TP HCM: Mắt kính nhái tràn ngập thị trường

Thứ Hai, 26/04/2010, 14:01
Phần lớn người tiêu dùng (NTD) mua và sử dụng mắt kính thường không phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả, nên giải pháp tốt nhất để tránh mua nhầm hàng giả là tìm đến các cửa hàng lớn hoặc các trung tâm thương mại để mua cho chắc ăn. Tuy nhiên, đã có nhiều khách hàng bị "lừa" tại những địa điểm này vì mua nhầm phải hàng kém chất lượng.

Tại văn phòng khiếu nại người tiêu dùng TP HCM, anh Nguyễn Hữu Thăng (ngụ phường 13, quận Tân Bình) bức xúc, anh có mua một mắt kiếng mát trị giá khoảng 600 USD tại một cửa hàng ở đường Đồng Khởi, quận 1. Khi mua đơn vị bán hàng cam kết sẽ đổi sản phẩm khác hoặc trả lại tiền cho khách hàng nếu như trong quá trình sử dụng, sản phẩm có vấn đề trục trặc. Tuy nhiên, sau khoảng 5 tháng sử dụng, vẫn còn trong thời hạn bảo hành, anh Thăng phát hiện thấy mắt kính có hiện tượng long màu nên mang sản phẩm tới chỗ bán hàng để yêu cầu được thay lại mắt kính khác nhưng cửa hàng từ chối.

Tương tự, chị Phạm Thị Kim Tư (ngụ phường 10, quận 6) không dám mua mắt kính trôi nổi bên ngoài nên chị tìm đến một cửa hàng Trung tâm mắt kính lớn trên đường Điện Biên Phủ (quận 3) mua mắt kính giá hơn 3 triệu đồng, có bảo hành hẳn hoi. Khi mua về sử dụng khoảng một tháng, gọng kính bị lỏng, sau nhiều lần chỉnh sửa không được nên chị mang đến cửa hàng để nhờ sửa giúp. Tuy nhiên, sau khi xem xét, nhân viên phòng kỹ thuật khẳng định, gọng kính không thể sửa được và cửa hàng cũng không chịu trách nhiệm sản phẩm do mình bán ra.

Mới đây, ngày 14/4, Chi cục QLTT TP HCM kiểm tra cửa hàng mắt kính Điện Biên Phủ (số 193 đường Lâm Văn Bền, phường Bình Thuận, quận 7) do ông Vũ Xuân Lưu làm chủ kinh doanh cũng phát hiện, tạm giữ 133 mắt kính gọng kim loại và gọng nhựa, tròng meka, không độ các loại (xuất xứ Trung Quốc) không có hoá đơn chứng từ.

Mắt kính thời trang có giá từ 20.000đ đến100.000đ.

Quá trình tìm hiểu chúng tôi cũng được biết, nhằm kiểm soát và đảm bảo cho NTD mua đúng hàng chính hãng, các tập đoàn sản xuất kính trên thế giới thông thường chỉ định một đại lý độc quyền phân phối sản phẩm mắt kính trong một khu vực hoặc quốc gia. Tại Việt Nam, đặc biệt ở TP HCM, có nhiều cửa hàng có quy mô lớn trưng bày kinh doanh nhiều thương hiệu mắt kính nổi tiếng trên thế giới với nhiều hình thức quảng bá, khuyến mãi để thu hút thị hiếu NTD.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả các cửa hàng mắt kính này có sự uỷ quyền từ chính hãng. Thực trạng trên làm cho nhà sản xuất và chủ sở hữu nhãn hiệu đa quốc gia không an tâm, còn NTD thì chịu thiệt thòi vừa phải trả giá cao cho sản phẩm không đúng giá trị và chịu nguy hại cho sức khỏe đôi mắt

Qua khảo sát thị trường mắt kính gần đây tại TP HCM và một số đô thị tại Việt Nam của đại diện Tập đoàn mắt kính Luxottica (Ý) và Văn phòng luật sư A Hoà cho thấy, số lượng hàng nhái, hàng giả chiếm tỷ lệ rất cao tại nhiều cửa hàng có diện tích lớn. Đặc biệt, nhiều cửa hàng công khai treo biển "giảm 50% giá sỉ hàng hiệu", hoặc đưa hình ảnh một số thương hiệu như: Rayban, Vogue… trong khi những thông tin này hoàn toàn không được nhà sản xuất chính hãng hoặc đại diện phân phối độc quyền tại Việt Nam công bố.

K.Ngân
.
.
.