Sửa luật để chống tội phạm kinh tế

Thứ Hai, 31/03/2008, 18:45
Theo Điều 153 Bộ luật Hình sự thì tội buôn lậu được định nghĩa là buôn bán trái phép qua biên giới, tuy nhiên khái niệm “biên giới” hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Nhiều khi công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở, kho ngoại quan nằm sâu trong nội địa. Do vậy, xác định khái niệm “biên giới mở” hiện nay ra sao là điều cần xem xét...

Theo thông báo của Bộ Công Thương, lợi dụng chính sách trao đổi cư dân biên giới theo quyết định 254, tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hằng ngày có hàng ngàn người được “thuê” vào mua hàng miễn thuế rồi chuyển ra ngoài cho các đối tượng gom hàng chuyển về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Lợi dụng chính sách bán hàng cho người Campuchia số lượng hàng không hạn chế, đã xuất hiện hình thái lợi dụng chính sách này đưa hàng qua biên giới hoặc cột mốc số 0 rồi lại “quay vòng” ngược về Việt Nam bằng đường nhập lậu.

Một số DN trong khu kinh tế lợi dụng chính sách ưu đãi về hoạt động xuất nhập khẩu, khai hạ giá trị hàng hoá tính thuế, nhập hàng vào khu miễn thuế bán giá thấp sau đó thuê những người dân địa phương (sử dụng quyền được mua hàng miễn thuế (đưa hàng ra khỏi khu kinh tế) sau đó các DN này gom hàng đưa về nội địa tiêu thụ. 

Lợi dụng thông tư số 17 về việc tạm nhập tái xuất đối với ô tô mang biển số Lào (chỉ cần có giấy uỷ quyền là có thể lưu hành tại Việt Nam trong 3 tháng, hết hạn lại đề nghị Hải quan cửa khẩu cấp gia hạn để tiếp tục lưu hành), hiện có hàng ngàn xe ô tô từ Lào vào Việt Nam nhưng không biết đã đi đâu. Có vụ gây tai nạn, có vụ đối tượng đóng lại số khung, số máy hoặc hợp thức giấy tờ để tiêu thụ.

Một kiểu lách luật nữa là lợi dụng ưu đãi về thuế đối với hàng hoá từ các nước ASEAN, nhiều hàng Trung Quốc vận chuyển qua nước thứ 3 ASEAN để có giấy chứng nhận xuất xứ from D, sau đó mới nhập vào Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, tình trạng các đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ áp dụng cho khu kinh tế mở tại các cửa khẩu để thực hiện hành vi buôn lậu và gian lận thương mại cũng ngày một gia tăng.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo 127 T.Ư, tội phạm lợi dụng chính sách kinh tế liên tiếp có những thủ đoạn mới, ngày một tinh vi hơn. Lực lượng này mới đây đã phát hiện một thủ đoạn vi phạm mới đó là một số DN nhập khẩu phần mềm khai báo giá nhập khẩu với giá trị rất lớn, có dấu hiệu để chuyển tiền ra nước ngoài.

Còn theo Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV- Bộ Công an (C15) hiện hoạt động của tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài hoặc liên quan đến nước ngoài đang có chiều hướng gia tăng với các thủ đoạn chủ yếu là lừa đảo, trốn thuế xuất nhập khẩu.

Tội phạm lợi dụng ký kết các hợp đồng kinh tế để tạm nhập nguyên liệu, hàng hoá gia công nhưng không sản xuất hoặc tái xuất mà bán ở thị trường trong nước. Một số DN nước ngoài sau khi được cấp phép đầu tư xin cấp đất, dùng dự án vay vốn ngân hàng, mua bán cổ phiếu, tình trạng tạm nhập nhưng không tái xuất ô tô gia tăng, nhiều DN không khai báo, kê khai lỗ giả để trốn thuế.

Một số DN lợi dụng quy định nộp thuế theo tờ khai, sửa chữa giấy tờ, làm giả giấy tờ hàng hoá nhập khẩu để trốn thuế. Hiện C15 đang phối hợp với công an Đồng Nai điều tra đường dây, tổ chức tội phạm chuyên tư vấn cho các DN nước ngoài trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập DN, gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Đã đến lúc phải sửa luật

Theo các cơ quan chức năng, hiện việc triển khai các biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn rất khó khăn bởi hiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa đồng bộ, còn chồng chéo, pháp luật vừa thiếu, nhiều điều luật lại chưa phù hợp, ranh giới giữa tội phạm và không phải là tội phạm không rõ ràng dẫn đến việc áp dụng khó khăn, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý XNK và chống buôn lậi còn chung chung, thiếu những chế tài cụ thể và nghiêm minh, không đồng bộ hoặc sơ hở để tội phạm lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới.

Đơn cử, theo Điều 153 Bộ luật Hình sự thì tội buôn lậu được định nghĩa là buôn bán trái phép qua biên giới, tuy nhiên khái niệm “biên giới” hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Nhiều khi công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở, kho ngoại quan nằm sâu trong nội địa rất đa dạng. Do vậy, xác định khái niệm “biên giới mở” hiện nay ra sao là điều cần xem xét, nghiên cứu và điều chỉnh.

Để đấu tranh có hiệu quả hơn loại tội phạm này, Quốc hội cần sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (cụ thể là Điều 153-155). Bên cạnh đó, các ngành nội chính cần sớm ban hành các văn bản liên ngành đảm bảo các chế tài chặt chẽ hơn, có định tính, định lượng cụ thể để xử lý chặt chẽ các tội buôn lậu, buôn bán hàng cấm, trốn thuế.

Ban chỉ đạo 127 T.Ư cũng cho biết tới đây sẽ đề nghị các Bộ, ngành rà soát lại các quy định đang có “kẽ hở” để tội phạm chính sách lợid dụng, ví dụ như chính sách trao đổi cư dân biên giới theo QĐ 254, rà soát lại thông tư 201 của Bộ GTVT nhằm quản lý chặt chẽ đối với xe ô tô tạm nhập, tái xuất. Về lâu dài, Ban chỉ đạo 127 đang kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng chương trình quốc gia “chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại”

Nguyễn Thiêm
.
.
.