Tác động từ những sự kiện kinh tế lớn

Thứ Ba, 29/12/2015, 08:24
Năm 2015 sắp trôi qua với nhiều thăng trầm trên mọi phương diện, từ kinh tế tới an ninh – chính trị, xã hội – môi trường. Nền kinh tế toàn cầu mới bước qua suy thoái, nhưng nhìn chung vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Báo CAND điểm lại một số sự kiện kinh tế để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong năm 2015 và được đánh giá là còn gây tác động trong tương lai.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua

Sau 5 năm ròng rã đàm phán với vô số bất đồng và trở ngại, vào hồi 20h00 ngày 5-10 (giờ Việt Nam), tại thành phố Atlanta (Mỹ), Mỹ và 11 quốc gia ở hai bên bờ Thái Bình Dương tham gia đàm phán Hiệp định TPP, trong đó có Việt Nam, đã đạt thỏa thuận cuối cùng, mở đường cho khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.

Việc 12 quốc gia đạt đồng thuận cuối cùng có thể đem lại những lợi ích nhất định cho kinh tế châu Âu trên nhiều khía cạnh. TPP được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở cho việc thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), trên thực tế vẫn còn một số bế tắc do Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ còn bất đồng về một số vấn đề.

Những sự kiện kinh tế nổi bật năm 2015 ít nhiều đều ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam.

TTIP được cho là một trong những “cơ hội vàng” giúp châu Âu phát triển trong trung và dài hạn sắp tới. Bên cạnh đó, sự tạo lập của TPP và TTIP trên thực tế có thể dẫn đến sự thay đổi cán cân địa - chính trị thế giới, với cuộc chơi của những nước tư bản cũ và một số nước đang phát triển, tạo một gọng lực mạnh mẽ lên khối các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), buộc họ phải hạ thấp hàng rào thuế quan và chống bán phá giá. Điều này dẫn đến một quá trình toàn cầu hóa mới. Với TPP và sắp tới là TTIP, bức tranh toàn cầu hóa đang được hoàn thiện, và có ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế EU, vốn chưa thoát được cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến II.

Đối với Việt Nam, ngay sau khi TPP được thông qua, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội ra tuyên bố nhấn mạnh: “Thỏa thuận này sẽ khiến lĩnh vực tư nhân được tiếp cận nhiều hơn tới các thị trường chủ chốt, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài và giúp thiết lập hạ tầng cung ứng then chốt, qua đó tạo ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đem lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người lao động Việt Nam”.

Trong khi đó, Công ty nghiên cứu Eurasia Group đánh giá Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm những nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Theo đó, TPP có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 11%, xuất khẩu tăng thêm 28% trong thời gian từ nay đến năm 2025. Bên cạnh đó, việc TPP giảm thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ đối với các mặt hàng may mặc và giày dép, vốn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sẽ là một thuận lợi lớn so với mức thuế 17-32% hiện nay, mặc dù sẽ phải đối mặt với những quy định nghiêm ngặt hơn về nguồn gốc xuất xứ của nguyên vật liệu.

Còn theo Bloomberg, ngành thủy sản và đánh bắt hải sản của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc bãi bỏ thuế nhập khẩu các mặt hàng tôm, mực và cá ngừ khi hiện nay, mức thuế đánh vào các mặt hàng này vẫn đang dao động từ 6,4-7,2%. Tiếp đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam cũng sẽ tăng lên đáng kể. TPP cũng sẽ gia tăng mức độ bảo vệ bằng sáng chế, hạn chế sự tiếp cận của các công ty Việt Nam với các loại dược phẩm mới, cũng như khả năng của các công ty này trong việc sản xuất thuốc mới.

IMF đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) vào giỏ tiền tệ quốc tế (SDR)

Ngày 30-11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố đồng NDT của Trung Quốc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của một đồng tiền “tự do sử dụng” và sẽ “có mặt” trong giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), cùng với USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật. Việc đồng NDT được đưa vào SDR được coi là bước đột phá của Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu, vốn được thống trị bởi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua, trong khi vị thế của Bắc Kinh trên các thị trường tài chính sẽ được củng cố và có uy tín hơn.

Đối với Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế, quyết định trên của IMF sẽ ảnh hưởng rất ít tới nền kinh tế Việt Nam, hầu như không đáng kể, thậm chí phải mất ít nhất 6 tháng tới 1 năm nữa mới thấy rõ được tác động dây chuyền này. Tuy nhiên, về lâu dài, tác động của quyết định trên còn mạnh hơn theo hướng bất lợi nhiều hơn là có lợi, đồng thời cũng ảnh hưởng tới chính sách giữ ổn định giá ngoại tệ của Việt Nam. 

FED nâng lãi suất cơ bản

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, rạng sáng 17-12 (giờ Việt Nam), Chủ tịch FED Janet Yellen tuyên bố FOMC đã bỏ phiếu thông qua quyết định tăng 0,25% lãi suất cơ bản, theo hai biên độ từ 0 - 0,25% và từ 0,25 - 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED kể từ khi đưa lãi suất xuống gần 0% vào năm 2008 trong bối cảnh kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Với quyết định này, FED đã chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục nhưng sẽ khiến các nền kinh tế mới nổi chịu tác động mạnh khi dòng tiền đầu tư bị đảo ngược do tác động của việc tăng lãi suất, cũng như làm giảm bớt lợi ích từ những biện pháp kích thích xuất khẩu.

Đối với Việt Nam, cùng với quyết định của IMF đưa đồng NDT vào SDR, quyết định tăng lãi cơ bản của FED lại tạo thêm một áp lực mới đối với đồng VND. Về dài hạn, quyết định của FED sẽ tạo ra một số bất lợi. Thứ nhất, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ cản trở dòng vốn ngoại gia nhập các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Như vậy, yếu tố dòng tiền sẽ bị ảnh hưởng. Thứ hai, việc FED tăng lãi suất tạo áp lực nhất định lên tỷ giá. Khi rủi ro tỷ giá còn treo lơ lửng thì tất cả các khoản đầu tư bằng đồng VND đều sẽ chịu ảnh hưởng, người ta sẽ ngại đầu tư hơn, và dòng tiền vào thị trường cũng sẽ bị hạn chế.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.