Tăng cường kiểm soát nhằm bình ổn thị trường và kiều chế nhập siêu

Thứ Sáu, 12/08/2011, 10:04
Theo Bộ Công thương, trong những tháng gần đây, hoạt động sản xuất công nghiệp biến động thất thường do ảnh hưởng giá các loại hàng hoá, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng, lãi suất ngân hàng tăng cao gây trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, sức mua của người tiêu dùng giảm do tiết kiệm chi tiêu… nên lượng hàng tồn kho một số sản phẩm cũng khá lớn như: xe máy dung tích 125cc, điều hoà nhiệt độ, tủ lạnh tủ đá, máy giặt, ôtô 4 chỗ ngồi… khiến doanh nghiệp đã gặp khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Không những thế, từ đầu năm đến nay, các mặt hàng thuộc diện cần hạn chế nhập khẩu cũng tăng đáng kể, ước đạt 3,31 tỷ USD (tăng 9,7% so cùng kỳ) chiếm tỷ trọng 5,7%. Sản phẩm thuộc nhóm này có giá tăng mạnh như ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 63,8%, hàng tiêu dùng các loại (trừ ôtô dưới 9 chỗ) tăng 6,4%... Còn tình hình hàng hoá trên thị trường trong thời gian qua cũng khá phức tạp. Chỉ tính riêng trong tháng 7, các lực lượng kiểm tra đã xử lý 6.117 vụ vi phạm. Trong đó, nhiều nhất là vi phạm về kinh doanh trái phép với 3.180 vụ; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu 1.102 vụ; sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng 886 vụ…

Trước tình hình trên, Bộ Công thương đã chỉ đạo các Sở Công thương trong thời gian tới cần tăng cường phối hợp, nắm bắt thông tin từ các địa phương, Hiệp hội ngành hàng để chủ động xử lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, cũng như hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu. Song song đó, phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng...

Để góp phần kiềm chế nhập siêu, Bộ Công thương cũng chỉ đạo hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ và  tăng hiệu quả đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng cách đẩy mạnh cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí và hạ giá thành

K.N.
.
.
.