Sụt giảm đơn giá một số mặt hàng xuất khẩu ở cửa khẩu Móng Cái

Thứ Bảy, 10/09/2005, 08:33

Một số mặt hàng chiến lược và truyền thống của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc như thủy sản, cao su nguyên liệu đã có những diễn biến bất thường: Giảm đáng kể về số lượng, giá bán đang có dấu hiệu bị "ép" bởi nhiều lý do khác nhau.

Cách đây vài tháng, tỷ lệ hàng thủy sản khô chiếm 27,5% so với tổng lượng thủy sản các loại xuất sang Trung Quốc, nhưng chỉ tính từ ngày 10 đến 24/8, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 18%. Đáng chú ý, một số lô hàng khô gồm cá, ruốc (khoảng 35 tấn) do hút ẩm mạnh, tỷ lệ thủy phần vượt quá ngưỡng quy định đã bị đối tác từ chối thực hiện hợp đồng. Phía doanh nghiệp xuất khẩu giải thích rằng, họ không cố tình vi phạm hợp đồng mà là vì lý do bất khả kháng. Cả tháng vừa qua thời tiết hầu như không thuận lợi, mưa nhiều, độ ẩm lớn. Do vậy, việc sản xuất chế biến mặt hàng thủy sản khô không thể đạt yêu cầu của đối tác.

Cùng thời gian này, lấy lý do giá cao su tại thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) đang sụt giảm, các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc ép giá nhập xuống còn 13.080 NDT/tấn (tương đương 1.612 USD/tấn) khiến lượng cao su SVR3L xuất khẩu tuần qua đã giảm khoảng 50%. Rất có thể các giao dịch với Trung Quốc về mặt hàng cao su nguyên liệu thô sẽ còn tiếp tục đình trệ do đàm phá giá chưa thông. Hiện cửa khẩu tiểu ngạch Lục Lầm (nằm giữa hai cửa khẩu Ka Long và Bắc Luân - Móng Cái) mỗi ngày chỉ xuất được 160 - 200 tấn để thanh toán đối với các hợp đồng ký trước ngày 15/8.

Riêng mặt hàng cao su hỗn hợp do 9 cơ sở chế biến ngay tại Móng Cái có phần đỡ bi đát hơn. Đơn giá xuất khẩu có giảm chút ít so với tháng trước nhưng sản lượng tương đối ổn định. Lý do là các cơ sở này ít nhiều đều liên quan đến vốn đầu tư, kỹ thuật hoặc tư vấn của các "lẩu bán" Trung Quốc. Họ biết nên làm như thế nào để khai thác lợi nhuận cao nhất. Đặc biệt, phía hải quan Trung Quốc dành ưu tiên cho các doanh nghiệp nhập khẩu loại cao su hỗn hợp này không phải nộp các khoản phụ thu và các loại phí do địa phương quy định vì đây là mặt hàng được đưa vào danh mục nguyên liệu bán thành phẩm nằm trong danh mục khuyến khích nhập khẩu. Hiện mặt hàng này vẫn đảm bảo khối lượng giao dịch khoảng 500 tấn/ngày với giá xuất có phần ổn định hơn, ở mức 13.400 NDT/tấn.

Hiện tượng lượng giảm, giá rớt đối với các mặt hàng tạm gọi là chiến lược xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới không phải bây giờ mới xảy ra. Vì lý do gì thì các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần khẩn trương rút ra bài học quen thuộc nhưng không bao giờ cũ. Đó là không bán những gì mình có, hãy bán những gì người ta cần

Lê Minh
.
.
.