Sẽ báo cáo Chính phủ về giá điện trong tháng 3

Thứ Ba, 03/02/2015, 09:29
Sau một khoảng thời gian ngắt quãng, chiều 2/2, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả sản xuất kinh doanh tháng đầu năm 2015 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì. Tại cuộc họp báo này, các chủ đề được quan tâm vẫn tiếp tục xoay quanh vấn đề việc tăng giá điện và giảm giá xăng dầu. Theo đó, Thứ trưởng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ về giá điện trong tháng 3 để Chính phủ quyết định.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 ước tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức chênh lệch lớn này chủ yếu do năm trước Tết Nguyên đán rơi một phần vào tháng 1, nên thời gian sản xuất năm nay nhiều hơn. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12 tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/1/2015 tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm 2014, trong đó: một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11%; sản xuất đồ uống tăng 59,5%; dệt tăng 10,1%; sản xuất trang phục tăng 24,5%; sản xuất giấy tăng 100,1%...

Bộ Công Thương cũng cho biết nguyên nhân chủ yếu do tồn kho theo kế hoạch để dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán.

Trong tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 12 năm 2014 và tăng 9,7% so với tháng 1 năm 2014, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 8,2 tỷ USD tăng 10,9%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng 12 năm 2014 và tăng 35,5% so với tháng 1 năm 2014. Nhập khẩu từ châu Á (mà chủ yếu là Trung Quốc) tăng 34,8% và chiếm  gần 81,65% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Về cán cân thương mại, tháng 1 ước nhập siêu 0,5 tỷ USD, trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,19 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 0,69 tỷ USD.

Giá điện là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của người dân, dù Chính phủ nhiều lần khẳng định không tăng trước Tết.

Về điều hành xăng dầu trong thời gian tới, khi giá thế giới vẫn đang tiếp tục đà giảm mạnh, đại diện Bộ Công Thương cho biết Chính phủ vẫn đang điều hành xăng dầu theo Nghị định 83 và giá xăng dầu trong nước vẫn đang bám sát giá thế giới. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo việc điều hành giá còn tính đến tương quan với các nước trong khu vực, không để giá trong nước rẻ hơn, biến Việt Nam thành điểm cung cấp xăng dầu lậu.

Trả lời những câu hỏi liên quan đến giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tiếp tục khẳng định lại chỉ đạo của Chính phủ sẽ không tăng từ nay đến Tết. Về mốc cụ thể, Bộ Công Thương sẽ xem xét 3 phương án EVN đề xuất và báo cáo Chính phủ trong tháng 3 để Chính phủ quyết định. Ông Hải cũng một lần nữa khẳng định, hiện EVN đang bán điện dưới giá thành, do giá hiện nay vẫn còn những khoản lỗ còn treo lại (theo Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh cho biết vào ngày 13/1 là khoảng 16.800 tỷ đồng).

Trả lời câu hỏi ai sẽ được lợi khi điện tăng giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sẽ đều hưởng lợi?! Lý giải của Thứ trưởng là do việc bán dưới giá thành khiến đầu tư vào điện không thu hút được các nguồn lực khác, nên gánh nặng đè lên vai Chính phủ, và đương nhiên những khoản lỗ treo lại cũng do Chính phủ gánh. Giá điện ở mức thấp cũng khiến Việt Nam phải tiếp nhận những công nghệ tốn điện từ nước ngoài, vô hình trung đã bao cấp điện giá rẻ cho cả các đối tượng này. Về phía người dân, tăng giá điện sẽ tạo cơ chế cho các thành phần kinh tế khác đầu tư vào điện, đẩy mạnh việc xuất hiện thị trường điện cạnh tranh làm tiền đề cho việc gia tăng chất  lượng dịch vụ. Giải được bài toán giá điện, sẽ góp phần tháo gỡ hàng loạt vấn đề trên. Tuy nhiên, ông Hải cũng không phủ nhận việc EVN phải tiếp tục minh bạch, rà soát lại giá thành, nâng cao năng suất lao động và rà soát lại quản trị doanh nghiệp.

Vũ Hân
.
.
.