Tận dụng cơ hội và giảm thiểu bất lợi khi gia nhập CPTTP

Chủ Nhật, 18/11/2018, 09:55
Ngày 12-11, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Nhân dịp này, phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ; Phó trưởng Bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế.


PV: Theo ông, đâu là cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi nước ta tham gia CPTTP? Doanh nghiệp Việt Nam nên làm thế nào để nắm bắt những điều kiện thuận lợi khi tham gia “sân chơi” này?

Ông Nguyễn Thành Hưng.

Ông Nguyễn Thành Hưng: Chúng ta còn nhớ, sau khi Mỹ tuyên bố rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều người cho rằng TPP sẽ bị xóa bỏ.  Điều kỳ diệu là ngay tại thời điểm APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam, Nhật Bản, Mexico và các nước thành viên còn lại đã hoàn tất quá trình đàm phán và đạt được thoả thuận chung với tên gọi là CPTPP.

CPTPP là hiệp định mang tính toàn diện, bao trùm các nguyên tắc về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều chủ đề khác. CPTPP sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với cải cách môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Về kinh tế, xét trên tổng thể CPTPP là có lợi cho Việt Nam. CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, CPTPP thúc đẩy việc cải cách các tổ chức, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và minh bạch hơn.

Về chính trị - đối ngoại, CPTPP có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giúp Việt Nam tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh hợp tác, khẳng định vị thế quan trọng trên trường quốc tế.

Tham gia sân chơi CPTPP cũng xuất hiện nhiều thách thức, chẳng hạn: Không tránh khỏi những khó khăn khi phải đáp ứng đầy đủ những chuẩn mực về chất lượng hàng xuất khẩu, cạnh tranh nguồn lao động chất lượng cao…

Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là tận dụng được những cơ hội mà CPTPP mang lại đồng thời tối thiểu hóa được những tác động bất lợi.

Tham gia CPTPP đòi hỏi tính tuân thủ rất lớn, đặc biệt, Chính phủ cần phải thay đổi khuôn khổ pháp lý nhằm thích ứng với những đòi hỏi cam kết mới mặc dù chi phí và công sức bỏ ra không hề nhỏ trong bối cảnh sự dịch chuyển của các nguồn lực, đặc biệt là chuyển dịch về vốn, có thể gây ra những rủi ro cho nền kinh tế vĩ mô. Tham gia CPTPP doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng với cách làm ăn mới, hiểu biết luật lệ quốc tế, thông thạo ngoại ngữ và cải tổ quản trị phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế.

PV: Ngành nghề nào được dự báo là hưởng lợi từ CPTTP thưa ông? Đối với ngành dệt may, ưu đãi về thuế của CPTTP được coi là lợi thế của ngành này, việc Mỹ không tham gia có còn hấp dẫn đối với ngành dệt may không thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Dệt may Việt Nam là một trong những ngành được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP chính thức có hiệu lực. Đây là ngành nghề duy nhất đồng hành cùng 7 năm đàm phán hiệp định CPTPP từ khi còn là TPP. Mặc dù CPTPP không có thị trường Mỹ (chiếm 48% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017) nhưng vẫn còn những thị trường đầy tiềm năng khác như Australia, Canada. Đây là 2 thị trường có sự phát triển cao, sử dụng dệt may khá lớn với khoảng 10 tỷ USD một năm trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam còn nhỏ chỉ khoảng đến 500 triệu USD. Vì vậy, dệt may Việt Nam còn rất nhiều cơ hội hưởng lợi.

Hiện tại, qui tắc từ sợi trở đi chưa được chính thức áp dụng ở các hiệp định, vì vậy xu thế của các doanh nghiệp vẫn đang coi đây là mục tiêu trong quá trình phát triển và chiến lược sản xuất kinh doanh để nâng cao giá trị gia tăng của ngành. Đây cũng chính là động lực để ngành dệt may Việt Nam có cơ hội phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

PV: Cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, CPTPP sẽ có tác động như thế nào đối với Việt Nam?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Đối với lĩnh vực công nghiệp, khi CPTPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu ở các thị trường đối với hàng công nghiệp sẽ giảm về mức 0% theo lộ trình, có những nước dành cho Việt Nam trên 90% thuế về 0% ngay từ khi hiệp định có hiệu lực như Canada và Nhật Bản.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lộ trình thực thi cam kết CPTPP sẽ kéo dài hơn, tập trung vào mặt hàng nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có lợi thế trong khi các nước tham gia CPTPP không có sản phẩm cùng loại.

Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ Hiệp định CPTPP phần lớn tập trung vào mặt hàng nông sản, sản phẩm chăn nuôi như sản phẩm thịt gà và thịt lợn vì năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao. Việt Nam cần chuẩn bị tốt để đối phó và vươn lên đáp ứng tiêu chuẩn chung của hiệp định.

PV: Đối với lĩnh vực đầu tư và dịch vụ, Việt Nam sẽ có được những lợi ích gì khi tham gia Hiệp định CPTPP?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Khi tham gia CPTPP sẽ thông qua việc các nước cùng thực hiện tiêu chuẩn cao về thương mại và đầu tư theo hướng cởi mở, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó nâng cao khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhiều ngành sản xuất đều có thể tận dụng lợi thế phát triển khi thuế nhập khẩu được giảm xuống và quy mô thị trường lớn hơn, từ đó tạo ưu thế trong thu hút đầu tư. Điểm lớn căn bản ở hiệp định này là sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, giúp tăng thu hút đầu tư ở tất cả các lĩnh vực.

PV: Được biết, CPTTP cũng mở ra cho các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân cơ hội như các doanh nghiệp Nhà nước, ông có thể nêu vài nét chỉ rõ điều này?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Xét về Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong CPTPP có Chương 9: Đầu tư, quy định khá toàn diện những nội dung có liên quan đến đầu tư qua biên giới, trong đó có nguyên tắc tối huệ quốc, đối xử quốc gia, quyền của nhà đầu tư, của nước tiếp nhận đầu tư, giải quyết tranh chấp... Luật pháp nước ta có liên quan đến đầu tư như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 đã có các quy định khá phù hợp. Tuy vậy, CPTPP cũng như FTA thế hệ mới đòi hỏi cao hơn về đầu tư: 1) công khai, minh bạch và dễ dự đoán của hệ thống luật pháp và sự thay đổi của pháp luật ; 2) quyền sở hữu trí tuệ, nhất là bảo vệ bản quyền, thương quyền, xử lý nghiêm hàng nhái, hàng giả, hình sự hóa các vi phạm về sở hữu trí tuệ, 3) lao động và quyền của người lao đông bao gồm tiền lương và điều kiện làm việc, thành lập công đoàn độc lập và 4) phòng chống tham nhũng.

Khi tham gia CPTTP sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư qua biên giới, do vậy Việt Nam có điều kiện tốt hơn để thu hút FDI từ các nước thành viên khác vì thương mại luôn luôn gắn kết với đầu tư, nhất là với các nước mà Việt Nam chưa có thỏa thuận FTA như Canada, Mexico. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước thành viên khác.            

PV: Việt Nam vừa qua thực hiện 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đem lại nhiều bài học nên việc chúng ta chính thức vào “sân chơi” CPTTP cũng khiến nhiều người lo ngại, ý kiến của ông về việc này?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Thực hiện chủ trương mở rộng thị trường nội địa, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã tích cực tham gia các hiệp định thương mại song phương quốc tế và khu vực, tận dụng được nhiều cơ hội lớn thu hút đầu tư nước ngoài, tăng xuất nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các cam kết thương mại, Việt Nam gặp không ít thách thức do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế còn nhiều hạn chế.

Một nội dung nổi bật khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) là lộ trình cắt giảm thuế quan: Tham gia WTO, Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) năm 2008, Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), FTA với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus (VCUFTA)…

Việc Việt Nam tham gia và thực hiện các cam kết của các FTA đa phương, khu vực và song phương thời gian qua đã mang lại môi trường thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động thương mại, đầu tư trước và sau khi nước ta gia nhập WTO. Về tăng trưởng kinh tế, dưới tác động cộng hưởng của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam trong giai đoạn 1995 - 1997 là 8,8%. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thực sự tận dụng tốt những cơ hội mà các FTA mang lại. Thực tế là, nền kinh tế nước ta đang rơi vào xu hướng nhập siêu cao và phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài.

Thời gian tới, chuẩn bị cho việc thực thi cam kết trong CPTPP, về phía các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về cam kết CPTPP tới các tầng lớp hưởng lợi trong xã hội; tới các nhà quản lý nhà nước ở địa phương, tạo sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị; nội luật hóa các cam kết quốc tế để việc thực thi trong nước được thống nhất, tránh xảy ra tranh chấp quốc tế khi bị xung đột pháp luật. Về phía doanh nghiệp, từ hiệp hội đến doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu nội dung cam kết của CPTPP và lựa chọn các lĩnh vực phù hợp để khai thác lợi thế của chính doanh nghiệp mình…

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cao Hồng (Thực hiện)
.
.
.