Tái cơ cấu kinh tế: Thị trường phân bổ lại nguồn lực

Thứ Hai, 25/05/2015, 09:17
Đây là nhận định của của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại cuộc hội thảo ánh giá quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam 2011-2014, nhằm đánh giá những kết quả thực hiện trong thời gian qua với mục tiêu của tái cơ cấu kinh tế là thiết lập được một cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả do CIEM tổ chức ngày 21/5, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, tái cơ cấu kinh tế về bản chất là thay đổi thể chế, cơ chế, công cụ phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia, nhất là vốn đầu tư nhằm hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, hiệu quả hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn.

Ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô CIEM cho biết, trong thời kỳ đầu phát triển, khi nguồn lực còn khan hiếm, lao động dư thừa, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đã tỏ rất hiệu quả, tốc độ tăng trưởng cao liên tục, đời sống người dân nhanh chóng được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh. Tuy nhiên, do tổng mức vốn trong nền kinh tế ngày càng được tích lũy nhiều hơn, chất lượng nguồn nhân lực chậm được cải thiện, do đó năng suất của vốn ngày càng giảm do tác động của quy luật giảm dần.

Để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, vốn đầu tư ngày càng phải lớn hơn. Chi phí đầu tư lớn trong bối cảnh dòng vốn liên tục được bơm vào nền kinh tế làm cho hiệu quả đầu tư sản xuất thực giảm, lợi nhuận trong khu vực tài chính và đầu cơ tăng lên. Kết quả là các nguồn lực khan hiếm như vốn, đất đai, nhân lực có kỹ năng đều bị hút vào khu vực tài chính, các hoạt động đầu cơ và hoạt động thương mại. Khu vực sản xuất thực ngày càng thu hẹp và phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế nhanh chóng rơi vào trạng thái bong bóng và bất ổn.

Nhận định về tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam Nguyễn Quang Thái cho rằng, chúng ta cần nhận thức về tái cấu trúc nền kinh tế. Theo đó, tái cấu trúc của các vùng, các tỉnh, các ngành đều cần thực hiện. Theo ông Thái, trong các báo cáo về tái cơ cấu kinh tế chưa thu thập nhiều tư liệu cần đánh giá hiệu quả, thứ tự ưu tiên của từng ngành.

Đồng quan điểm này, ông Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần có đánh giá tổng quát, chúng ta mới đi “mon men” vào tái cơ cấu, tái cơ cấu cần đạt được trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Để tiến hành tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra các đề xuất như: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh; hình thành và phát triển đồng bộ thể chế kinh tế thị trường hiện đại, thiết lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch với chi phí và mức độ rủi ro thấp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ….

Ông Nguyễn Đình Cung khẳng định, chúng ta đã thống nhất với nhau là tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực nhưng không phải là nhà nước phân bổ lại, mà phải là do thị trường phân bổ lại nguồn lực. Khi nhà nước ít đi, thị trường tăng lên thì nguồn lực sẽ được phân bổ đúng hơn và theo đó chất lượng sẽ tăng lên, hiệu quả tăng lên.

Lưu Hiệp
.
.
.