Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng:

Không có chuyện cho phép thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ

Thứ Tư, 07/01/2015, 08:59
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, nếu chúng ta cho phép sử dụng trực tiếp đồng nhân dân tệ để thanh toán sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN và cả nền kinh tế, bởi sức mạnh và độ tin cậy của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế vẫn chưa được đánh giá cao và vẫn chưa là đồng vốn chính của các định chế tài chính lớn...

Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) vừa có kiến nghị gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với mong muốn thông qua VCCI đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thanh toán đồng nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam. PV Báo CAND đã trao đổi với Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng xung quanh đề xuất gây nhiều tranh cãi này.

PV: Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam đề xuất NHNN cho thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam?

TS Cấn Văn Lực: Theo tôi đây chưa phải là thời điểm để đặt ra vấn đề này, bởi việc thanh toán bằng đồng tiền nào trên thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu của doanh nghiệp (DN), nhu cầu của nền kinh tế và hệ thống chính sách, các quy định pháp luật hiện hành. Nếu chúng ta soi xét vào các yếu tố trên sẽ thấy đề xuất thanh toán bằng đồng nhân dân tệ tại Việt Nam là chưa có cơ sở khi mà cả DN và nền kinh tế đều chưa có nhu cầu này. Bên cạnh đó, luật pháp Việt Nam cũng chưa cho phép sử dụng đồng tiền của nước ngoài ở nước ta. Nếu muốn sử dụng, người ta phải đổi đồng tiền của nước ngoài sang tiền Việt Nam. Do vậy, không có lý do gì để chúng ta cho phép thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

TS Cấn Văn Lực.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đề xuất trên được thông qua sẽ mang lại nhiều hệ lụy nguy hiểm như việc chúng ta sẽ bị phụ thuộc lớn vào Trung Quốc cả về mặt kinh tế lẫn chính trị? Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Cấn Văn Lực: Nếu đề xuất này được thông qua, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, chúng ta không nên chính trị hóa vấn đề này khi cho rằng “đó là vi phạm chủ quyền”... Trên thực tế, kinh tế Trung Quốc đang phát triển và ngày càng khẳng định được vị thế quan trọng trên thế giới. Trong bối cảnh đó, đồng nhân dân tệ đang có khuynh hướng quốc tế hóa và nó đã được cho phép lưu hành ở một số nước. Do vậy, việc Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam đề xuất NHNN Việt Nam cho phép thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ cũng là điều dễ hiểu trong xu hướng đó. Tuy nhiên, đó chỉ là đề xuất của phía họ.

Tôi còn nhớ cách đây vài năm, phía Trung Quốc cũng đã từng đề xuất vấn đề này nhưng chúng ta đã không chấp nhận bởi nếu đề xuất trên được chấp thuận, thông qua sẽ làm hạn chế khả năng điều hành chính sách tiền tệ của ta. Nói cách khác, nếu cho thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ, ta sẽ bị động, phụ thuộc, thậm chí gặp rủi ro, thiệt hại lớn khi có biến động nhỏ với quy mô giao dịch lớn. Không chỉ thế, trật tự của thị trường cũng sẽ bị đảo lộn và đời sống của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu chúng ta không kiểm soát, quản lý được.

PV: Theo ông việc đề xuất cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam liệu có mâu thuẫn không khi mà theo lộ trình chống ngoại tệ hóa nền kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi thì trên lãnh thổ Việt Nam sẽ chỉ duy nhất sử dụng đồng tiền Việt Nam?

TS Cấn Văn Lực:  Theo quy định hiện hành, tại Việt Nam hiện nay, các ngân hàng và DN chỉ được phép thực hiện thanh toán xuất nhập khẩu bằng các đồng tiền tự do chuyển đổi, có giá trị thanh toán quốc tế như USD, Euro, Yên... theo nguyên tắc tự do hóa giao dịch vãng lai. Trong khi đó, nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền tự do chuyển đổi, chưa có giá trị thanh toán quốc tế. Do vậy, nếu chúng ta cho phép  sử dụng trực tiếp đồng nhân dân tệ để thanh toán sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN và cả nền kinh tế, bởi sức mạnh và độ tin cậy của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế vẫn chưa được đánh giá cao và vẫn chưa là đồng vốn chính của các định chế tài chính lớn trên thế giới như WB, ADB, IMF…

Mặt khác, lộ trình chống ngoại tệ hóa mà Việt Nam đang theo đuổi là trên lãnh thổ Việt Nam sẽ chỉ duy nhất sử dụng đồng tiền Việt Nam. Bằng chứng là trong 2 - 3 năm qua, NHNN đã nỗ lực loại bỏ vàng, USD ra khỏi phương tiện thanh toán, thu hẹp phạm vi cấp tín dụng bằng đồng USD để tránh tình trạng vàng hóa, đô la hóa nên chắc chắn sẽ không có chuyện NHNN cho phép nhân dân tệ hóa.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huyền Thanh
.
.
.