TP HCM: Các HTX Vận tải đồng loạt ký đơn kiến nghị Bộ GTVT

Thứ Năm, 11/10/2007, 16:14
Với Nghị định 110 tại Quyết định số 16/2007/QĐ -BGTVT, nhiều ban chủ nhiệm của hợp tác xã vận tải đang gặp khó khăn và "rối như gà mắc tóc" trong công tác lãnh đạo, điều hành; xã viên thì ngao ngán bởi một số quy định hướng dẫn việc thực hiện Nghị định này không cụ thể, rõ ràng.

Giữ vị trí khá quan trọng trong hoạt động vận tải của thành phố, 178 hợp tác xã vận tải (HTX VT) với số lượng đầu xe chiếm khoảng 80% tổng số đầu phương tiện trên địa bàn. Hầu hết các HTX VT này đều hoạt động theo mô hình dịch vụ hỗ trợ.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều ban chủ nhiệm đang gặp khó khăn, lúng túng và "rối như gà mắc tóc" trong công tác lãnh đạo, điều hành; xã viên thì ngao ngán bởi một số quy định hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 110 tại Quyết định số 16/2007/QĐ -BGTVT không cụ thể, rõ ràng.

Đại diện của hơn 20 HTX vận tải tại thành phố đã đồng loạt ký tên vào đơn kiến nghị tập thể gửi đến Bộ GTVT, Cục Đường bộ, Liên minh các HTX Việt Nam; chính quyền cùng các cơ quan hữu quan của TP Hồ Chí Minh, nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa được xem xét.

Theo quy định tại Nghị định 110, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, có 2 loại hình được phép kinh doanh là doanh nghiệp (HTX cũng là một loại hình doanh nghiệp) và hộ kinh doanh cá thể.

Nghị định 110 cũng không có điều khoản nào quy định về quyền sở hữu phương tiện khi tham gia kinh doanh vận tải. Nhưng trong Quyết định 16 của Bộ GTVT lại quy định "chỉ có những xe thuộc sở hữu doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp hoặc của những đơn vị có chức năng thuê mua tài chính… mới được tham gia kinh doanh vận tải tuyến cố định".

Không chỉ có vậy, trong tài liệu tập huấn các văn bản quản lý vận tải đảm bảo ATGT do Cục Đường bộ phát hành còn đặt ra yêu cầu "các xe của HTX dịch vụ hỗ trợ, xe liên kết với các HTX, các doanh nghiệp nếu còn tiếp tục khai thác theo tuyến cố định phải làm thủ tục chuyển sở hữu và xác định giá trị tài sản góp vốn".

Đối với ngành Thuế cũng vậy, từ trước đến nay vẫn áp dụng 2 loại thuế cho mô hình HTX là cá nhân xã viên thì hạch toán ấn định, còn HTX sản xuất tập trung lại hạch toán theo kiểu khấu trừ.

Chính vì vậy, các HTX nói trên đã đồng loạt ký đơn kiến nghị tập thể đối với Bộ GTVT, đề nghị Bộ điều chỉnh theo hướng bãi bỏ quy định sở hữu phương tiện như một điều kiện kinh doanh trong Quyết định 16. Chấp nhận cho xe đứng tên xã viên HTX được tham gia kinh doanh dưới pháp nhân HTX như xe của HTX đứng tên.

Hơn nữa, trên thực tế, việc xin cấp phù hiệu hợp đồng, phù hiệu tuyến cố định… từ trước đến nay đều do pháp nhân là HTX đứng đơn và Sở GTCC cũng chỉ cấp cho pháp nhân là HTX. Do đó, không có lý do gì không cho các xe đứng tên của xã viên nhưng hoạt động dưới danh nghĩa HTX.

Trong đơn kiến nghị tập thể, các HTX cũng đưa ra yêu cầu, nếu không điều chỉnh Quyết định 16, thì Bộ cần giải thích rõ: Căn cứ trên những quy định nào để buộc xe đang đứng tên xã viên phải chuyển quyền sở hữu sang tên HTX mới được kinh doanh? Và cơ sở nào để buộc cá nhân xã viên có xe đang tham gia hoạt động trong HTX phải đăng ký hộ kinh doanh cá thể (nếu không chuyển tên xe sang HTX)?

Hàng loạt vấn đề vướng mắc của các HTX VT đang cần được tháo gỡ, các cấp, ngành chức năng cần sớm xem xét giải quyết

Đức Thắng
.
.
.