Thành lập công ty để mua bán hoá đơn thuế GTGT

Thứ Ba, 26/09/2006, 10:26

Một người trình độ “ngắn” như Nguyễn Hoàng Lương trong 2 năm liên tiếp thành lập 5 Công ty TNHH đã gây ngạc nhiên cho những người quen biết. Tuy nhiên, không ai ngạc nhiên khi Lương “nhập khám”.

Con đường phạm tội của Nguyễn Hoàng Lương (39 tuổi), trú ở Quốc Tử Giám, Đống Đa (Hà Nội), thật tình cờ. Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Lương được Công ty Ánh Dương, ở 56 Hàng Giấy thuê làm giám đốc và nhờ đứng tên kinh doanh.

Công ty này chuyên bán máy soi tiền và nhanh chóng trở thành một thương hiệu nổi tiếng của Hà Thành. Một năm làm cho Công ty Ánh Dương, Lương thấy việc làm ăn không đến nỗi khó như vẫn nghĩ và lợi nhuận lại rất lớn nên đã đứng ra thành lập công ty riêng. Cơ sở hạ tầng không có, Lương lấy địa chỉ nhà bố vợ ở Gia Lâm để đăng ký kinh doanh.

Vì Ánh Dương đã có tên tuổi, khi thành lập công ty mới anh ta vẫn lấy tên là Công ty TNHH kỹ thuật Ánh Dương để dễ "nổi tiếng". Thời gian đầu công ty làm ăn nghiêm chỉnh và có lãi. Nhưng cũng từ khi thấy rất nhiều người đến công ty của Lương hỏi mua hoá đơn thuế GTGT, ban đầu Lương còn từ chối vì… sợ, nhưng kể từ khi thuê Nguyễn Tiến Thành ở phố Lò Đúc, về làm Phó Giám đốc cho mình, Lương chấp nhận cách "làm ăn" mới.

Nhà Thành ở gần chợ Trời (phố Huế), nơi diễn ra tình trạng mua bán hoá đơn thuế GTGT khá "nhộn nhịp". Thế là Thành dắt khách đến công ty của Lương để hỏi mua hoá đơn thuế GTGT. Được sự "hậu thuẫn" của Thành, Lương bắt đầu sa vào con đường phạm tội và trở thành chuyên nghiệp.

Thấy việc làm ăn ngày càng phát đạt, Lương thành lập thêm Công ty TNHH và Thương mại Hà Thành, ở 127 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân với mục đích chính là buôn bán hoá đơn thuế GTGT. Chỉ trong 2 năm mà Lương "phất" lên nhanh chóng, liên tiếp thành lập 3 công ty nữa: Công ty TNHH Tân Đô Thành, ở 32 Nguyễn Văn Cừ; Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Tân Tiến, ở 11/39 An Trạch 1, Quốc Tử Giám và Công ty TNHH tư vấn du học và Dịch vụ kỹ thuật Đông Âu. Cả 5 công ty này hoạt động đúng với giấy phép đăng ký kinh doanh rất hãn hữu, chủ yếu mua hoá đơn GTGT ở Cục Thuế Hà Nội về bán để thu lợi bất chính.

Theo Đội CSĐT về TTQLKT và CV, Công an quận Thanh Xuân, tổng cộng Lương đã mua được 23 quyển hoá đơn thuế GTGT. Trong 12 quyển hoá đơn bị thu giữ, có rất nhiều hoá đơn là chữ viết và chữ ký của Thành, thậm chí có hóa đơn Thành còn ký là "Giám đốc".

5 công ty của Nguyễn Hoàng Lương hoạt động trong một thời gian dài để phục vụ cho đối tượng là cá nhân, đơn vị (chủ yếu là Công ty TNHH) có nhu cầu sử dụng. Thủ đoạn của chúng là ghi tiền thuế giữa liên 1 và liên 3 thấp hơn nhiều với liên 2 để kiếm lời. Sau khi có đủ bằng chứng xác thực về hành vi mua bán hoá đơn GTGT liên 2 cho người có nhu cầu để thu lời bất chính, Công an quận Thanh Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hoàng Lương về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả và các giấy tờ có giá trị giả khác.

Trong quá trình cơ quan điều tra tiến hành xác minh ban đầu, Lương đã bỏ trốn. Kiểm tra 5 công ty trên, cơ quan điều tra đã thu giữ 90 tờ hoá đơn GTGT liên 2 do công ty của Lương lập cho cá nhân và các đơn vị có nhu cầu sử dụng.

Tổng số tiền hàng trước thuế ghi trên 90 tờ hoá đơn thuế GTGT liên 2 là 10.907.136.000 đồng và tổng số tiền thuế GTGT trên 90 tờ hóa đơn liên 2 là 651.622.630 đồng. CQĐT cũng xác định được 12 công ty đã mua hóa đơn của Lương. Ngày 22/12/2005 Công an quận Thanh Xuân ra quyết định truy nã đối với Lương. Ngày 22/1/2006, cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án số 01 và tạm đình chỉ bị can đối với Nguyễn Hoàng Lương.

Sau một thời gian dài lẩn trốn vào các tỉnh phía Nam, đến giữa tháng 9/2006, Lương về Hà Nội và bị bắt khi đang "ẩn dật" ở địa bàn quận Cầu Giấy. Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự số 07 và phục hồi điều tra bị can số 07 đối với Nguyễn Hoàng Lương. Tại cơ quan điều tra, Lương khai đã trực tiếp viết hoặc chỉ đạo nhân viên viết, bán hóa đơn thuế GTGT cho cá nhân và đơn vị có nhu cầu sử dụng và ghi các nội dung theo yêu cầu của cá nhân và đơn vị trên tờ hoá đơn liên 2 để thu lời bất chính 128.300.000 đồng.

Qua vụ án trên cho thấy, việc xin cấp phép thành lập công ty hiện nay còn bộc lộ nhiều kẽ hở. Công tác thẩm định khi cấp phép đăng ký kinh doanh và công tác quản lý hoạt động của các công ty lâu nay còn thiếu sót, dẫn đến việc nhiều công ty "ma" lập nên để hoạt động phạm pháp. Theo điều tra của chúng tôi, cơ quan điều tra nhiều lần vận động Lương ra đầu thú nhưng anh ta vẫn ngoan cố lẩn trốn. Hậu quả của việc làm ăn phi pháp trên đã đẩy gia đình Lương vào bi kịch. Giọt nước mắt muộn màng của Lương sẽ là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người đã và đang có tham vọng làm giàu bất chính

An Bình - Trần Hằng
.
.
.