“Tập đoàn Giám đốc” là xe ôm, người lang thang

Thứ Năm, 27/10/2005, 15:43

Phá vỡ đường dây buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống, Cơ quan Công an Hà Nội đã phát hiện ra một "tập đoàn giám đốc" gồm toàn các đối tượng: tài xế xe ôm, cửu vạn, nghiện hút, đối tượng lang thang đều đã có tiền án tiền sự.

10h30 ngày 2/8, khi CA quận Ba Đình, Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh của “đại gia đình” này tại số nhà 61 phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch đã phát hiện 2 vị giám đốc của 2 doanh nghiệp đang viết và bán... hóa đơn GTGT khống. Đó là Nguyễn Thị Minh, 48 tuổi, trú tại 403, nhà C21, tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội) và Phạm Thị Mai, 22 tuổi, trú tại 50 Phan Huy Chú, phường Yết Kiêu, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây.

Minh đang là Giám đốc Công ty BMC, còn Mai là Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Minh có trụ sở tại số 5 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm. “Giám đốc” Mai chính là con dâu tương lai của “giám đốc” Minh, được Minh “dựng” lên để thực hiện các phi vụ làm ăn phi pháp của mình và được trả lương “danh nghĩa” 1 triệu đồng/tháng.

Đầu năm 2002, trong khoảng chục ngày, Minh đã “đẻ” ra một hệ thống 4 hộ kinh doanh cá thể và lấy ngay những người thân của mình đứng ra giữ vai trò chủ chốt, nhằm “kiếm”... tư cách pháp nhân để hợp pháp hóa việc mua hóa đơn. 4 “ông bà chủ” đứng tên đó ngoài Minh còn có Trần Văn Ngọc (con trai), Phạm Thị Mai (bạn gái Ngọc), Đỗ Thị Hằng (em họ) đều nằm trong tầm điều khiển của Minh.

GCN Đăng ký kinh doanh của các DN "ma".

Khi điều hành 4 hộ kinh doanh cá thể, Minh đã mua được 46 cuốn hóa đơn (2.300 tờ) bán hàng thông thường và chỉ đạo các tay chân của mình bán khống tờ hóa đơn liên 2 này cho khách hàng cần đến với giá 100.000 đồng/tờ, khách về muốn điền số tiền bao nhiêu trên đó thì tùy  ý. Chỉ trong khoảng vài tháng sau khi thành lập, Minh đã đút túi được khoản tiền 230 triệu đồng.

3 triệu đồng 1 tờ hóa đơn GTGT, mua bao nhiêu cũng có!

Từ tháng 4/2004, Minh đứng tên thành lập Công ty BMC và đăng ký trụ sở tại căn phòng thuê 10m2 ở 61 Phó Đức Chính, nơi đang có 4 hộ kinh doanh cá thể nói trên hoạt động. Cho đến khi bị bắt vào tháng 8 vừa qua, Minh đã kịp mua và tiêu thụ 17 cuốn hóa đơn GTGT khống. Đã có 850 tờ hóa đơn dạng này được bán ra thị trường cho các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp.

Tất cả đều được Minh và đồng bọn ghi nội dung theo yêu cầu của khách hàng và với các hóa đơn GTGT “xuất” cho mặt hàng có thuế suất 10% thì Minh và đồng bọn thu lại 4-5%, với mặt hàng có thuế suất 5% thì thu lại 2,5 - 3%. Với số hóa đơn GTGT khống ban đầu đó, Minh đã ghi ma cho khách hàng doanh số hàng chục tỉ đồng, khiến Nhà nước thất thu khoảng 1,5 tỉ đồng, còn bản thân thì bỏ túi khoảng 1,1 tỉ đồng.

Nhằm tránh sự nghi ngờ của các cơ quan chức năng như thuế, tài chính, công an, quản lý thị trường, vào tháng 10/2004, Minh lại cho “ra lò” thêm 1 doanh nghiệp mới lấy tên là Công ty TNHH Thương mại Ngọc Minh. Để qua mặt cơ quan thẩm định, đánh lừa cơ quan thuế, Minh thuê một căn phòng vốn là sạp hàng nhỏ của một hộ bán hàng văn phòng phẩm ở số 5 Đường Thành với diện tích khoảng 7m2 để... đặt trụ sở!

Trước khi cán bộ thẩm định của cơ quan chức năng đến, Minh sai mang đến đây bộ máy tính, điện thoại bàn để làm “le”, xong thủ tục thì dọn hết về trụ sở 61 Phó Đức Chính và trả luôn “trụ sở”.

Ban đầu Minh chỉ đạo con trai Trần Văn Ngọc đứng ra làm giám đốc công ty mới này, sau đó một thời gian chuyển giao lại cho bạn gái Ngọc là Phạm Thị Mai. Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2004 - 8/2005, Công ty TNHH Thương mại Ngọc Minh đã mua được 8 quyển hóa đơn GTGT gồm 400 tờ. Tổng cộng với 3 cuộc kinh doanh này, Minh đã đút túi gần 3 tỉ đồng và giúp các đối tượng khác trốn thuế khoảng 2,5 tỉ đồng.

Ngoài Nguyễn Thị Minh và Phạm Thị Mai, qua mở rộng điều tra, Cơ quan Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 2 bị can là Vũ Thị Kim Liên, 37 tuổi, trú tại 47 Đặng Trần Côn, quận Đống Đa và Đinh Thị Điệp, 60 tuổi, trú tại 111 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) về  tội danh “Lưu hành giấy tờ có giá giả” và “Mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước”.

Liên là một nguồn cung cấp hóa đơn quan trọng. Một tờ hóa đơn như thế Minh trả cho Liên từ 2,5 - 3 triệu đồng. Khi bán lại, Minh đã ghi doanh số bán hàng vào tờ hóa đơn này theo yêu cầu của khách hàng với số tiền cực lớn, ít cũng là vài trăm triệu đồng, nhiều lên tới 600-700 triệu đồng/tờ. Trung bình mỗi tờ hóa đơn bán ra, Minh đút túi hàng chục triệu đồng.--PageBreak--

Minh còn mua của 2 đối tượng khác ở phố Hàng Chiếu tên là Tuyết và Thanh khá nhiều hóa đơn GTGT với mức giá là 2,5 - 3 triệu đồng/tờ. Số hóa đơn này đều ghi rõ 7 đơn vị bán hàng là các doanh nghiệp ở Hà Nội nhưng khi Cơ quan điều tra xác minh tại 7 đơn vị bán hàng nói trên thì các liên 1 và liên 3 của tờ hóa đơn này đều ghi số tiền bán hàng rất thấp, mức dưới 1 triệu đồng/tờ và đơn vị mua hàng là Công ty TNHH TM Đức Nam ở 27 Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Nguồn hóa đơn này Minh cho biết mua từ kế toán Công ty Đức Nam là Nguyễn Thị Thanh rồi sử dụng phương pháp hóa học để tẩy xóa làm mất hoàn toàn phần nội dung bán hàng và đơn vị mua hàng, chỉ giữ lại phần đơn vị bán hàng để điền con số khống lớn gấp hàng trăm lần nguyên bản ban đầu.

Một cá nhân thao túng... 12 công ty, lập doanh nghiệp bằng CMND giả!

Truy tìm nguồn gốc của những tờ hóa đơn GTGT “ma” tồn tại trên thị trường, Cơ quan điều tra đã phát hiện Đinh Thị Điệp, một “đầu nậu” sở hữu trong tay cùng lúc... 12 doanh nghiệp. Theo điều tra ban đầu của Cơ quan CA thì Điệp là một “đầu nậu” lớn về hóa đơn ở khu vực chợ trời phố Huế và nguồn hóa đơn từ đây xuất ra đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước chứ không riêng gì doanh nghiệp của Minh.

Hoá đơn GTGT bị Công an thu giữ.

Để có được lượng hóa đơn dồi dào bán cho các khách hàng có nhu cầu hợp thức hóa chứng từ nhằm “đục két” cơ quan, tham ô, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, Điệp đã liên tục thành lập hàng loạt công ty: Mua được những cuốn hóa đơn GTGT rồi là cho biến mất luôn.

Số hóa đơn bán ra của Điệp mà Cơ quan CA thu được đều có tên của đơn vị bán hàng là 12 công ty như Công ty Cổ phần Âu Lạc ở xóm Hà, Dịch Vọng, Cầu Giấy; Công ty Cổ phần Duy Biên ở Phương Liệt, Thanh Xuân; Công ty Núi Thành ở Tương Mai; Công ty Cổ phần Ngọc Lan ở Minh Khai, Hai Bà Trưng... Các công ty này gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh gì mà chỉ là doanh nghiệp “ma” để buôn bán hóa đơn cho Điệp.

Trong “tập đoàn” 12 công ty của Điệp, có những gia đình 4-5 người thì tất cả số này đều giữ những chức danh quan trọng như giám đốc, phó giám đốc, sáng lập viên. Đang làm “giám đốc” của doanh nghiệp này nhưng những người đó đồng thời lại là “sáng lập viên” của nhiều doanh nghiệp nữa. Điển hình như trường hợp Bùi Văn Biên quê ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, xuống Hà Nội làm nghề xe ôm nhưng cũng là Giám đốc Công ty Duy Biên và đồng thời là “sáng lập viên” của 3-4 doanh nghiệp khác.

Hài hước hơn, đa phần các giám đốc này đều có tuổi đời rất trẻ, sinh từ năm 1980 - 1986, hầu hết là người ngoại tỉnh, nghiện ngập, cờ bạc hoặc từng có tiền án, tiền sự, không mảy may hiểu biết về kinh doanh.

Trong quá trình điều tra vụ án, các điều tra viên đã đến nhiều địa phương như Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa là quê quán của những “giám đốc”, “sáng lập viên” các công ty này thì có nhiều nơi không thể tìm ra con người như tên trong CMND mà họ đã xin đăng ký tại Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Nguyên nhân là các vị “giám đốc” này đã sử dụng cả CMND giả để đi đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh

Mai Quỳnh Nguyễn
.
.
.