Tết thịnh vượng từ “mùa” kinh tế thắng lợi

Thứ Ba, 05/02/2019, 07:17
Hoàn thành và vượt 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng trưởng gấp đôi lạm phát, xuất siêu lập kỷ lục, nền kinh tế đứng vững trước cuộc chiến thương mại toàn cầu, tỷ giá ổn định, doanh nghiệp (DN) lạc quan, phát triển tốt… Kinh tế đã trải qua một năm nhiều khó khăn nhưng thắng lợi vẻ vang, mang về một mùa xuân ấm no, an khang, thịnh vượng.


Tăng trưởng đạt 7,08%

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông tin và nhấn mạnh, kể từ 2008 đến nay, lần đầu tiên trong 10 năm, nền kinh tế Việt Nam không chỉ đạt, mà còn vượt mức tăng trưởng từ 6,7% lên đến mức 7,08% năm 2018.

Năm 2017, chúng ta xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì 2018 đạt mức xuất siêu kỷ lục lên đến hơn 7 tỷ USD, gấp hơn ba lần kỷ lục xác lập trước đó; đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FD1 (14%).

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so mức 17,18% của các năm trước. Rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5.535,3 nghìn tỉ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.

Cùng với những thành tựu nói trên, các chỉ tiêu quan trọng khác cũng đều đạt và vượt mức đề ra, đó là nợ công giảm xuống từ 63,7% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% năm 2018; thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.420 nghìn tỷ đồng - đạt trên 107% so dự toán; bội chi ngân sách đạt 3,67%, vượt mức chỉ tiêu Quốc hội giao…

Được đánh giá là năm bản lề, những thành tựu kinh tế của năm 2018 có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đánh giá, định hình lại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Nhìn lại giai đoạn 2016-2018, kinh tế mỗi năm đều được cải thiện, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng xuất khẩu và FDI đạt mức kỷ lục.

Kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân có thể đạt 6,71% (mục tiêu từ 6,5-7%).

Thực tế, không chỉ Chính phủ Việt Nam lạc quan khi nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s dự báo Việt Nam nhiều khả năng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,4% trong giai đoạn 2018 - 2022, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình 3,5% của một quốc gia được xếp hạng tín nhiệm Ba3 (như Việt Nam hiện nay). Mức tăng trưởng này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ sức cạnh tranh gia tăng, các dòng chảy thương mại mạnh mẽ và tiêu dùng tăng mạnh của Việt Nam.

Lạc quan kinh tế năm 2019

Bước sang năm 2019, mặc dù khó khăn còn chồng chất, các chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan tin tưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng bằng hoặc cao hơn năm 2018, mức tăng có thể không nhiều nhưng chất lượng tăng trưởng sẽ được cải thiện hơn do kết quả của tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, cần nắm vững và thúc đẩy mạnh hơn tái cơ cấu kinh tế thực chất. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, tinh gọn bộ máy hành chính, hợp nhất, giảm bớt đầu mối, cải tiến phương thức làm việc theo công nghiệp 4.0 với Chính phủ và chính quyền điện tử.

Đồng thời, gia tăng tốc độ tái cơ cấu DNNN; cải thiện việc giải ngân vốn đầu tư công, quyết liệt giảm chi thường xuyên của ngân sách; chọn lựa FDI chất lượng hơn; vượt qua hàng rào bảo hộ, tìm thêm thị trường xuất khẩu mới; thúc đẩy DN khởi nghiệp đi cùng hỗ trợ điều kiện để giảm bớt DN ngừng họat động; chú trọng khai thác các hiệp định FTA để giảm thiểu tác động bất lợi của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, dù kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển và có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa phát huy được hết hiệu quả và tiềm năng. Việc cải cách thể chế còn chậm, do đó, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản như giấy phép con “hành” DN; nhiều thủ tục hành chính còn chồng chéo; sự phiền hà, nhũng nhiễu, tình trạng tham nhũng còn phổ biến; năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa cao...

Nhận xét về những thành tựu kinh tế đạt được, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những kết quả này tạo tiền đề thuận lợi, vững chắc cho năm 2019. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhắc nhở chúng ta không được chủ quan, tự mãn,  bởi nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung chỉ đạo xử lý, khắc phục, ứng phó.

“Điều quan trọng là chúng ta phải có ý thức dân tộc, quy tụ lòng người, đoàn kết tiến bước xây dựng đất nước trong thời kỳ còn nhiều khó khăn thách thức. Kiên trì bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước. Chúng ta phải có khát vọng vươn lên ở các cấp, các ngành. Chúng ta phải đổi mới tư duy, xóa bỏ những quan điểm cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ. Chúng ta hoan nghênh và khuyến khích mọi ý tưởng đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ làm giàu cho mình và đất nước...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

1. Nhà nước từ người chèo đò sang người lái đò

Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu chững lại giai đoạn 2012-2014, khi tốc độ tăng trưởng dưới 6%/năm, mức thấp kỷ lục chỉ sau các năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chúng ta mới chỉ lấy lại được tốc độ tăng trưởng nhanh trên 6% từ năm 2015 trở lại đây.

Có được kết quả đó phải kể đến các nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó thay đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ phụ thuộc vào đầu tư công, DNNN, và tăng trưởng tín dụng, sang coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Để phát triển kinh tế tư nhân, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế chuyển từ người chèo đò sang người lái đò.

Nói cách khác, Nhà nước thay vì điều hành các DN bằng mệnh lệnh thì chuyển sang điều hành bằng pháp luật và các biện pháp hỗ trợ DN. Đây cũng là hai chức năng kinh tế quan trọng nhất của một Nhà nước kiến tạo phát triển là tạo lập thể chế kinh tế thị trường và hỗ trợ phát triển DN. - T.S Vũ Tiến Lộc - VCCI.

2. Nền kinh tế đang đi đúng hướng

“Những kết quả đạt được đã chứng minh một điều, nền kinh tế đang đi đúng hướng, ổn định, tăng trưởng hợp lý và tái cơ cấu có bước tiến tích cực trong điều kiện thế giới có nhiều khó khăn biến động, trong nước thiên tai xảy ra nghiêm trọng. 

Đây là những nỗ lực to lớn của doanh nghiệp và nhân dân dưới sự điều hành quyết liệt và có hiệu quả của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh”. - TS. Lưu Bích Hồ.

3. Chính sách tiền tệ tốt, tỷ giá ổn định

Trong thành tích chung về giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát dưới 4%, không thể không kể đến vai trò đầu mối của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ.

Đáng chú ý, năm 2018 được đánh giá là 1 năm tương đối thành công trong ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá, trong bối cảnh các đồng tiền trên thế giới đều mất giá: USD mất giá 5%, CNY mất 6%, mất INR mất giá tới 9%, PHP mất giá 5%, thì Việt Nam chỉ mất có 2,7%. Rõ ràng đây là mức chấp nhận được, và nó cho thấy VND tương đối ổn định trong khu vực. - TS Cấn Văn Lực.

4. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư tăng cao

Tăng trưởng kinh tế nhìn từ phía cầu do tiêu dùng nội địa tăng lên, xuất phát từ đánh giá triển vọng của dân cư là thu nhập sắp tới vẫn có thể gia tăng nên chi tiêu mạnh hơn, tạo tốc độ tiêu dùng tăng nhanh hơn các năm trước - đấy chính là GDP. Khu vực thứ 2 là xuất khẩu tăng nhanh 14% so với kế hoạch ban đầu là 10% - điều này cho thấy nỗ lực của Chính phủ về đầu tư, tăng cường tính minh bạch, tạo ra lòng tin với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục rót vốn vào Việt Nam, trong khi rất nhiều nước khác trong khu vực thì nhà đầu tư rút chạy.

Bên cạnh đó, nỗ lực của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô cũng tạo ra niềm tin cho thấy quyết tâm của Chính phủ, của cả hệ thống Chính trị, đặc biệt trong công tác chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch, cải cách sắp xếp lại bộ máy nhà nước đã tạo ra triển vọng lâu dài là Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tạo dựng thể chế quản lý tiến bộ hơn, minh bạch hơn và đáng tin cậy hơn. - TS Lê Xuân Nghĩa.
PV
.
.
.