gì đến lợi ích của cộng đồng. Ở tỉnh Phú Yên, những sai phạm ấy cũng không kém. Trong 17 công trình đã có hơn 4 tỷ đồng sai phạm.

Cả một chủ trương hết sức đúng đắn, vì lợi ích dài lâu cho người dân của Chính phủ đã bị lạm dụng như thế. Trách nhiệm này đầu tiên thuộc về Bộ NN&PTNT cùng các địa phương triển khai dự án. Con số sai phạm trên khi kiểm tra một phần nhỏ trong toàn bộ dự án trên phạm vi toàn quốc này là nỗi đau không chỉ riêng ai về việc đầu tư xây dựng cơ bản. Sự bê bối ở dự án này cùng cách làm ăn vô trách nhiệm, bòn rút ngân khố quốc gia không chỉ đáng lên án mà còn cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Bài học ở PMU18 đã quá đau xót nhưng các cơ quan chức năng vẫn phải xử lý triệt để cả những việc làm tương tự để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và để lấy lại lòng tin của nhân dân

Ngọc Lâm
.
.
.