Tháo “rào cản” để nền nông nghiệp chuyển mình, vươn lên

Chủ Nhật, 12/08/2018, 06:24
Kinh tế nông nghiệp của Việt Nam vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Thế nhưng, cả nước hiện chỉ có khoảng 49.600 công ty đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.


Tại hội thảo thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa qua, các chuyên gia đã chỉ rõ thực trạng cũng như nêu ra những giải pháp để “cởi trói” cho nền nông nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Quốc gia nông nghiệp lại… nhập khẩu nông sản (!)

Với lợi thế đặc biệt về thổ nhưỡng, khí hậu, nhân công lao động để phát triển một nền nông nghiệp tiên tiến nhưng trên thực tế, nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay lại đang luẩn quẩn “được mùa mất giá, “được giá mất mùa”.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu nông sản Việt còn ở mức rất thấp, chủ yếu xuất nguyên liệu và chế biến thô. Điều này đã gặp không ít khó khăn, thách thức, không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả ở trong nước, mặc dù Việt Nam có tới 95 triệu dân, một thị trường rất giàu tiềm năng.

Nguyên nhân là do trình độ sản xuất thấp dẫn đến khó kiểm soát hoặc không ổn định về chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong khi thị trường ngày càng khắt khe và chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều quốc gia. Ông Cường cho rằng, chính sự bấp bênh của ngành nông nghiệp nên tỉ lệ đầu tư vào lĩnh vực này quá thấp, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp với số vốn chiếm gần 3% tổng số vốn đầu tư. Đồng thời, dòng vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1%.

Theo nhiều chuyên gia, tình trạng các doanh nghiệp tùy tiện dùng giống biến đổi gen, giống kém chất lượng và lạm dụng chất kích thích, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản sau thu hoạch bất chấp hậu quả là để lại tồn dư tạp khuẩn và độc tố trong nông sản, gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường và bệnh ung thư ở Việt Nam. Thực trạng này đã kéo theo nghịch lý, hệ lụy tiêu cực, dù là quốc gia nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nông sản. Nguyên nhân là người tiêu dùng mất lòng tin, e ngại chất lượng đối với nông sản trong nước.

Nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại TP Đà Lạt.

Bên cạnh đó, một số công nghệ cao nhập khẩu trọn gói từ nước ngoài chưa thực sự phù hợp các điều kiện thực tế về thổ nhưỡng, khí hậu, gây ra tốn kém và gia tăng rủi ro đầu tư. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa đảm bảo giảm thiểu được ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu bất thuận đến sản xuất nông nghiệp.

Việc quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với công nghệ chế biến, bảo quản, kho bãi, vận chuyển hiện vẫn chưa có hiệu quả trên thực tế. “Chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25 - 30% và các hiện trạng xuất thô, xuất tươi, được mùa mất giá diễn ra thường xuyên, liên tục trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Để nông nghiệp vươn mình thức giấc

Trong chuyến công tác tại Lâm Đồng vào cuối tháng 7-2018 vừa qua, sau khi đi thăm một số mô hình về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,  được nghe báo cáo về hiệu quả của ngành nông nghiệp đối với kinh tế địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không tiếc lời khen ngợi, khuyến khích hướng đi đúng đắn, sáng tạo của Lâm Đồng trong những năm qua.

“Tôi đến thăm doanh nghiệp Phong Thúy rút ra được bài học là đưa công nghệ cao vào phục vụ sản xuất, liên kết sản xuất, tự động hóa trong khâu sản xuất, chế biến, cải cách bao bì, nhãn mác, giống tốt, phát triển thị trường hiệu quả thì doanh nghiệp chẳng lo gì việc không có lãi, thập chí lãi rất lớn!...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông Trần Đức Quận, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh này đang phát triển rất mạnh trong những năm qua theo hướng khép kín, tự động hóa. Hiệu quả kinh tế đạt được của ngành nông nghiệp không chỉ làm giàu cho người dân mà còn đóng góp vào nguồn thu ngân sách Nhà nước rất lớn cho địa phương. Thu nhập bình quân trên 55 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước.

Theo ông Quận, trung bình mỗi hecta rau ứng dụng công nghệ cao hằng năm cho doanh thu 450 triệu đồng. Riêng đối với sản suất rau thủy canh đạt 5-8 tỷ đồng/ha. Hoa cao cấp doanh thu lên tới 8-9 tỷ đồng/ha. Đúng như  Thủ tướng đã đánh giá, đây là những con số đặc biệt ấn tượng mà rất ít địa phương nào có thể đạt được.

Và cũng chính điều này mà người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các địa phương trong cả nước cần nghiên cứu, học tập và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng. Khẩn trương chủ động thay đổi thương thức, công nghệ, hướng đi mới trong sản xuất để nhanh chóng thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp.

Trở lại với những khó khăn, “rào cản” của ngành nông nghiệp, sau hội   nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vừa diễn ra tại Đà Lạt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành đang khẩn trương hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Gấp rút ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường, qua đó tư vấn, cung cấp cho các doanh nghiệp biết để điều tiết hoạt động phù hợp theo nhu cầu thị trường tránh bị ép giá bán.

Các bộ, ngành cũng sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp có chiến lược đầu tư xúc tiến thương mại hàng nông sản vào các thị trường trọng điểm. Phối hợp với hệ thống Thương vụ tại nước ngoài đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đưa hàng hóa nông sản Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài.

Cải cách cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Các bộ ngành, địa phương sẽ đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay, từ 500 thủ tục hành chính xuống còn 250 thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn. Nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình. Mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm…

Các doanh nghiệp cũng đang trông chờ Chính phủ ban hành chính sách xóa nợ đọng thuế đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thua lỗ kéo dài do điều kiện khách quan; cũng như chính sách điều chỉnh, giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% đối với các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp...

Khắc Lịch
.
.
.