Sau 18 tháng cổ phần hóa, Công ty Bánh kẹo Hải Châu lỗ 15 tỷ đồng

Thứ Ba, 18/07/2006, 08:41

Từ năm 2003, khi công ty đi vào cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh không đạt hiệu quả đã làm lỗ trên 15 tỷ đồng, chưa tính số hàng tồn kho trên 6 tỷ đồng nữa. Hàng ngàn cán bộ công nhân viên đang lo lắng cho một "thương hiệu Hải Châu sắp ra đi".

Khởi nguồn cho chuyện thua lỗ ngày hôm nay phải được tính từ năm 2001 khi Bộ NN&PTNT đồng ý cho Công ty Bánh kẹo Hải Châu đầu tư dây chuyền xưởng bánh mềm cao cấp. Tổng mức đầu tư lên tới gần 74 tỷ đồng, nhà thầu Peja (S.E.A) BV (sau đây gọi là Peja) Hà Lan trúng thầu cung cấp dây chuyền máy móc làm bánh theo yêu cầu.

Ông Phùng Thanh Bình, khi đó là Tổng Giám đốc và nay là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Châu làm Trưởng ban quản lý dự án. Tháng 5/2004, dây chuyền máy móc về đến Việt Nam và được đưa vào lắp ráp hoàn chỉnh. Tháng 5/2005 thì Bộ NN&PTNT duyệt quyết toán hoàn thành như phê duyệt đầu tư.

Nhìn vào đây thì mọi chuyện có vẻ suôn sẻ, phía Peja đã kết thúc thương vụ của mình, tiền cũng đã nhận đầy đủ, chỉ còn một khoản nhỏ để bảo lãnh, bảo hành hợp đồng mà thôi. Nhưng trên thực tế thì mọi chuyện hoá ra quá tồi tệ khi bánh mềm được làm theo dây chuyền của Peja đã không đưa vào lưu thông được.

Sản phẩm bánh mềm của Hải Châu có vị chát, cứng, nhanh hỏng và đặc biệt là bị mốc và cứng chỉ sau 2 tháng, chất lượng cực kỳ thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định là trong quá trình đầu tư, không hiểu tại sao phía Ban quản lý dự án Việt Nam đã đồng ý thay đổi một số hạng mục máy móc. Nguy hiểm nhất là thay đổi thiết bị lò nướng, thiết bị sàng rung lắc bột khô.

Thay thế cho giải pháp công nghệ rung lắc bột khô là sử dụng công nghệ bơm trực tiếp bột mềm có sử dụng phụ gia. Sự thay đổi này là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới hậu quả làm lỗ sau này vì bánh được làm bằng phụ gia không thể ngon bằng làm bằng hương liệu, vật liệu tự nhiên được. Hơn nữa, việc sử dụng công nghệ rung lắc bột khô còn khiến cho công ty có thể chủ động linh hoạt trong việc chọn lựa chủng loại bánh.

Bất chấp dây chuyền sản xuất bánh mềm còn nhiều lỗi kỹ thuật, chưa được chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh, Hải Châu vẫn hoàn thành thanh toán cho Peja. 18 tháng đi vào sản xuất sau đó, chỉ riêng dây chuyền bánh mềm này đã làm lỗ 11 tỷ đồng trong tổng số trên 15 tỷ đồng mà Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Châu bị lỗ đang định tính vào phần vốn của Nhà nước khi định giá doanh nghiệp lần 2.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra xem ai là người phải chịu trách nhiệm với hậu quả xấu đó? Tại sao dây chuyền chưa ổn định, chưa chuyển giao công nghệ mà vẫn thanh quyết toán? Ai đã đồng ý thay đổi kết cấu hạng mục máy móc? Cũng đã có thanh tra từ Tổng Công ty Mía đường I nhưng kết luận chỉ đưa ra những kiến nghị rất hời hợt, nhẹ hơn so với trách nhiệm thực tế.

Vốn Nhà nước lại bị rút ruột?

Tháng 6/2003, lần đầu tiên Công ty Bánh kẹo Hải Châu làm thủ tục chuyển đổi sang công ty cổ phần. Lúc đó, phần vốn Nhà nước trong công ty chiếm 32 tỷ đồng và được giao cho 3 người trong HĐQT nắm giữ, ông Phùng Thanh Bình với tư cách là Chủ tịch HĐQT nắm vai trò chính.

Trước tình hình thua lỗ và đặc biệt là dây chuyền bánh mềm sẽ còn tiếp tục gây lỗ lớn khi công suất máy chỉ đạt 5-8% thiết kế, trong báo cáo giải trình để xin định giá doanh nghiệp lần 2, công ty có ý đưa phần lỗ ấy cho Nhà nước phải chịu. Như thế, phần vốn Nhà nước sẽ bị giảm đi gần 1/2.

Theo các tài liệu mà chúng tôi có được, phần lỗ này không thể có căn cứ để xác định vào phần vốn Nhà nước khi doanh nghiệp yêu cầu xác định giá trị tài sản lần 2. Người nắm phần vốn Nhà nước để thất thoát không những không được tiếp tục nắm giữ phần vốn đó nữa mà còn phải xem xét trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Sẽ không có cơ hội thứ hai nào cho bất cứ ai lấy tài sản Nhà nước, mà thực chất là tiền thuế của nhân dân ra làm trò đùa

Lâm Phong
.
.
.