Thách thức tăng trưởng về chất

Thứ Ba, 24/02/2015, 11:42
Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong top những nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng ngay cả những năm kinh tế thế giới gặp khó khăn.

Năm 2015 được kỳ vọng sẽ là một năm lạc quan của nền kinh tế với nhiều thay đổi tích cực về chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...

Tuy nhiên, ẩn dưới những con số lạc quan đó vẫn là những tín hiệu bất ổn cần giải quyết. Thách thức lớn nhất vẫn là tăng trưởng về chất, đặc biệt là việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả đầu tư.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: Năm 2014, tăng trưởng GDP đã hoàn thành kế hoạch, đạt 5,8%, nhưng so với bình quân các năm trước đây vẫn thấp hơn nhiều.

Xu hướng tăng trưởng nói chung vẫn chưa thấy rõ sự thay đổi về tiềm năng. Nông nghiệp tăng trưởng mạnh, nhưng do thuận hòa về thời tiết hơn là nhờ chính sách tái cơ cấu nông nghiệp.

Công nghiệp – xây dựng có tốc độ tăng cao hơn nhiều so với các năm trước, nhưng lĩnh vực dịch vụ lại tăng trưởng chậm lại và xu hướng đi ngang.

Năm 2014 cũng ghi nhận những thay đổi về thể chế, trong đó được đánh giá là đột phá trong việc quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp được mở rộng tối đa.

Rào cản gia nhập thị trường giảm, tạo thuận lợi hơn cho kinh doanh, thu hẹp phạm vi và thẩm quyền can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Mở rộng quyền tự chủ cho nhà đầu tư, cổ đông… giảm đi chi phí tuân thủ về quy chế nội bộ, tạo thuận lợi hơn cho mua bán, sáp nhập.

Những thay đổi mạnh về chính sách kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế trong năm 2015. Ảnh IPSI

TS Nguyễn Đình Cung đánh giá tác động dự kiến của những chính sách này là giảm rủi ro pháp lý, tăng mức độ an toàn trong đầu tư kinh doanh, chi phí giao dịch giảm đi nhiều, tăng mức độ thuận lợi.

Song TS Cung vẫn tỏ ra quan ngại việc “chúng ta luôn lỡ bước” trong triển khai thực hiện. “Đầu tiên, cán bộ công chức phải có thái độ tôn trọng luật, không làm méo mó luật, không phải chờ Nghị định, Thông tư… mới làm, mà chủ động và tôn trọng luật pháp”, bởi nếu chờ đợi, năm 2015 sẽ qua rất nhanh.

Bên cạnh những kỳ vọng, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những tồn tại: Tăng trưởng có cải thiện về tốc độ nhưng chất lượng chưa cải thiện.

Tăng trưởng TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp như năng suất lao động, hiệu quả đầu tư) của Việt Nam thấp hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…

Điều này cho thấy rõ ràng chúng ta chưa thay đổi được căn bản động lực của tăng trưởng, trong khi yêu cầu về tăng năng suất lao động rất lớn.

Nếu muốn tăng trưởng khoảng 7% như mục tiêu của 5 năm tới thì năng suất lao động phải tăng khoảng 6,4%, song hiện nay mới tăng 4,1%.

Về số lượng lao động, dự báo thời gian sắp tới Việt Nam sẽ tăng khoảng 0,6%, không đáng kể, đòi hỏi chất lượng năng suất lao động phải tăng vượt bậc thì mới có thể đạt được mức tăng trưởng 6,5 -7%. Đây là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Nhu cầu “thoát Trung” cũng tạo áp lực lớn phải đổi mới và đột phá về chính sách, bởi hiện so với Trung Quốc, GDP của Việt Nam yếu hơn cả về tương đối và tuyệt đối.

GDP bình quân đầu người của Trung Quốc có bước tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua, kéo dãn khoảng cách giữa 2 nước.

Tỷ trọng kinh tế Việt Nam so với Trung Quốc tính theo sức mua ngang giá (quy đổi ra USD) trước đây là 6% thì nay chỉ còn 3%.

Một nút thắt khác của nền kinh tế được chỉ ra là tín dụng và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại chưa thật lành mạnh, nên hoạt động cho vay mới còn hạn chế, khó có khả năng giảm lãi suất cho vay.

Ngoài ra, huy động trái phiếu chính phủ quá lớn chèn ép tín dụng của khu vực tư nhân.

TS Nguyễn Đình Cung lưu ý cần thoát khỏi điều hành tín dụng theo kiểu hành chính, chạy theo hình thức, phi thị trường để tạo ra thành tích tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu, làm méo mó thị trường tín dụng.

Ông Cung đề nghị bỏ trần khống chế tín dụng với từng ngân hàng vì nó đã không có tác dụng, chứa đựng rủi ro. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên bỏ chỉ tiêu hằng năm để tín dụng chạy đúng theo thị trường.

Tiếp tục cải cách doanh nghiệp Nhà nước để khắc phục các méo mó thị trường tạo ra bởi chính các doanh nghiệp này hiện nay.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng môi trường kinh doanh chắc chắn sẽ có cải thiện trong 2015, nhưng cũng cần lưu ý doanh nghiệp Việt đang yếu đi trên chính thị trường Việt Nam. Điều này khiến ông lo lắng.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng nếu muốn tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng thì phải đặt doanh nghiệp tư nhân vào thế hoàn toàn khác và phải tiếp tục cải cách mạnh thể chế.

Nam Phương
.
.
.