TP HCM thiếu quỹ nhà ở xã hội

Thứ Ba, 25/11/2008, 14:36
Trong số 25 dự án nhà ở cho cán bộ, công nhân viên hiện đang được triển khai trên địa bàn TP HCM, số dự án làm nhà ở, nền đất dành cho đối tượng là công chức, viên chức trong của thành phố là không đáng kể mà hầu hết đất phát triển quỹ nhà ở xã hội đã được giao cho chủ đầu tư là một số cơ quan, bộ, ngành TW và khối doanh nghiệp, những đối tượng có thu nhập cao.
>> Công chức Hà Nội thêm nhiều “tổ ấm giá rẻ” / Người có thu nhập trung bình không mua được “nhà giá thấp”

Chưa kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và hàng trăm ngàn công nhân đang lao động tại các KCN - KCX, khu công nghệ cao của thành phố, chỉ tính riêng số đối tượng cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách của TP HCM đã lên tới trên 100 ngàn người và hơn một nửa trong số này thuộc diện thu nhập thấp.

Một khu nhà ở xã hội. Ảnh: Đ.T.

Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM: "Để góp phần hỗ trợ những đối tượng này có cơ hội tạo lập được nhà ở, ngay từ năm 2003 UBND TP đã có chủ trương xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên chức, người thu nhập thấp. Trong đó đã quy định một số giải pháp về quy hoạch, kiến trúc và cơ chế ưu đãi về vốn, tiền sử dụng đất, thủ tục đầu tư xây dựng… Kết quả, trong thời gian này thành phố đã tạo dựng được 8.349 căn nhà và nền đất, tương đương với hơn 759,5 ngàn m2 sàn nhà ở. Sau khi có Luật Nhà ở, thành phố đã chỉ đạo các quận huyện, sở, ngành rà soát quỹ đất công phục vụ chương trình quỹ nhà ở xã hội. Đến nay, đã tạo được 35 khu đất với tổng diện tích 47ha".

Như vậy, mục tiêu trọng tâm trong kế hoạch thực hiện chương trình nhà ở giai đoạn 2006 - 2010 của thành phố là: Xây dựng 25 ngàn căn hộ cho người có thu nhập thấp, cán bộ công chức sỹ quan quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang thuê mua… chắc chắn đã không đạt cả về số lượng và chất lượng.

Trong số 25 dự án nhà ở cho cán bộ, công nhân viên hiện đang được triển khai trên địa bàn, số dự án làm nhà ở, nền đất dành cho đối tượng là công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang… của thành phố là không đáng kể mà hầu hết đất phát triển quỹ nhà ở xã hội đã được giao cho chủ đầu tư là một số cơ quan, bộ, ngành Trung ương và khối doanh nghiệp, những đối tượng có thu nhập cao. Cụ thể đã có 10/25 dự án được giao cho khối doanh nghiệp làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên.

Theo giám đốc một doanh nghiệp làm dự án BĐS cho biết: "Do thời gian thu hồi vốn đầu tư lâu, đối tượng và đơn giá thuê, thuê mua đều do nhà nước quy định, lợi nhuận thấp hoặc không đủ khả năng thu hồi vốn nên các doanh nghiệp tư nhân hầu như không tham gia. Mặt khác, giá thành căn hộ hiện vẫn còn khá cao so với thu nhập của cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách. Quy định nhà ở xã hội lại chỉ được cao 6 tầng càng khiến giá nhà ở mức cao nên "càng xa tầm với" của đối tượng thuộc diện được mua, nhất là công nhân làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp…".   

Để tạo thêm quỹ đất nhằm phát triển loại hình nhà ở xã hội, kể từ năm 2006, Nghị định 90 của Chính phủ đã cho phép UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép quyết định: "Các chủ dự án nhà ở có quy mô từ 10ha trở lên phải có trách nhiệm dành một phần diện tích đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tối đa lên đến 20% diện tích dự án để chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội".

Nhưng theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố: "Quy định này đã không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư các dự án có diện tích lớn". Quỹ đất dành phát triển nhà ở xã hội đã ít, nhiều dự án được giao cho các doanh nghiệp làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên với diện tích quá lớn.

Theo chỉ đạo của Thành ủy, từ nay đến năm 2010, UBND TP sẽ dành từ 5 - 8 ngàn tỷ đồng cho việc chi phí giải phóng mặt bằng, tạo lập quỹ đất công phục vụ cho chương trình nhà ở xã hội và tái định cư.

Trong lúc chưa thể giải quyết hết nhu cầu về nhà ở xã hội còn quá lớn, theo đề xuất của ông Lê Hoàng Châu: "Thành phố chỉ nên tập trung vào việc phát triển quỹ nhà ở cho thuê để giải quyết chỗ ở cho những trường hợp không đủ khả năng và có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Khi nào đối tượng này có thể tự tạo lập được chỗ ở mới thì sẽ trả lại nhà đang thuê để giải quyết cho người có nhu cầu khác. Như vậy, quỹ đất cho nhà ở xã hội luôn được bảo toàn, lại tránh được tâm lý trông chờ vào chính sách của những đối tượng trong diện được hưởng"

Đ.T.
.
.
.