Tái cơ cấu tập đoàn VinaShin: Từ 1/7 chuyển nhiều doanh nghiệp, dự án về PVN và Vinalines

Thứ Sáu, 02/07/2010, 15:21
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều chuyển cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam những doanh nghiệp và dự án dở dang tại các ngành nghề không gắn với ngành nghề chính (là đóng tàu và công nghiệp phụ trợ) của VinaShin.

Ngày 1/7, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GTVT  Nguyễn Văn Công đã ký Văn bản số 4401/BGTVT làm rõ vấn đề tái cơ cấu tập đoàn Vinashin.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ,  Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng và đoàn công tác Bộ GTVT đã làm việc tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về việc tái cơ cấu Tập đoàn kinh tế này.

Được thành lập từ năm 1996, với vốn điều lệ chỉ hơn 100 tỷ đồng, Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tập đoàn Kinh tế Vinashin) đã có những đóng góp nhất định cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu biển của Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, Tập đoàn này đã lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, không đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án đầu tư đang thực hiện. Nhiều hợp đồng đóng tàu bị hủy, giãn tiến độ, nợ ngân hàng lên hàng chục tỷ đồng... Bên cạnh đó, năng lực quản lý còn hạn chế khiến Tập đoàn rơi vào tình trạng khó khăn. Nhằm giải quyết vấn đề này và thực hiện một cách nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Tập đoàn Vinashin đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát để cắt giảm, đình hoãn, chuyển giao các dự án, chỉ giữ lại các dự án đầu tư thật sự cấp thiết, có hiệu quả trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu để tập trung nguồn lực cho các dự án đóng tàu dở dang.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ  đạo điều chuyển cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam những doanh nghiệp và dự án dở dang tại các ngành nghề không gắn với ngành nghề chính (là đóng tàu và công nghiệp phụ trợ).

Cụ thể: Khu công nghiệp tàu thủy (CNTT) Lai Vu (Hải Dương), gồm Công ty CNTT Lai Vu; Khu CNTT Nghi Sơn (Thanh Hóa), gồm Ban QLDA Khu Công nghiệp Nghi Sơn; Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai); Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Khu CNTT Soài Rạp (Tiền Giang); Phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong Công ty CP CNTT Hoàng Anh (Nam Định) và trong các dự án do Công ty làm chủ đầu tư được giao về Tập đoàn Dầu khí VN.

7 đơn vị khác của Vinashin được điều chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam gồm: KCN cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh); Cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng); Khu công nghiệp và nhà máy đóng tàu Hậu Giang; Cảng và nhà máy đóng tàu Năm Căn (Cà Mau); Công ty Vận tải Biển Đông; Công ty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin; Phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác.

Thời gian bàn giao từ ngày 1/7 và kết thúc quý III/2010. Tập đoàn này phải sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức gắn với điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trọng tâm là quản trị tài chính

T.Huyền
.
.
.