Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:

Tăng cường giao thương, mở rộng thị trường

Thứ Năm, 17/07/2014, 07:18
Trước nhiều thay đổi trên thị trường thời gian qua: 2 đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp, thị trường xăng dầu đặt ra nhiều dấu hỏi về phương hướng điều hành thị trường này trong thời gian sắp tới; cùng với đó là sự cấp thiết của việc tìm kiếm thị trường cho hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay... PV CAND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.

PV: Thưa Thứ trưởng, thời gian vừa rồi đã có việc 2 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp, gây nhiều dư luận về việc ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Trước đó, tại Thông báo số 246/TB-VPCP ngày 27 tháng 6 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về nguyên tắc giao Bộ Công Thương chủ trì điều hành thị trường này. Xin Thứ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Công Thương như thế nào trong việc minh bạch thị trường này, đạt được sự đồng thuận của nhân dân?

TT Đỗ Thắng Hải:  Hiện nay, Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 vẫn đang có hiệu lực và là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hành về kinh doanh xăng dầu và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành thực hiện Nghị định này đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu liên Bộ Công Thương – Tài chính sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Về Nghị định sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP, theo Tôi, quan trọng nhất là sự minh bạch hóa - công khai hóa để tạo lòng tin cho mọi đối tượng có liên quan, để người dân tin rằng khi tăng giá là có lý do bất khả kháng, và mức tăng đó là hợp lý. Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu cũng sẽ hướng tới thị trường hơn. Khi giá thế giới tăng thì trong nước tăng – chúng ta phải chịu, thế giới giảm thì trong nước người dân cũng được hưởng giá giảm đó. Tiến tới thị trường cũng là tăng thêm các nguồn cung, đó cũng là điều rất quan trọng để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân tăng sự lựa chọn.

Hiện nay, Nghị định chưa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhưng  Bộ Công Thương khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc, với tất cả tinh thần trách nhiệm theo phân công, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với các nội dung mà Bộ Công Thương được giao, chúng tôi khẳng định là sẽ cố gắng hết sức trong chức trách của mình, minh bạch hóa, công khai hóa các lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực mà hiện nay chúng ta cho rằng nhạy cảm, để người dân nắm rõ, cùng với chúng tôi kiểm tra, giám sát. Đây cũng là một cách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của mọi người dân; trong đó có chính chúng ta.

PV: Thứ trưởng có ngại dư luận cho rằng các DN xăng dầu là “con” của mình nên Bộ sẽ thiên vị, nương tay hay không?

TT Đỗ Thắng Hải: Theo tôi, chắc chắn hiện nay vẫn còn có những suy nghĩ như vậy. Chúng tôi khẳng định sẽ cố gắng làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình được giao và cũng mong người dân cùng chia sẻ, cùng giám sát thị trường quan trọng, nhạy cảm này. Chúng tôi cũng xác định càng phải tăng cường minh bạch hóa – công khai hóa việc điều hành, quản lý mặt hàng xăng dầu, điện và nhiều mặt hàng khác. Hiện chúng ta đang tiến tới hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, tuy nhiên nguồn cung cần phải được tăng cường, cũng như cần tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng hơn nữa. Tất nhiên, cũng phải tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế, muốn tiến tới thị trường cũng phải có lộ trình chứ không phải một lúc là làm được ngay. Mặt khác, cũng cần phải có chính sách phù hợp để hỗ trợ đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, ví dụ: phải đảm bảo việc cung cấp xăng dầu đến các vùng miền núi, biên giới, hải đảo... như Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng... Hiện nay, Petrolimex là Tập đoàn Nhà nước, họ đã và đang làm tốt việc đó, dù biết là phải bù lỗ.

PV: Ngoài Thị trường trong nước (trong đó có xăng dầu), Thứ trưởng cũng được giao phụ trách những lĩnh vực rất quan trọng khác như Xúc tiến thương mại, Quản lý thị trường... Xin Thứ trưởng cho biết hiện nay việc mở rộng các thị trường mới để tránh phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc?

TT Đỗ Thắng Hải: Đầu tiên chúng ta phải xác định dùng những biện pháp gì để mở cửa thị trường, giúp chúng ta không phụ thuộc quá vào một thị trường nào đó, không chỉ riêng Trung Quốc đâu. Ví dụ: hiện nay, thủy sản Việt Nam đang xuất rất nhiều sang Nhật Bản, đặc biệt là Hoa Kỳ; tương tự là mặt hàng Dệt may. Chúng ta cũng phải chuẩn bị cho tình huống gặp khó khăn. Biện pháp Thứ nhất là mở rộng thị trường thông qua đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiện nay, Bộ Công Thương đang cố gắng trong năm nay hoàn thành các FTAs với Hàn Quốc, EU và Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan. Thứ hai là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đặc biệt cần phát triển, nâng cao hiệu quả Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia, gồm 3 nội dung: XTTM định hướng xuất khẩu, XTTM thị trường trong nước và XTTM thị trường miền núi, biên giới và hải đảo. Thứ ba: đẩy mạnh phát huy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 6 tháng đầu năm vừa qua xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt (14,9%) trong khi xuất khẩu vào Trung Quốc giảm, đây cũng là một dấu hiệu lạc quan cho thấy chúng ta đã tìm được đường vào những thị trường khác khó tính hơn, như các mặt hàng nông sản; trong đó có Thanh Long đã thâm nhập được vào thị trường Hàn Quốc, mặt hàng Gạo đã thâm nhập được vào thị trường Mexico... Thứ tư: cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp giảm nhập khẩu nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

PV: Trước rất nhiều khó khăn hiện nay, Bộ Công thương vẫn đưa ra những dự báo rất lạc quan về xuất khẩu (146 tỷ USD), Thứ trưởng đánh giá thế nào về khả năng đạt được mục tiêu này?

TT Đỗ Thắng Hải: Thứ nhất là Chính phủ hiện vẫn đang giữ tất cả các chỉ tiêu kinh tế của năm 2014, Bộ Công Thương là cơ quan thuộc Chính phủ cũng phải nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu đã được Quốc hội, Chính phủ giao; Thứ hai, theo dự báo của Bộ Công Thương hoạt động xuất khẩu vẫn tiến triển tốt, 6 tháng đầu năm chúng ta đã tăng trưởng xuất khẩu 14,9% so cùng kỳ năm 2013. Về các yếu tố khách quan, kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt các thị trường lớn chúng ta hiện đang xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu của cuộc sống, như: Lương thực, thực phẩm, thủy hải sản... kể cả lúc nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn nhất cách đây 2, 3 năm chúng ta vẫn xuất khẩu được. Giờ kinh tế hồi phục, nhu cầu sẽ càng cao hơn, giá có thể sẽ còn tăng. Không phải chúng ta “lạc quan tếu”, mà nhìn nhận khách quan cho thấy có những dấu hiệu tốt. Tôi nghĩ trong năm 2014 trừ khi có những tình huống bất khả kháng (chiến tranh, thiên tai...), ngoài ra mặc dù, tình hình tuy còn có những yếu tố bất ổn nhưng nhìn chung vẫn sẽ đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu nêu trên. Tất nhiên, cũng cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Hiện nay, tôi khẳng định các hoạt động giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên, phía Trung Quốc tăng cường giám sát chặt chẽ hơn về việc xuất nhập cảnh, hàng hóa tại các cửa khẩu. Đó là việc hiện nay Việt Nam cũng đang phải làm. Chúng ta phải mở rộng, đa dạng hóa thị trường nhưng vẫn cần phải tiếp tục tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc, cần phải đẩy mạnh xuất khẩu, qua đó cũng góp phần làm giảm nhập siêu. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh việc mở các Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong mọi trường hợp, một thị trường với số dân 1,5 tỷ người là không thể bỏ qua.

PV: Bây giờ là thời điểm cấp bách hơn bao giờ hết về việc chủ động, tránh phụ thuộc, vậy cách làm của chúng ta trong công tác xúc tiến thương mại có gì đổi mới không hay vẫn như từ trước tới nay?

TT Đỗ Thắng Hải: Hiện nay, Bộ Công Thương đang thực hiện việc tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian gần đây, chúng ta tập trung các hoạt động, nguồn lực vào một số thị trường lớn. Mỗi một chương trình, một sự kiện cũng được đầu tư, thực hiện liên tục năm này kế tiếp sang năm khác, tạo ra sự kế thừa và dấu ấn, hình ảnh của Việt Nam tại các thị trường, địa điểm tổ chức, ví dụ: chúng ta làm rất tốt Hội chợ thủy sản Việt Nam tại Brussel (Bỉ), với quy mô lớn; Tương tự là Hội chợ đồ gỗ tại Hoa Kỳ, hỗ trợ ngành gỗ rất tốt, mấy năm nay tăng trưởng rất nhanh; Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAExpo)... cũng mang lại những kết quả khả quan, đã mở rộng quy mô đến 200 gian hàng mà mỗi năm chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu cầu đăng ký của các doanh nghiệp Việt Nam, chứng tỏ rất hiệu quả.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.

Chúng ta cũng tăng cường tổ chức, mời các đoàn mua hàng đến thăm, giao dịch ở các Hội chợ được tổ chức ngay tại Việt Nam; tăng cường, hỗ trợ việc đăng cai tổ chức ở Việt Nam các Hội nghị quốc tế về ngành hàng, như Cà phê, Ca cao, Hạt điều, Thủy sản...  Vì tiếp cận với các bạn hàng lớn rất khó khi chúng ta ra nước ngoài, tuy nhiên, chỉ những Hội nghị Quốc tế như vậy họ mới tham dự, là những cơ hội rất tốt cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm bạn hàng...

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bộ Tài chính lý giải việc không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để bình ổn giá

Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm, đó là tại sao không điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá xăng dầu, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Giá xăng dầu thời gian qua được điều hành theo đúng quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, theo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và với nguyên tắc đó thì trong thời gian qua vừa có điều chỉnh tăng, điều chỉnh giảm. Tính từ đầu năm đến ngày 7/7/2014 có 15 lần xem xét điều chỉnh giá, nhưng thực chất chỉ có 5 lần điều chỉnh tăng, 5 lần điều chỉnh giảm, còn lại là các lần xem xét nhưng chỉ điều chỉnh các mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) và trích lợi nhuận định mức để giữ ổn định giá.

Có thể thấy thuế nhập khẩu xăng dầu không chỉ đơn thuần công cụ thu ngân sách, mà còn là công cụ điều tiết thị trường, tạo điều kiện cho việc phát triển các dự án nhà máy lọc dầu trong nước, từng bước tiến tới đảm bảo nguồn cung trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu vì hiện nay Việt Nam mới sản xuất được 30%, phải nhập khẩu 70% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Mặt khác, suy cho cùng thuế thu vào ngân sách cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu, lợi ích chung của xã hội như chi chocơ sơ ãhạ tầng, an sinh xã hội, đặc biệt là chi cho người nghèo, vùng nghèo... Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã rất quyết liệt trong định hướng điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và để bảo đảm thực hiện định hướng đó thì Nhà nước cần giảm sự can thiệp thông qua thuế nhập khẩu để giá xăng dầu có thể dần theo cơ chế thị trường...

Giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay là 25.640 đồng/lít thì ở Lào là 28.924 đồng/lít (cao hơn 3.284 đồng/lít); ở Thái Lan là 26.129 đồng/lít (cao hơn 489 đồng/lít), ở Campuchia là 27.595 đồng/lít (cao hơn 1.955 đồng/lít). Đối với mặt hàng dầu diezel: Tỷ lệ thuế ở Việt Nam chỉ chiếm có 21% trong giá bán nên giá cũng thấp hơn các nước này, cụ thể như: Ở Việt Nam giá bán lẻ dầu diezel là 22.770 đồng/lít thì ở Trung Quốc là 25.140 đồng/lít (cao hơn 2.370đồng/lít); ở Campuchia là 26.048 đồng/lít (cao hơn 3.278 đồng/lít); ở Lào là 25.396 đồng/lít, cao hơn 2.576 đồng/lít so với ở Việt Nam. Như vậy, có thể thấy giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới mà một trong các nguyên nhân là do trong cơ cấu giá, Việt Nam có tỷ lệ thuế, phí bình quân thấp hơn. Nay nếu Việt Nam lại điều chỉnh giảm thuế thì sẽ lại phát sinh tình trạng buôn lậu như đã từng xảy ra.

PV

Vũ Hân
.
.
.