Sinh lợi từ nguồn vốn khổng lồ

Thứ Tư, 07/09/2011, 10:24
Người dân tích cóp vàng, đào chôn dưới đất hay cất sâu trong đáy tủ, cách làm đó vừa không an toàn lại không sinh lợi nhuận từ lãi suất (ngoài lợi nhuận có được khi vàng lên giá). Gửi vào ngân hàng, người dân vừa có lợi mà Nhà nước lại có nguồn vốn khổng lồ…

Thay chôn vàng dưới nhà bằng cách gửi vào ngân hàng

Sau khi được Chính phủ đồng ý chủ trương huy động vàng trong dân (gửi vào các ngân hàng thương mại), Ngân hàng Nhà nước đang tính toán lộ trình, cách thức thực hiện. Phương án này được cho là đôi bên cùng có lợi: Nhà nước có nguồn vốn khổng lồ từ vàng nhàn rỗi, còn người dân có vàng vừa an toàn khi gửi, vừa sinh lợi bằng lãi suất. 

Tập quán giữ vàng của người dân hình thành từ lâu đời, người dân Ấn Độ, Trung Quốc thậm chí còn tích trữ số lượng vàng lớn gấp hàng chục lần Việt Nam (Ấn Độ khoảng 12 nghìn tấn, Trung Quốc 5 nghìn tấn). Nếu như Ngân hàng Nhà nước ước lượng có khoảng 500 tấn vàng trong dân thì Hội đồng vàng thế giới dự đoán số lượng ấy còn gấp đôi (1.000 tấn).

Như vậy, lượng vàng dự trữ ở Việt Nam có giá trị dao động từ 27 đến 55 tỷ USD, tương đương 25-45% GDP Việt Nam. Con số thực tế có thể còn lớn hơn bởi nhiều người cất vàng hàng chục năm nay, từ đời này sang đời khác nên không ai có thể biết trong "két" hay dưới nền nhà của họ có bao nhiêu vàng!

Một cuộc khảo sát gần đây tại Hà Nội do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thực hiện cho thấy, có 92% giải thích tích trữ vàng do thói quen và tâm lý phòng chống lạm phát, ngoài ra là dùng vàng để làm của hồi môn, trang sức, cho, tặng…

Khi vàng liên tục lập đỉnh mới, lạm phát ở mức cao, người dân không mặn mà với gửi tiền đồng Việt Nam vào ngân hàng, thay vào đó dồn mua vàng. Những con số trên cho thấy một nguồn lực tài chính khổng lồ không đến được nơi trực tiếp tạo ra của cải vật chất, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia, mà chạy quanh giữa những kênh đầu tư tài chính.

Nguồn vốn hoạt động không chính thức này gây sức ép không nhỏ tới thị trường ngoại hối, cán cân thanh toán, chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế nói chung. Các chuyên gia tài chính cho rằng, tỷ lệ dự trữ vàng so với GDP quá lớn, cho thấy không thể quản lý theo cách chúng ta đang làm.

Cần phải lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh, nhưng không nên quản lý theo kiểu biến lượng của cải tương đương tới 50% GDP cả nước thành thứ nằm một chỗ kiểu "án binh bất động", không sử dụng được. 

Người dân được lợi gì?

Rõ ràng huy động vàng trong dân là kênh tài chính khổng lồ mà Ngân hàng Nhà nước cần phát huy, nhất là trong bối cảnh tìm kiếm nguồn vốn còn khó khăn như hiện nay. Nhưng để huy động được vàng trong dân, vấn đề là ở cách làm. Vàng là tài sản quý giá, việc người dân gửi hay không gửi vào ngân hàng là hoàn toàn tự nguyện.

Thực tiễn cho thấy, sở dĩ nhiều người chưa mặn mà khi gửi lãi suất tiết kiệm đồng Việt Nam là do lạm phát, lo ngại đồng tiền mất giá. Còn vàng trong bối cảnh hiện nay được cho là nơi tích trữ an toàn, sinh lợi thì việc ngân hàng huy động được bao nhiêu vàng trong dân, phụ thuộc vào tính sinh lợi của nguồn vốn này.

Theo đó, lãi suất ở mức chấp nhận được, chắc chắn người dân sẽ mang vàng giao cho ngân hàng "trông coi". Khi người dân cất giữ vàng trong nhà, số vàng đó không phát sinh lãi suất mà chỉ có thể tăng giá trị khi vàng lên giá. Trong khi đó, vàng nếu gửi vào ngân hàng, người dân được hưởng thêm khoản lãi suất hằng tháng, ngoài khoản lợi chênh lệch trong trường hợp giá vàng lên.

Thêm nữa, gửi vàng vào ngân hàng còn là địa chỉ an toàn. Lâu nay, tâm lý người dân giữ vàng thường lo ngại mất trộm nên tìm cách chôn giấu dưới đất hay cất kỹ dưới đáy tủ. Với chuyện trộm, cướp phức tạp, rình rập, người có nhiều vàng càng lo lắng về việc cất giữ. Gửi vào ngân hàng, rõ ràng đó là địa chỉ tin cậy "chọn mặt gửi vàng".

Nhưng ngân hàng huy động vàng trong dân, có được nguồn vốn và sinh lợi chỉ khi đưa được số tài chính này vào nền kinh tế. Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam, có hai cách cần làm. Thứ nhất, các ngân hàng thương mại huy động vàng trong dân, sau đó gửi vào ngân hàng nước ngoài và dùng chính số vàng đó làm tài sản thế chấp để vay lại ngoại tệ của các ngân hàng nước ngoài.

Thứ hai, ở những thời điểm giá vàng trong nước rẻ hơn giá vàng thế giới mà vàng trong tài khoản tiết kiệm còn dư thì sẽ cho xuất khẩu để thu ngoại tệ. Sau đó, mua ngay một lượng vàng tài khoản đúng bằng số vừa bán để chốt giá.

Khi cần vàng để trả cho người dân, công ty mới chuyển hết tiền và đưa vàng về. Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Eximbank Trương Văn Phước thì cho rằng, để hạn chế rủi ro trong huy động, cho vay vàng, Ngân hàng Nhà nước nên coi vốn từ vàng như với vốn đồng Việt Nam, vốn ngoại tệ.

Theo đó, có thể điều tiết nghiệp vụ này của các ngân hàng bằng công cụ như thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, kiểm tra kiểm soát trạng thái, phương án trả nợ… Nhiều chuyên gia cũng thừa nhận, quản lý thị trường vàng không phải là quá khó, bởi thực tế, nhiều nước làm rất tốt việc này.

Có chứng chỉ vàng, người dân có quyền rút vàng khi cần

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm giải thích: Khi người dân gửi vàng vào ngân hàng sẽ được cấp một chứng chỉ vàng. Chứng chỉ này có thể thế chấp, mua bán, trao đổi trên thị trường chứng khoán. Người dân mang chứng chỉ ấy đến thì ngân hàng sẽ trả lại vàng cho người dân bất cứ lúc nào.

Nhà nước sử dụng vàng gửi của dân để kinh doanh và can thiệp vào thị trường, tăng dự trữ là điều rất tốt và người dân sẽ nhận được số lãi nhất định. Gửi vàng vào ngân hàng, quyền lợi của người dân không bị giảm sút, không bị ảnh hưởng trong khi Nhà nước sử dụng hoàn toàn được số vốn đó.

Khi giá vàng tăng, Ngân hàng Nhà nước giữ vàng có lời và người dân gửi vàng cũng có lời vì lãi suất trả cho dân là theo %. Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo bất cứ lúc nào người dân muốn rút vàng đều có vàng, nếu như vậy người dân sẽ rất an tâm.

.
.
.