Tàu tiền tỉ... "trùm mền"

Thứ Năm, 19/07/2007, 11:32
Sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động, chiếc tàu kiểm ngư do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Sở Thủy sản Quảng Ngãi quản lý phải nằm bờ gần 3 năm nay vì không có kinh phí. Chiếc tàu "hoành tráng" trị giá trên 2,3 tỉ đồng giờ giống như một đống sắt vụn.

Được UBND tỉnh nhận về từ đầu năm 1998, tàu kiểm ngư có số hiệu QNg 4608-KN được giao cho Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Sở Thủy sản Quảng Ngãi quản lý để thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương.

Tại thời điểm lúc đó với tự trọng khoảng 40 tấn, chiều dài 24m, rộng 6m, 2 máy có tổng công suất 660 CV, tốc độ tối đa 13 hải lý/giờ tàu kiểm ngư Quảng Ngãi không chỉ được xếp vào một trong số những chiếc tàu hiện đại và có công suất lớn nhất của tỉnh, mà cả lực lượng tàu kiểm ngư trong cả nước.

Phương tiện qui mô và "hoành tráng" như vậy, tuy nhiên vì vướng mắc trong vấn đề cấp kinh phí để hoạt động đành phải nằm bờ để "làm kiểng" gần 3 năm. Đến tháng 9/2000, chiếc tàu này mới được tỉnh cấp kinh phí để đưa vào hoạt động.

Thế nhưng, do nằm quá lâu nên trước khi đưa vào sử dụng, chiếc tàu này được kéo đi ra tận Đà Nẵng để tu sửa mất gần cả trăm triệu đồng. Và đến 3 tháng sau thì nó mới chạy làm nhiệm vụ chuyến đầu tiên. Song, việc duy trì hoạt động của con tàu này cũng chỉ kéo dài đến năm 2004 rồi dừng lại và bị "đắp chăn" cho đến tận bây giờ.

Đề cập về sự việc này, ông Nguyễn Trọng Ấn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đơn vị quản lý và sử dụng phương tiện này thẳng thắn: Việc chiếc tàu này nằm bờ là điều không thể tránh khỏi, vì ngay từ khi chiếc tàu này được đưa về đã bộc lộ nhiều bất cập. Tàu thì đóng xong và đã nhận, nhưng trước đó hầu như chưa có sự chuẩn bị gì về nhân sự để vận hành.

Theo qui định của ngành Hàng hải thì với phương tiện có công suất như tàu kiểm ngư phải được biên chế ít nhất 8 người, riêng đối với các chức danh thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng phải có bằng đại học chuyên ngành...

Thế nhưng, do không tìm đâu ra người có đủ tiêu chuẩn trên nên nhiều chuyến ra khơi làm nhiệm vụ, Chi cục đành phải đi thuê, tuyển người lái có bằng cấp thấp hơn. Mặt khác, chi phí hoạt động của tàu rất lớn.

Cứ trung bình mỗi giờ hoạt động tàu tiêu tốn 80-100 lít dầu, tính theo giá thời điểm lúc này khoảng 5.000 đồng/lít thì tốn khoảng 400.000 đồng. Mỗi chuyến đi thường từ 12-15 giờ, vị chi từ 6-8 triệu đồng nguyên liệu.

Ngoài ra còn tiền đóng bảo hiểm gần 100 triệu đồng/năm, chi phí duy tu và bảo dưỡng 60-80 triệu đồng/năm, rồi lương cho nhân viên, thủy thủ... trong khi đó kinh phí được cấp khoảng 250 triệu đồng/năm, nên sau khi trừ đi các khoản số tiền thực chi để đưa tàu đi làm nhiệm vụ chẳng là bao.

Vì vậy năm nhiều nhất là chạy được 15 chuyến, ít nhất là 8 chuyến. Một vấn đề bất cập khác là, tàu thì lớn nhưng chưa được bố trí nơi neo đậu cụ thể nào, cho nên việc tìm chỗ đậu cho an toàn cũng đã là chuyện không dễ dàng gì.

Ông Võ Tấn Tự, Phó Giám đốc Sở Thủy sản giãi bày: Với đặc điểm của một tỉnh nằm ven biển như Quảng Ngãi thì việc trang bị tàu kiểm ngư là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do chi phí để tàu hoạt động lớn; mặt khác ngư trường đánh bắt của địa phương không rộng lắm và hầu hết số tàu thuyền khai thác ở xa... cho nên phương tiện trên chưa phù hợp với điều kiện thực tế để làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi hải sản của tỉnh.

Trước thực trạng đó, Sở đã có văn bản và được UBND tỉnh đồng ý cho bán thanh lý. Sau khi hoàn thành các thủ tục, đến cuối năm 2006, giá bán khởi điểm chiếc tàu được đưa ra là 1,2 tỉ đồng, nhưng không có ai mua nên vào tháng 6 vừa qua, giá hạ xuống chỉ còn khoảng 520 triệu đồng và nghe đâu đã có một người đề nghị mua với giá 500 triệu đồng. Tuy nhiên, theo một số ngư dân thì chiếc tàu trên chỉ đáng giá khoảng 200-300 triệu là cùng.

Sau một thời gian nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt", tàu kiểm ngư với giá trên 2,3 tỉ đồng hôm nào đã xuống cấp và bắt đầu hư hỏng. Thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng cần nhanh chóng có biện pháp xử lý để tránh thiệt hại thêm tiền ngân sách của Nhà nước

Công Nguyễn
.
.
.