Siêu thị "bắt nạt" DN nhỏ

Thứ Hai, 20/04/2009, 15:19
Một Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng, với tình trạng nhà bán lẻ ép nhà cung cấp như hiện nay tại TP HCM, phần lớn các doanh nghiêp vừa và nhỏ rất khó "chen chân" vào các siêu thị có thương hiệu.

Hệ thống siêu thị của doanh nghiệp trong nước nắm giữ phần lớn so với số siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài nhưng doanh thu bình quân của 1 siêu thị trong nước chỉ bằng 35% doanh thu của 1 siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp nước ngoài cũng có xu hướng khai thác những ưu thế mà doanh nghiệp Việt Nam chưa thành công.

Trong khi đó, sự liên kết của doanh nghiệp trong nước là điều kiện cần thiết để cạnh tranh thì doanh nghiệp chưa phát huy mạnh… Đó là thực tế trên thị trường bán lẻ hiện nay…

Doanh nghiệp bán lẻ "ép" nhà cung cấp

Thực tế cho thấy, nếu như trước đây các siêu thị, Trung tâm Thương mại (TTTM) tìm đến các nhà phân phối hàng hóa thì hiện nay với sự phát triển rộng khắp của hệ thống này, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã dùng vị thế vượt trội của mình để tác động đến các nhà cung ứng hàng hóa bằng cách: Ép các nhà cung cấp mua những mặt hàng hoặc dịch vụ mà họ không muốn mua. Điều này thường xảy ra khi doanh nghiệp bán lẻ lớn muốn bán hàng tồn kho cho các nhà cung cấp.

Hệ thống Saigon Co.op thu hút được số lượng lớn người tiêu dùng mua sắm, có khả năng cạnh tranh tốt với siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài.

Ép nhà cung cấp phải chịu một số chi phí bằng tiền, bằng hàng hóa hoặc dịch vụ như: Trả chi phí quảng cáo, chi phí vận chuyển tới người tiêu dùng… mà lẽ ra các chi phí này doanh nghiệp bán lẻ phải trả.

Nhà bán lẻ đưa ra những điều kiện bất lợi cho nhà cung cấp trong quá trình thực hiện giao dịch như: thanh toán chậm, trả lại sản phẩm mà không cần bất kỳ lý do nào… hay can thiệp vào việc quản lý của đơn vị cung ứng hàng hóa.

Theo nhận xét của ông Trần Vinh Nhung - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM thì: Thực tiễn tại TP HCM, phần lớn các doanh nghiêp vừa và nhỏ rất khó "chen chân" vào các siêu thị có thương hiệu.

Lĩnh vực giàu tiềm năng sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài

Trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tập trung khai thác những khu vực tiện lợi, vị trí đắc địa tại các khu vực trung tâm thì mô hình "chuỗi cửa hàng tiện lợi" được nhiều đơn vị trong nước khai thác.

Mô hình này bước đầu đạt được những hiệu quả vì được đặt dọc theo các tuyến đường đông người hoặc khu đông dân cư và mở cửa suốt 24/24h. Mô hình này được các doanh nghiệp khai thác khi mà các nhà bán lẻ nước ngoài chưa khai thác.

Với lĩnh vực kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi, nhiều chuyên gia đánh giá là lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng trên thực tế tại TP HCM thì việc áp dụng của các doanh nghiệp chưa thành công.

Trước thực tế đó, theo dự báo của Sở Công Thương TP HCM: Nhiều khả năng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia thiết lập hệ thống siêu thị, đại siêu thị bán lẻ trên địa bàn TP để hướng đến số đông người tiêu dùng. Phương thức ưu tiên có thể là mua lại hệ thống siêu thị hiện hữu để tránh các rào cản kỹ thuật về việc thành lập thêm các điểm bán lẻ, hoặc sẽ xây dựng mới ở khu vực vùng ven, ngoại thành.

Riêng chuỗi cửa hàng tiện lợi, nhiều khả năng nhà đầu tư nước ngoài sẽ thí điểm tổ chức với số lượng và theo quy mô nhỏ, tập trung ở các khu vực đầu mối giao thông để thăm dò thị trường và điều chỉnh mô hình cho phù hợp

Thúy Hà
.
.
.