Tăng cường minh bạch thông tin cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Thứ Năm, 27/08/2015, 09:00
Ngày 26/8, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết thị trường phát điện cạnh tranh và kế hoạch triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đây là những bước phải thực hiện thành công trước khi tiến đến thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, khi mà mỗi người mua đều được thoải mái lựa chọn người bán, không còn sự độc quyền của EVN như hiện nay.

Hội nghị lần này có sự tham dự của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; các tập đoàn lớn như EVN, PVN, TKV; các Tổng Công ty phát điện; Tổng Công ty Truyền tải; Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia… và hơn 60 đơn vị phát điện đang và sẽ tham gia thị trường điện trong thời gian tới. Được biết, từ khi đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ tháng 7/2012 đến nay, từ 31 nhà máy với tổng công suất lắp đặt là 9.300MW, đến nay đã có 59 nhà máy với tổng công suất 14.796MW trực tiếp tham gia thị trường, chiếm 41,63% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.

Việc vận hành các bước của thị trường điện cạnh tranh vẫn chưa được suôn sẻ như mong muốn. Ảnh: TTXVN.

Theo Bộ Công Thương, bước sang năm thứ ba, thị trường phát điện cạnh tranh đã có nhiều tiến bộ đáng khích lệ. Hành lang pháp lý cũng đã được hoàn chỉnh hơn. Được biết, sau thời gian thực hiện chào giá cạnh tranh giữa các nhà máy phát điện, giá điện trên cơ bản phản ánh đúng quy luật cung cầu trên thị trường, tức thường ở mức cao vào cuối mùa khô và thấp vào mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm), do sản lượng thủy điện cao, đặc biệt vào những thời điểm xuất hiện bão, lũ, có thể về ở mức giá sàn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: Thị trường điện cạnh tranh cơ bản được vận hành đúng quy định, đồng thời vẫn phải đảm bảo vận hành hệ thống an toàn, tin cậy. Trong 3 năm qua, mục tiêu này đã hoàn thành. Việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh cũng giúp tăng tính minh bạch, công khai trong huy động các nguồn điện. Trước đây, các nhà máy còn thắc mắc sao người này được huy động, người kia không được huy động, thì nay tính minh bạch đã thay đổi cơ bản.

Ảnh: HVC.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, khi mới vận hành phát điện cạnh tranh, rất nhiều người băn khoăn, đặt câu hỏi thị trường cạnh tranh hình thành trong ngành độc quyền tự nhiên như điện thì giải quyết thế nào? Nhưng đến thời điểm này, thị trường đã bắt đầu hoàn thiện và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, tuy quá trình vận hành còn tồn tại.

Ông Vượng cũng cho rằng, việc vận hành thị trường trong bối cảnh cạnh tranh và vẫn duy trì độ an toàn tin cậy cho hệ thống, đáp ứng nhu cầu điện cho KT – XH là một thành công.

Mặt khác, việc công khai, minh bạch và công bằng trong hệ thống điện đã được nâng lên một bước, nhà máy nào có giá thấp hơn thì huy động trước, hiệu quả hệ thống điện tốt hơn. Đáng chú ý là qua quá trình này, nhiều nhà máy đã quan tâm và chủ động hơn trong vận hành, sửa chữa thiết bị tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các nhà máy tư nhân và cổ phần. Trình độ, kinh nghiệm của các thành viên tham gia thị trường, đặc biệt là các nhà máy điện tăng đáng kể.

Tuy vậy, đến thời điểm này, số lượng nhà máy tham gia vẫn còn quá ít, theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Trần Viết Ngãi. Không có thị trường phát điện cạnh tranh hoàn hảo sẽ không có thị trường điện bán buôn tốt, và sau đó là cản trở triển khai thị trường bán lẻ. Được biết, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia và các đơn vị tăng cường các giải pháp đưa tối đa các nhà máy điện, bao gồm cả các nhà máy thuỷ điện đa mục tiêu, tham gia thị trường. EVN và Trung tâm Điều độ cũng được yêu cầu triển khai, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện.  

Để chuẩn bị cho việc vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ 2016 – 2019 như đã phê duyệt, trước tiên, Cục Điều tiết điện lực phải phối hợp với tư vấn và các đơn vị liên quan ban hành sớm khung pháp lý cho thị trường này. “Việc vận hành thị trường là chủ trương nhất quán của Nhà nước, càng tích cực và chủ động bao nhiêu thì việc chuyển từ ngành độc quyền sang cơ chế thị trường càng tốt bấy nhiêu. Còn 5 – 6 năm để vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh, nếu không có sự chuẩn bị sẽ không thể làm tốt được” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.

Ông Vượng cũng chỉ rõ: Hệ thống điện của ta còn yếu, nhiều năm qua dù quan tâm đầu tư nhưng năng lực hạn chế nên đầu tư bị mất cân đối giữa nguồn, truyền tải, nên có thời điểm thị trường vận hành không ổn định. Khi vận hành thị trường bán buôn cần thường xuyên cập nhật và xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc. Một trong những tồn tại về thông tin thị trường trong thời gian qua cần được khắc phục, cải tiến để thông tin, báo cáo hoạt động được công bố kịp thời để tạo ra sự minh bạch trong vận hành thị trường.

Ví việc thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh như “dò đá qua sông”, ông Vượng yêu cầu các đơn vị triển khai rất thận trọng, kịp thời điều chỉnh những vướng mắc. Bên cạnh rút kinh nghiệm những bài học cũ, nhiều vấn đề cũng cần được tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ như việc hình thành và quản lý Quỹ bù chéo giữa các tổng công ty điện lực; phân bổ các hợp đồng mua bán điện từ EVN về các tổng công ty điện lực, cơ chế thu hút đầu tư xây dựng các nguồn điện mới trong thị trường bán buôn điện…

V. Hân
.
.
.