Giảm tải bến xe Mỹ Đình, Hà Nội:

“Sẽ thực hiện theo lộ trình vì lợi ích của người dân chứ không phải của các nhà xe”

Thứ Ba, 09/07/2013, 08:40
Đó là lời khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ngày 8/7 tại cuộc họp bàn với các sở, ngành có liên quan nhằm tìm biện pháp dứt điểm giải quyết những tồn tại ở bến xe Mỹ Đình gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Đặc biệt, dù thời điểm doanh nghiệp (DN) vận tải đang khai thác tại Bến xe Mỹ Đình phải điều chuyển đã cận kề, nhưng hầu hết các DN đều muốn xin kéo giãn để kịp chuẩn bị.

Theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 20/7 tới đây, 359 lượt xe đang khai thác tại Bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh như Nam Định, Thái Bình Hà Nam, Hòa Bình sẽ phải điều chuyển về các bến như Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm để giảm tải cho Bến xe Mỹ Đình đang rơi vào quá tải. Nếu sau ngày 20/7, DN vận tải nào không đăng ký điều chuyển, thì Sở GTVT sẽ thực hiện điều chuyển bắt buộc.

Tuy nhiên, việc điều chuyển luồng tuyến khá đột ngột này của Sở GTVT đã gặp phải sự phản đối gay gắt của Sở GTVT các tỉnh lân cận và các DN vận tải đang khai thác tại đây. Chính sự phản đối của các DN đã khiến việc giảm tải Bến xe Mỹ Đình ngày càng phức tạp.

Sẽ điều chuyển các tuyến tại Bến xe Mỹ Đình theo lộ trình.

Tại cuộc họp ngày 8/7, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra hai phương án điều chuyển. Theo đó, phương án 1 là phương án như cũ, điều chuyển toàn bộ 359 lượt/ngày của các tỉnh Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định và Hà Nam và 52 phương tiện của 33 DN thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được cấp phép sau ngày 14/10/2009 ra khỏi bến Mỹ Đình. Phương án 2 là phương án mới được bổ sung. Cụ thể, ngoài 52 phương tiện như trên, các tuyến còn lại bắt đầu từ ngày 10/9, sẽ giảm đồng đều tần suất hoạt động của các DN với số lượng khoảng 30 lượt xe/ngày, tương đương giảm 30% công suất hiện nay. Và lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2015.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, quan điểm của Sở, việc điều chuyển của Hòa Bình về Yên Nghĩa và Hà Nam về bến Nước Ngầm, Giáp Bát là dứt khoát. Riêng Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… tự các Sở GTVT và DN vận tải cân nhắc cắt giảm số lượng, cắt theo biểu đồ. Ngoài ra sẽ tiếp tục rà soát thêm một số tuyến đi Tây Bắc: Sơn La, Lai Châu.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhận xét, phương án nào cũng có những ưu điểm và bất cập nhất định. Tuy nhiên, việc tổ chức, sắp xếp bến bãi cho các tuyến xe khách cố định là trách nhiệm của TP nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, chứ không chỉ vì lợi ích của các nhà xe. “Quá trình điều chuyển, sắp xếp phải có lộ trình để có tính khả thi bao gồm cả biện pháp trước mắt và lâu dài. Sở GTVT phải chủ trì phân tuyến mạng lưới bến xe theo quy hoạch giao thông vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Thảo khẳng định.

Theo đó, phía Bắc theo tuyến QL2, 3 dồn về phía Bắc cầu Thăng Long; phía Tây theo QL6 tất cả về Bến xe Yên Nghĩa, QL32 và đại lộ Thăng Long về Mỹ Đình. Phía Nam đưa về Giáp Bát, Nước Ngầm. Các tuyến đi theo đường mòn Hồ Chí Minh về Yên Nghĩa. “Sở GTVT tiếp tục hoàn thiện các phương án, báo cáo TP trong tuần tới và thông tin công khai chủ trương của TP. Song song với đó, việc mở rộng Bến xe Mỹ Đình vẫn thực hiện theo quy hoạch”, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu

N.Yến
.
.
.