Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi tại khu vực phía Nam:

Tập trung, quyết liệt triển khai phương án đối phó mới, hiệu quả nhất

Thứ Bảy, 25/05/2019, 23:51
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang có nguy cơ lan rộng ở khu vực phía Nam, ngày 25-5, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT tiếp tục tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống DTLCP tại các tỉnh, thành trong khu vực. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết ngày 24-5, DTLCP đã xảy ra tại 2.904 xã thuộc 265 huyện của 42 tỉnh, thành của cả nước với hơn 1,71 triệu con lợn bị lây nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy, chiếm hơn 5% tổng đàn lợn. Tại các tỉnh, thành phía Nam, tổng đàn lợn đạt gần 6,5 triệu con, chiếm 23% tổng đàn của cả nước và hiện dịch bệnh đã xảy ra tại 32 xã, phường thuộc 18 quận, huyện của 9 tỉnh thành miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tuy tổng số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy mới chỉ ở mức vài ngàn con, chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng đàn lợn của khu vực phía Nam, nhưng số lợn bị nhiễm bệnh được dự báo sẽ chưa dừng lại. Cùng lúc, mức độ lây lan dịch bệnh nhanh hay chậm còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực phòng chống dịch.

Ông Lữu nhận định, thời gian tới, nguy cơ DTLCP sẽ còn tiếp tục phát sinh và khả năng lây lan tại khu vực phía Nam là rất cao. Nhất là khi thời tiết trong khu vực đang bước vào mùa mưa, việc tiêu độc khử trùng đã khó, công tác kiểm soát hoạt động vận chuyển lợn lại càng khó khăn hơn. Mầm bệnh dễ dàng phát tán và lây lan nhanh sang những địa phương chưa có dịch, nhất là tình trạng dịch bệnh có thể xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô và số lượng lớn.

Từ thực trạng này, ông Lữu cho rằng nếu không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học, dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến  ngành chăn nuôi, gây tổn thất lớn về kinh tế - xã hội.

Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Nai.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc phòng chống DTLCP hiệu quả đối với các tỉnh, thành miền Đông và miền Tây Nam Bộ có ý nghĩa lớn đối với ngành chăn nuôi; từ kinh tế tới xã hội, và nhất là vấn đề môi trường. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong điều kiện địa hình đặc thù nhiều sông rạch và thời tiết chuyển mùa hiện nay, chắc chắn sẽ DTLCP sẽ còn lây lan nhanh nếu các địa phương không quyết liệt phòng chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, DTLCP sẽ còn lan rộng theo 3 hướng, gồm: lây lan đến các nơi chưa bị nhiễm; các nơi bị nhiễm sẽ tái phát dịch; dịch bệnh từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ lây sang trang trại nuôi quy mô lớn.Từ đó các tỉnh, thành cần cụ thể hóa từng nguy cơ này để có biện pháp chi tiết và kịp thời.

Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao hơn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương cần có sự tập trung quyết liệt của lãnh đạo cao nhất từng tỉnh, thành; từng huyện, xã để có phương án đối phó mới nhất, hiệu quả nhất ở mỗi cấp. Cùng lúc, lực lượng vũ trang cũng có vai trò quan trọng trong cuộc chiến với dịch hiện nay. Đối với các hộ chăn nuôi từ nhỏ lẻ đến quy mô lớn, phải coi an toàn sinh học là cách làm hiệu quả duy nhất hiện nay khi chưa có vaccine phòng chống dịch.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ngành Thú y phải có hướng dẫn chi tiết về an toàn sinh học đến từng người chăn nuôi; không được chủ quan với bất cứ nguồn lây nhiễm bệnh nào.

Trước đó, nhằm tăng cường công tác phòng chống DTLCP tại “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai, ngày 24-5, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức “Lễ phát động tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng, chống DTLCP” trên địa bàn.

Tại buổi lễ, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, hiện đã có 8 xã thuộc 4 huyện của Đồng Nai xuất hiện DTLCP. Đến nay Đồng Nai đã tiêu hủy trên 5.000 con lợn bị nhiễm bệnh. Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, Đồng Nai kêu gọi tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chăn nuôi và cộng đồng dân cư cùng chung tay tiêu độc, khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

Bắt đầu từ ngày 24-5, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện tiêu độc, khử trùng tại tất cả chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận với tần suất 1 lần/ngày; việc này sẽ kéo dài trong vòng 1 tháng. Đồng Nai cũng tiến hành rải vôi xung quanh chuồng trại và khu vực hàng rào chuồng trại với tần suất 2 lần/tuần cùng lúc với việc huy động lực lượng tiến hành phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân, rác để đốt hoặc chôn...

Trước hiện tượng người chăn nuôi có xu hướng giảm đàn để đối phó với dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh khuyến cáo các chủ trang trại cần chủ động thay thế lợn bằng các vật nuôi khác để góp phần ổn định thị trường tiêu thụ thực phẩm; tránh tình trạng thiếu hụt nguồn thịt cung cấp cho thị trường do ảnh hưởng của DTLCP.

Ông Chánh cũng đề nghị những trang trại đã bị lây nhiễm dịch bệnh chưa nên vội tái đàn, mà trước mắt phải tiếp tục tiêu độc, khử trùng, xử lý triệt để mầm bệnh tại chuồng trại và khu vực xung quanh.

Bảo Sơn
.
.
.