Sẻ chia “cây tiền tỷ” cùng nhau phát triển kinh tế

Thứ Tư, 10/06/2020, 07:57
Dưới tán rừng rậm thâm u, sâm Ngọc Linh ngày nay được ca tụng là “cây tiền tỷ” đã làm đổi thay cuộc sống của người dân trên vùng núi cao này. Người đi trước mở đường cho người đi sau, họ truyền cho nhau bí quyết cách trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh để cùng vươn lên thoát nghèo...

Xã Trà Linh, huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, ngày nay đã có những con đường bê tông uốn lượn vào đến bản làng. Những ngôi nhà kiên cố dần mọc lên giữa đại ngàn Trường Sơn, chủ nhân không còn lo sợ khi mùa mưa bão về. Hỏi từng người dân, ai cũng vui vẻ nói rằng, chính cây sâm Ngọc Linh đã cho họ cuộc sống mới no đủ hơn. Từ loài cây thuốc giấu mọc hoang dại dưới cánh rừng nguyên sinh, chỉ được người dân bản địa biết đến với tác dụng cầm máu, đi rừng bị ốm thì nhai cây sâm để chữa bệnh, nay loài cây ấy có giá trị từ 100-150  triệu đồng/kg.

Và, kể từ khi biết đến giá trị của cây sâm Ngọc Linh, người dân Trà Linh đã chọn cách ăn ngủ với rừng để bảo vệ, nhân giống loài cây quý hiếm này. Ông Nguyễn Văn Lượng (47 tuổi, nóc Măng Lùng, thôn 2, xã Trà Linh) là một trong những người đi đầu về trồng, nhân giống, bảo vệ sâm Ngọc Linh.

Ông Lượng kể rằng, năm 20 tuổi, ông đã lặn lội với núi rừng, đi tìm từng hạt giống sâm ngoài tự nhiên mang về ươm cho mọc cây và chọn những khoảnh đất mùn có tán lá che ở độ cao khoảng 1.700m trở lên để trồng. Từ năm 1990, sâm Ngọc Linh bắt đầu có giá; bà con Trà Linh lấy củ sâm đổi lấy thóc, gạo, thức ăn...

Với tính nhạy bén của mình, dù chưa biết giá trị cao từ cây sâm nhưng thấy cây sâm Ngọc Linh có tác dụng đối với sức khỏe con người, có giá trị quy đổi thành tiền nên ông đã bắt đầu tìm, trồng nhân giống sâm tự nhiên để bảo tồn và phát triển kinh tế. Năm 2000, người dân bắt đầu mua sâm tươi, ông Lượng cũng bắt đầu chọn cho mình khu vực trồng sâm tập trung dưới tán rừng. Ông mua lại sâm của người dân, tìm hạt, nhân giống.

Dần dần giá trị của cây sâm được nâng lên. Tình trạng lấy cắp cũng từ đó diễn ra. Người dân từ nơi khác cũng thường xuyên khai thác sâm rừng. Nhận thấy nguy cơ về việc mất giống sâm, ông Lượng đã thành lập chốt sâm, kêu gọi người dân cùng trồng, túc trực bảo vệ...

Sau cơn mưa chiều nặng hạt, chúng tôi được dẫn lên vườn sâm của ông Lượng.  Cả vườn sâm rộng hơn 30ha đã được dựng cổng, làm hàng rào bảo vệ. Ông Lượng bảo, để rào được vườn sâm này, ông phải mua 30 tấn lưới B40, cõng từ xã Trà Nam lên. Với suy nghĩ “giàu một mình không vui”, ông Lượng mang kinh nghiệm và sâm giống tặng cho bà con dân bản để họ cùng trồng, vươn lên làm giàu. “Mình cho bà con cây sâm, khuyến khích họ tham gia phát triển kinh tế. Mình rất vui, vì bà con tích cực chăm sóc, bảo vệ, phát triển sâm, giữ rừng, giữ giống sâm tự nhiên”, ông Lượng chia sẻ.

Tại vườn sâm của ông Lượng, giờ đây ông đang tạo công ăn việc làm cho hơn 30 người; giúp đỡ 28 hộ trồng sâm để cùng nhau bảo vệ, giúp đỡ trồng, nhân giống sâm, phát triển kinh tế. Trong số những người này, có nhiều người chỉ từ vài 3 gốc sâm xin vào chốt, giờ đây đã có riêng cho mình hàng chục gốc sâm nhiều năm tuổi từ giống sâm ông Lượng cấp và hướng dẫn kỹ thuật trồng.

“Mỗi người làm ở đây tôi trả lương 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người trong chốt tôi dựa trên năng lực, việc chăm sóc, yêu thích cây sâm có ý chí trồng sâm phát triển kinh tế tôi sẽ cấp sâm cho họ, khuyến khích bà con làm, cùng nhau phát triển kinh tế”, ông Lượng bày tỏ. Với việc hướng dẫn và hỗ trợ giống sâm của ông Lượng, nhiều hộ dân như Hồ Văn Reo (72 tuổi), Hồ Văn Đồi (44 tuổi), Hồ Văn Huy (29 tuổi) đã vươn lên thoát nghèo.

“Trước đây người dân chúng tôi ở đây rất nghèo, không có gạo ăn, phải qua Trà Cang, Kon Tum mua gạo. Được anh Lượng hỗ trợ, giúp đỡ hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm, chúng tôi cũng đã có lượng sâm kha khá, phát triển kinh tế thoát nghèo”, ông Đồi chia sẻ.

Nói về việc làm của ông Lượng, ông Trần Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, việc ông Lượng trồng, bảo vệ, hỗ trợ người dân cùng nhau nhân giống trồng sâm không chỉ giúp việc phát triển và bảo tồn nguồn giống cây sâm Ngọc Linh phục vụ cho việc phát triển vùng sâm nguyên liệu mà còn góp phần hạn chế việc phá rừng làm suy giảm môi trường thiên nhiên, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Hà Vy
.
.
.