Tết của người lao động trong năm tiền đồng khan hiếm

Thứ Sáu, 20/01/2012, 10:35
Ngày 19/1, Bộ LĐ-TB&XH công bố tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng và bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp trong năm 2011, thêm một lần khẳng định những khoản lương, thưởng Tết đã không còn đủ để họ thực hiện những dự định, kế hoạch cuối năm. Người lao động bắt đầu phải tính toán cho một cái Tết tằn tiện mà vẫn đủ lệ bộ.

Khép lại một năm nhiều sóng gió, năm mà ảnh hưởng của suy thoái kinh tế ngấm đến từng doanh nghiệp, từng gia đình, người lao động trở thành đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngày 19/1, Bộ LĐ-TB&XH công bố tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng và bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp trong năm 2011, thêm một lần khẳng định những khoản lương, thưởng Tết đã không còn đủ để họ thực hiện những dự định, kế hoạch cuối năm. Người lao động bắt đầu phải tính toán cho một cái Tết tằn tiện mà vẫn đủ lệ bộ.

Cuộc điều tra của Bộ Đ-TB&XH được tiến hành trên 1.660 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên ở 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho các vùng kinh tế của cả nước và có thị trường lao động phát triển. Điểm đáng lưu ý là tỷ lệ doanh nghiệp điều tra có số lao động thực tế sử dụng bình quân 6 tháng đầu năm 2011 đã giảm 42,3% so với năm 2010. Trong đó, tiền lương bình quân của người lao động là 3,84 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân vào khoảng 4,17 triệu đồng/người/tháng, tức là đều tăng khá cao so với năm 2010.

Trong cuộc điều tra này, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã tổng kết, mức tiền lương bình quân của người lao động ở doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước cao nhất (4,41 triệu đồng/người/tháng), tiếp đến là công ty cổ phần có vốn Nhà nước chi phối (3,38 triệu đồng/người/tháng), doanh nghiệp FDI (3,63 triệu đồng/người/tháng) và thấp nhất ở DN dân doanh (3,32 triệu đồng/người/tháng). Tuy nhiên, các doanh FDI trả lượng cho lao động quản lý cao hơn khu vực doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn góp Nhà nước chi phối. Ngược lại, đối với lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh và nhân viên thừa hành, phục vụ lại có mức lương bình quân thấp hơn so với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Chênh lệch mức lương cao nhất với mức lương thấp nhất trong DN FDI bình quân khoảng19,3 lần, trong DN 100% vốn Nhà nước khoảng 8 lần và DN dân doanh là 5,5 lần.

Dệt may là ngành giữ được mức tăng trưởng mạnh trong năm 2011, đảm bảo lương thưởng Tết cho người lao động.

Những con số khiến nhiều người phải suy nghĩ. Trong khi ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã công bố số tiền thưởng Tết lên tới vài trăm triệu, thậm chí đến cả tiền tỷ, thì theo điều tra về tiền thưởng đối với người lao động chỉ ở mức rất thấp: bình quân Tết dương lịch năm 2012 là 928 ngàn đồng/người bằng 88,6% so với năm 2011. Tiền thưởng bình quân Tết nguyên đán năm 2012 là 3.218 ngàn đồng/người bằng 120,2% so với năm 2011. Thậm chí có DN FDI chỉ thưởng Tết Nguyên đán 50.000 đồng.

Theo nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, thì năm 2011 doanh nghiệp cầm cự được, trả đủ lương, đủ thưởng theo qui định cho người lao động đã là một kỳ tích. Rõ ràng, đây là một năm đầy khó khăn bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát, giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là nguồn vốn khan hiếm. Tuy nhiên điều khác biệt của năm 2011, khi kinh tế khó khăn, tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng vọt, thì cũng là lúc người lao động biết chia sẻ hơn với doanh nghiệp. Những cuộc đình công theo thông lệ thường bùng phát vào dịp cuối năm, đã không diễn ra trong một số tháng cuối năm 2011.

Tết đang đến rất gần. Ở khắp các công trường, nhà máy, xí nghiệp đã đóng máy, để người lao động được nghỉ ngơi lo sắm Tết. Hơn bao giờ hết trong lúc khó khăn, trong lúc tiền đồng khan hiếm, thì tiêu tiền vào việc gì cũng là một bài toán cần được cân nhắc. Vui xuân trong thế “thắt lưng buộc bụng” cũng là dịp để nhìn lại để chuẩn bị cho một năm làm việc mới nỗ lực và tích cực hơn

Thu Uyên
.
.
.