Tai họa từ rác công nghiệp nhập lậu

Thứ Năm, 12/11/2009, 10:58
Hải Phòng có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc với số lượng hàng qua cảng gần 30 triệu tấn/năm. Lợi dụng việc thông thoáng trong thủ tục hành chính qua cảng, nhiều doanh nghiệp có hành vi nhập khẩu hàng nghìn tấn rác thải công nghiệp. Những hành vi trên khiến Hải Phòng có nguy cơ trở thành "bãi rác thải công nghiệp" nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Nhận diện những kẻ "tha" rác thải công nghiệp về Hải Phòng

Năm 2008, Cục Cảnh sát môi trường (C36) phối hợp với các cơ quan Công an Hải Phòng phát hiện một vụ vận chuyển máy móc, thiết bị cũ nát khổng lồ về Việt Nam qua Hải Phòng.

Công ty Cửu Long - Vinashin Hải Phòng núp dưới danh nghĩa nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định) đã nhập về toàn bộ thiết bị cũ nát, hỏng được tháo dỡ từ một nhà máy nhiệt điện có tuổi đời hơn 40 năm của Hàn Quốc.

Trong số máy móc, thiết bị cũ nát này còn có 1 máy biến thế có chứa 4.000 lít dầu thải chứa chất PCB là loại chất hữu cơ khó phân hủy và có hàm lượng phóng xạ vượt mức cho phép, rất độc hại với môi trường và con người.

Một trong những container rác thải bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Điều trớ trêu là Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng được coi là công trình nhiệt điện quy mô lớn bậc nhất vùng duyên hải, một công trình hứa hẹn "nguồn điện của thế kỷ XXI".

Khi lực lượng Cảnh sát môi trường kiểm tra lô hàng khổng lồ 931 tấn dưới cái tên gọi thiết bị xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng đã phơi bày sự thật không thể hiểu nổi: Toàn bộ thiết bị này đều đã qua sử dụng lâu năm, trong đó có thiết bị sản xuất từ... năm 1967! Thiết bị mới nhất, được coi là đỡ hơn cả cũng được sản xuất trước năm 1980. Một số thiết bị khi dùng phương tiện đưa lên thì đã bục nát, gãy vụn.

Trong số các hành vi nhập khẩu rác thải công nghiệp về Việt Nam thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng việc hiện nay nước ta chưa có một văn bản cụ thể nào về tiêu chuẩn đối với các mặt hàng là máy móc, thiết bị cũ nên xảy ra hàng loạt vụ việc như trên.

Bên cạnh đó, lợi dụng viêc Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thân, vỏ tàu cũ về phá dỡ làm nguyên liệu sản xuất, nhiều doanh nghiệp có những "chiêu thức" mới đưa rác thải về thành phố kiếm tiền bất chính.

Điển hình như vụ Công ty TNHH Quý Hải ở phường Đông Hải, quận Hải An nhập tàu cũ Prince đưa về phá dỡ một phần tại Campuchia rồi làm hồ sơ khai là thân vỏ tàu đưa về Việt Nam phá dỡ tại Hải Phòng. Cục Cảnh sát môi trường phối hợp với PC36 (Công an thành phố) và các ngành chức năng khi kiểm tra còn phát hiện trên tàu vẫn còn nhiều dầu thải và các thành phần phi kim loại khác đã kiến nghị UBND thành phố ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Mọi người đều biết ắc quy chì thải loại là một loại rác thải công nghiệp cực độc, nhưng vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp vẫn nhập loại rác thải này về Việt Nam qua đường biển Hải Phòng.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện một loạt những sai phạm của nhiều doanh nghiệp. Công ty TNHH Vũ Hải (Quảng Ninh) nhập khẩu 63,040 tấn; Công ty TNHH Hoàng Phát (Hải Phòng) nhập khẩu 44 tấn; Công ty TNHH Long Giang (Quảng Ninh) nhập khẩu 257 tấn. Tất cả số bản cực ắc quy chì trên đều được các doanh nghiệp trên khai báo là quặng chì hoặc ắc quy mới 100%.

Những vụ việc nhập khẩu rác thải công nghiệp trên chắc chắn không phải là những vụ việc duy nhất. Chỉ tính trong 3 năm (2003-2006) đã có 2.278 container có trọng lượng 36.618 tấn ắc quy chì phế thải, hàng nghìn tấn phế thải từ thiết bị điện tử đã qua sử dụng (theo quy định là chất thải nguy hại) đã được nhập vào Cảng Hải Phòng.

Tình trạng trên khiến có những thời điểm Hải Phòng đứng trước nguy cơ trở thành bãi chứa rác thải công nghiệp từ các nước chuyển đến thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tạm nhập tái xuất, đầu tư gia công...

Để Hải Phòng không trở thành "bãi rác thải công nghiệp"

Thượng tá Nguyễn Đức Đáng, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hải Phòng) cho biết: "Các hành vi nhập khẩu rác công nghiệp rất tinh vi, có sự cấu kết giữa các doanh nghiệp trong nước với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Họ thực hiện hành vận chuyển hàng hóa vi phạm vào Việt Nam dưới các hình thức ký hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất sang nước thứ 3. Nội dung hợp đồng và các thủ tục khai báo Hải quan đều là những mặt hàng hợp pháp, nhưng thực chất bên trong các container là những mặt hàng có vi phạm. Khi bị phát hiện thì các đơn vị trong nước từ chối nhận hàng với lý do là hàng không đúng như hợp đồng. Đối với việc vận chuyển chất thải nguy hại vào Việt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất thì hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài thể hiện trên tờ khai hải quan đều là những doanh nghiệp "ma" ở các nước xuất xứ và nước nhập khẩu. Vì vậy khi xác minh qua kênh Interpol thì đều không xác định được đối tượng vi phạm".

Việc phát hiện các doanh nghiệp có hành vi nhập khẩu rác thải công nghiệp đã khó, nhưng khi xử lý vi phạm, các cơ quan thực thi pháp luật cũng gặp không ít khó khăn do cơ chế, chế tài chưa chặt chẽ.

Theo ông Nguyễn Tiến Lộc, Phó Cục trưởng, Cục Hải quan Hải Phòng: Các quy định của Luật Bảo vệ môi trường chưa chi tiết, một số quy định mang tính chung chung. Ví dụ tại điểm a khoản 1 điều 43 quy định phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu "Đã được phân loại, làm sạch, không lẫn những vật liệu, vật phẩm, hàng hoá cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên".

Vậy thế nào là "làm sạch"?, tỷ lệ tạp chất là bao nhiêu được coi là "làm sạch"?. Những quy định trên vẫn mang tính định tính chưa có định lượng cụ thể do vậy vậy vẫn gây ra sự tranh cãi giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng như cơ quan giám định, thậm chí giữa cơ quan ở địa phương và cơ quan Trung ương.

Bên cạnh đó, mức độ xử lý các vụ việc vi phạm về bảo vệ môi trường hiện nay còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, giáo dục. Trên thực tế, nhiều đơn vị, cá nhân lợi dụng mức độ xử lý nhẹ này mà sẵn sàng chấp nhận chịu phạt để nhập rác thải công nghiệp.

Việc nhập một chiếc tàu cũ vào Việt Nam để cắt phá mang theo nhiều tạp chất nguy hại, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống con người, nhưng vì mua tàu cũ với giá rất rẻ về tận dụng bán phế liệu, sắt thép sau cắt đem lại lợi nhuận lớn nên việc bị phạt một vài trăm triệu, doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận.

Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng nhập khẩu rác công nghiệp về Việt Nam qua hệ thống cảng biển Hải Phòng thời gian qua, cần có một giải pháp đồng bộ để xử lý vấn đề này.

Các bộ, ngành cần nhanh chóng rà soát hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhanh chóng sửa đổi bổ sung kịp thời những điểm chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, hoặc những điểm còn mâu thuẫn nhằm giúp cho doanh nghiệp cũng như các các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật dễ thực hiện hơn.

Cần nâng mức xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm, đảm bảo đủ sức răn đe để các đối tượng vi phạm không "nhờn" luật, có như vậy mới tránh được nguy cơ biến hệ thống cảng biển Việt Nam không biến thành "bãi rác thải công nghiệp"

Đông Phong
.
.
.