Tháo gỡ vướng mắc cho “tàu cá 67” vươn khơi

Thứ Hai, 09/07/2018, 08:27
Sau một thời gian triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều tàu cá đóng mới của ngư dân tỉnh Quảng Nam đã gặp phải không ít vướng mắc. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc để tháo gỡ vướng mắc này giúp ngư dân giải quyết khó khăn, yên tâm vươn khơi bám biển…


Mấy ngày nay, vợ chồng ngư dân Trần Văn Liên (52 tuổi, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) như ngồi trên đống lửa, vì nhận được văn bản của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Quảng Nam, sẽ khởi kiện họ ra tòa.

Thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, Chi nhánh BIDV Quảng Nam đã cho ông Liên vay gần 7,7 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là tàu cá vỏ thép hình thành từ vốn vay mang số hiệu QNa-94679TS và toàn bộ máy móc, trang thiết bị trên tàu.

“Trong quá trình vay vốn, BIDV Quảng Nam luôn đề nghị khách hàng phải thực hiện đúng cam kết và nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, ông Liên đã nhiều lần vi phạm nghĩa vụ trả nợ và hiện khoản vay đã chuyển sang nợ xấu làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng”, văn bản của BIDV Quảng Nam nêu rõ.

Nhiều tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh Quảng Nam đang gặp vướng mắc, cần được tháo gỡ.

Ngoài số tiền gốc gần 7,7 tỷ đồng, ông Liên còn nợ tiền lãi quá hạn, phí trả chậm quá hạn… lên đến hàng trăm triệu đồng. Lãnh đạo BIDV Quảng Nam cho rằng, hiện ông Liên không còn nguồn thu nhập để trả nợ, nên đã đề nghị ông tiến hành thanh lý tài sản để thu hồi nợ, nhưng không được. Do đó, sẽ khởi kiện đối với vợ chồng ông ra TAND TP Tam Kỳ vì vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng.

Khi được hỏi về sự việc, dù rất buồn khi nhận được thông báo của Chi nhánh BIDV Quảng Nam, nhưng ông Liên vẫn thừa nhận, việc chi nhánh ngân hàng này kiện vợ chồng ông ra tòa là đúng, vì ông không trả nợ vay đúng hạn.

Theo ông Liên, tàu cá vỏ thép của ông đóng tại Công ty CP đóng tàu Bảo Duy, máy chính tàu mua của Công ty CP Liên Á. Tháng 3-2016, tàu bị hỏng máy và bắt đầu tranh chấp, khiếu kiện đến nay vẫn chưa giải quyết xong, nên ông không thể lấy tàu về để đi biển. Sau hơn 2 năm theo đuổi vụ kiện, từ một gia đình khá giả làm nghề biển có tiếng ở địa phương, gia đình ông Liên lâm cảnh nợ nần, phải đi làm thuê kiếm sống.

Không chỉ có ông Liên mà nhiều ngư dân khác tại tỉnh Quảng Nam có tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 cũng gặp phải nhiều vướng mắc. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam, cho biết, trong quá trình đưa tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 vào khai thác, sử dụng đã xuất hiện tình trạng một số tàu sản xuất không đạt hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là 13 tàu cá làm nghề lưới rê hỗn hợp, nên đã có 4 tàu cải hoán kiêm thêm nghề lưới chụp (chụp mực).

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do trong thời gian đầu, việc khai thác công năng của tàu cá vỏ thép, trang thiết bị khai thác mới như tời thu lưới, máy dò ngang, trang thiết bị hàng hải,... đối với một số chủ tàu chưa đạt hiệu quả cao, tình trạng gặp trở ngại ban đầu khi vận hành các máy móc, thiết bị xảy ra tương đối phổ biến, làm gián đoạn sản xuất và tăng chi phí đầu vào chuyến biển.

“Hiện nay, các chủ tàu cá làm nghề lưới rê, lưới vây khai thác hiệu quả không cao và có nhu cầu cải hoán sang nghề khác, hoặc kiêm thêm nghề. Đặc biệt là các tàu làm nghề lưới rê hỗn hợp sang lưới chụp. Tuy nhiên, các chủ tàu gặp nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư cải hoán, chi phí thiết kế… trong khi các ngân hàng thương mại không thể cho vay thêm vốn để thực hiện cải hoán, hoặc kiêm nghề và việc thực hiện các thủ tục là quá rối rắm đối với chủ tàu, tốn nhiều thời gian.

Do đó, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Quỹ hỗ trợ ngư dân cho các chủ tàu vay vốn cải hoán kiêm nghề và cấp kinh phí bổ sung vào Quỹ để tăng nguồn vốn hỗ trợ cho ngư dân cải hoán và đóng mới tàu cá”, ông Tấn thông tin.

Riêng đối với tàu cá QNa-94679TS của ông Trần Văn Liên bị sự cố dẫn đến hỏng hoàn toàn máy chính trong quá trình đóng tàu, tuy đã được thay máy mới khác, hoàn thành công tác đăng kiểm, được cấp đăng ký, giấy phép khai thác nhưng không thể bàn giao tàu do việc tranh chấp, kiện tụng giải quyết trách nhiệm việc làm hỏng máy.

TAND tỉnh Quảng Nam đã ban hành bản án phúc thẩm, nhưng vẫn chưa được thi hành án. Trong khi đó, Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng vừa chấp nhận đơn kháng nghị của Công ty CP Liên Á và chỉ đạo hoãn thi hành bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam.

Trước vụ việc rắc rối, kéo dài, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý, có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước cho phép khoanh nợ cho chủ tàu Trần Văn Liên và đề nghị Ngân hàng BIDV tiếp tục giải ngân để ông Liên nhận nợ và nhận tàu ra khơi đánh bắt.

Thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam, đến nay UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt danh sách 17 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp tàu cá và 92 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 (đạt 100% chỉ tiêu phân bổ từ Trung ương). Trong đó, về ngành nghề gồm 83 tàu khai thác và 9 tàu dịch vụ hậu cần; về vật liệu vỏ tàu gồm 60 tàu vỏ thép, 2 tàu composite và 30 tàu vỏ gỗ.

Để giảm bớt khó khăn cho chủ tàu, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành công văn về việc hỗ trợ chi phí thiết kế cho các chủ tàu đóng mới theo Nghị định 67 và đã hỗ trợ cho 56 chủ tàu 1,19 tỷ đồng từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam.

Tính đến ngày 31-12-2017, các ngân hàng thương mại tại địa phương đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 63 tàu cá (gồm 24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 37 tàu vỏ thép, đạt 68,5% số tàu cá được phê duyệt) và 2 tàu nâng cấp máy chính với tổng giá trị cam kết đầu tư cho vay 729,58 tỷ đồng.

Tính đến nay, đã giải ngân được 719,42 tỷ đồng/65 tàu cá; có 63 tàu đã hoàn thành thi công, được cấp đăng ký và cấp phép, đi vào sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động có 2 tàu vỏ gỗ bị tai nạn nên hiện nay số lượng tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 còn đang hoạt động tại tỉnh Quảng Nam là 61 tàu. (N.T)
Ngọc Thi
.
.
.