Tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí vốn ngân sách Nhà nước

Thứ Năm, 12/11/2015, 08:24
Theo số liệu báo cáo đưa ra tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa công bố của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN), trong quý III/2015 cho thấy, thu trong nước đạt 176,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,4% tổng thu NSNN. Tỷ lệ này giảm so với quý I (76,6%), song cao hơn so với quý II (70,9%). 

Tính chung 9 tháng đầu năm, thu trong nước đóng góp 73,8% vào tổng thu NSNN. Trong khi đó, thu từ xuất nhập khẩu chiếm 18,1% tổng thu NSNN trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm. Khoản thu này giảm 10,8% so với cùng kỳ 2014. Cũng theo báo cáo, trong quý III/2015, chi NSNN ước đạt 258,1 nghìn tỷ đồng trong quý III, bằng 23,9% dự toán.

Chi NSNN trong quý III tăng gần 1,0% so với cùng kỳ 2014, tăng 4,8% so với quý I song giảm 4,5% so với quý II. Chi NSNN có phần tăng chậm lại là do định hướng tiết kiệm chi NSNN; chi trả nợ gốc khá lớn trong quý III; và hạn chế về nguồn lực khiến một số khoản mục chi giải ngân chậm.

Theo nhận định tại báo cáo của CIEM, câu chuyện tài khóa và áp lực nợ công, bội chi ngân sách vẫn là bài toán nan giải khiến cơ quan nhà nước luôn ở trong tình trạng “loay hoay” từ đầu năm tới nay. Số liệu về tình hình nợ công được công bố cho thấy, tính đến nay tổng nợ công đã vượt hơn 92,618 tỉ USD, với mức bình quân đầu người là 1.016,72 USD. 

Nguồn vốn cần được đầu tư đúng lĩnh vực, đúng trọng điểm để phát huy hiệu quả. Ảnh minh họa: CTV.

Áp lực nợ công hiện đang tăng khá cao, CIEM dẫn báo cáo Chính phủ thừa nhận nợ công có thể tăng lên 65% vào cuối năm sau trong khi một lượng lớn trái phiếu đến tháng 12/2015 là hạn phải trả nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch trả nợ rõ ràng. 

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), mặc dù thời gian qua nói nhiều, nhắc nhiều đến việc giảm chi nhưng vẫn có nhiều dự án đầu tư công mới, trong đó có không ít dự án hiệu quả kinh tế thấp có thể làm tăng áp lực trả nợ trong thời gian tới.

Một vấn đề cũng rất đáng lo ngại mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đưa ra là tình trạng bội chi ngân sách do không chỉ ở tăng chi thường xuyên mà còn không có phần dành cho đầu tư phát triển. 

Theo ông Cung, như vậy là đang vi phạm nguyên tắc vàng trong đầu tư phát triển. Ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cũng đồng tình thể hiện sự lo ngại trước tình trạng này. 

Theo ông Bá, hiện nay, Việt Nam đang ở vào tình thế không chỉ làm ra đồng nào tiêu hết đồng đó, mà còn tiêu hết cả tiền vay, không có phần để dành được cho đầu tư phát triển. Nếu cứ kéo dài như vậy thì sẽ rơi vào tình thế hết sức nguy hiểm là ngân sách thì hết, thu vẫn vượt chi mà đi vay thế giới không ai cho vay được mãi. Ông Bá cảnh báo sự thái quá về chi tiêu xã hội trong điều kiện kinh tế hiện nay rất dễ dẫn tới rơi vào bẫy xóa đói giảm nghèo.

Trước tình trạng này, CIEM đã đưa ra một số kiến nghị về chính sách tài khóa nhằm cân bằng áp lực thu chi, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc cần cân nhắc nghiêm túc và thực chất hơn yêu cầu tiết kiệm chi NSNN, cắt giảm các hoạt động đầu tư công trong quý IV/2015 và các năm tiếp theo. Đồng thời đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ nhằm tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí vốn cho NSNN. 

Cũng theo đề xuất của CIEM, chính sách tài khóa cần phối hợp tích cực hơn với chính sách tiền tệ để hạn chế tác động bất lợi khi hoàn trả 30 nghìn tỷ đã vay từ NHNN. Trong các năm tiếp theo, nỗ lực phối hợp không chỉ giới hạn ở các biện pháp, giao dịch cụ thể mà còn ở kế hoạch thông tin về điều hành tài khóa trong từng trường hợp cụ thể. 

Đối với thu, CIEM cho rằng nên duy trì tốc độ thu NSNN trong quý IV bằng với tiến độ dự toán. Tránh lạm thu, thu trước hoặc bổ sung các loại thuế, phí thiếu tính giải trình hợp lý - dù có áp lực bảo đảm thực hiện thu NSNN theo dự toán năm 2015. Bên cạnh đó cần cân nhắc việc khống chế trần thâm hụt NSNN ở mức 4-4,5% GDP trong thời gian tới (ít nhất đến năm 2020).

Phan Đức
.
.
.