Dự án nhà ở 95B Đình Đông, Hai Bà Trưng, Hà Nội:

Sập bẫy "cò nhà" - lý gian nhưng tình cũng không ngay!

Thứ Năm, 15/09/2005, 13:34
Giữa lúc Hà Nội phải tiết kiệm từng mét đất xây dựng chung cư cao tầng thì hơn ngàn mét vuông đất để xây dựng khu nhà ở 95B ngõ Đình Đông, quận Hai Bà Trưng thuộc Công ty Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà lại bỏ không trong nhiều năm qua. Một số người dân khẩn thiết đề nghị Báo CAND giúp đỡ vì hàng tỷ đồng họ đã nộp cùng vài trăm triệu đồng chênh lệch phí mà bóng dáng nhà mãi chưa thấy đâu, trong khi  dấu hiệu lừa đảo thì theo họ đã lộ rất rõ.

Năm 2002, lô đất 1.240m2 tại 95B ngõ Đình Đông, quận Hai Bà Trưng thuộc Công ty VLXD và XNK Hồng Hà (Công ty VLXD - Sở Xây dựng Hà Nội) được UBND thành phố phê duyệt dự án xây nhà để bán. Theo dự án được duyệt, thì đây là khu nhà ở do Công ty VLXD tự thực hiện theo hình thức xây mới đồng bộ, hoàn chỉnh với 11 căn hộ khép kín cao 3,5 tầng. Xét về góc độ phúc lợi xã hội thì đây là một hướng cải thiện nhà ở rất sáng sủa nên nhận được sự đồng thuận của đông đảo CBCNV trong Công ty.

Nhưng vì số lượng nhà quá ít, quy chế xét duyệt được ban hành, Giám đốc Công ty VLXD sẽ xem xét duyệt đơn từng trường hợp cụ thể. Căn cứ vào đơn được phê duyệt, tài vụ Công ty làm phiếu thu trước mỗi trường hợp 1 tỷ đồng để lo giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng. Về giá cả, riêng đất được định mức 24.000.000đ/m2. Phần xây dựng, hoàn chỉnh và tiền đất thiếu thì khởi ký hợp đồng sẽ thảo luận cụ thể với khách hàng...

Trên thực tế, không biết Công ty này xét duyệt dựa trên tiêu chí gì mà sơ sơ đã thấy 3/11 trường hợp không phải cán bộ Công ty dễ dàng lọt vào vòng chung kết để được nộp tiền. Cả 3 trường hợp này đều khẳng định, để được đóng 1 tỷ đồng ban đầu đó, họ đã phải trải qua cửa ải với khoản chênh lệch từ 120 triệu đến gần 400 triệu đồng gọi là phí vào cửa. Anh chị Tiến Thủy, trú số 18A, ngách 508/91 đường Láng bức xúc kể lại: Khoảng tháng 3/2003, qua lời giới thiệu của anh Nguyễn Quốc Vinh (Vinh là em ruột ông Nguyễn Quốc Xương - Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng trực thuộc Công ty, có trụ sở tại số 3, Tân Ấp, Ba Đình, là đơn vị được giao xây dựng dự án), anh chị cùng hai người khác đã nộp ngay 3 tỷ đồng vào Công ty theo quy định để mua nhà. Nhưng anh Nguyễn Quốc Vinh yêu cầu làm đơn kèm theo khoản chênh lệch phí thì mới được phê duyệt. Đúng như đã thương thảo, sau khi hộ Tiến Thủy nộp 200 triệu đồng, hộ Lan Chiến nộp 339 triệu đồng, hộ Dương Phượng nộp 120 triệu đồng cho Nguyễn Quốc Vinh thì đơn cũng vừa hay được Giám đốc Công ty VLXD Hồng Hà, Trần Ứng Thanh phê duyệt.

Chỉ có điều, sau đó thì lẽ ra dự án được triển khai và hợp đồng quyền sở hữu những ngôi nhà đó đối với họ phải được xác lập. Nhưng 3 năm trôi qua mà sự việc cứ mờ dần rồi có xu hướng lệch sang một hướng khác. Quá bức xúc, những hộ dân trên đã hàng chục lần đến xin được làm việc với ông Vinh, ông Xương và cả ông Giám đốc Công ty, hy vọng rút được các khoản tiền đã bỏ ra theo thời giá, còn hợp đồng mua nhà bây giờ theo họ xem như là không thể. Nhưng đáp lại, phía Công ty cứ khất lần và cuối cùng những nạn nhân này phải tìm đến cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ.

Dự án đang đi về đâu?

Sau khi đưa ra hàng loạt lý do khiến dự án nhà 95B ngõ Đình Đông chậm, ông Bùi Trường Sơn - Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất và kinh doanh hàng xuất nhập khẩu (xí nghiệp thành viên) được ủy quyền của Giám đốc Công ty VLXD khẳng định với chúng tôi: Sự việc trên là có thật và ông cũng là người được giám đốc giao nhiệm vụ tham gia giải quyết. Theo ông Sơn thì dự án chậm có nguyên nhân từ khâu giải phóng mặt bằng, trong đó đến nay đường ra vào và đường thoát nước cũng còn nằm đó chờ công ty thoát nước tiến hành giải tỏa. Nhưng vấn đề không phải chỉ là chậm, mà là nó đang đi về đâu khi mà cả tập đơn của công dân tố cáo cán bộ Công ty nhận tiền chênh lệch sai quy định?

Về việc này, ông Sơn một lần nữa khẳng định Công ty chỉ bán nhà cho cán bộ công nhân viên. Nhưng vì anh Nguyễn Quốc Vinh là em ruột ông Nguyễn Quốc Xương, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng trực tiếp thực hiện dự án này đã nhận tiền chênh lệch, còn ông Trần Ứng Thanh, Giám đốc Công ty chỉ là người ký nhận tiền mua nhà của 3 hộ trên mà thôi. Vì thế, Công ty đứng ra lãnh trách nhiệm hoàn trả số tiền nộp mua nhà trước đây của họ tính theo giá vàng phù hợp với từng thời điểm.

Còn khoản chênh lệch thì những người mua nhà phải trực tiếp giải quyết với cá nhân anh Vinh. Cách lý giải vấn đề có vẻ hợp lý ấy khiến dư luận đặt dấu hỏi: Anh Vinh, ông Xương không phải là người xa lạ trong khi sự việc đó đã phát sinh mấy năm qua trong tầm quản lý của Giám đốc Trần Ứng Thanh mà lại không biết mới lạ? Việc thu chênh lệch gần một tỷ đồng là số tiền không nhỏ và có liên quan đến nhiều người thì không có lý gì mà lãnh đạo Công ty lại không nắm được!

Trong những ngày này, cán bộ công nhân viên ở đây rất bất bình không chỉ bởi những việc làm sai trái trên, mà còn ở cách giải quyết quyền lợi của những người có trách nhiệm nơi đây. Một vị cán bộ trong Công ty đau xót nói: “Tôi công tác đã mấy chục năm trời, đến căn nhà chung cư nhỏ cũng khó đến lượt, nói gì được mua căn nhà như thế. Vậy mà họ sẵn lòng bán ra ngoài, rồi gây tiếng xấu cho Công ty”. Theo dư luận quần chúng và những người bị hại, thì dự án không giữ nguyên như cũ, số tiền chênh lệch trên sau khi thu cũng đã "bổ" vào các địa chỉ hẳn hoi. Chúng tôi chưa kết luận điều đó, nhưng dấu hiệu của hành vi tiêu cực đã rõ, các nạn nhân đã có đơn đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ việc này để kịp thời thông tin đến bạn đọc.

Lời kết

Kết quả thanh tra diện rộng do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vừa qua cho thấy, rất nhiều địa phương trong cả nước đã lợi dụng việc lập dự án để biến đất công thành của riêng cần phải nghiêm túc xử lý. Màu sắc của mỗi dự án có khác nhau, nhưng tựu trung đó vẫn là "mảnh đất" tốt cho hành vi trục lợi,  các loại "cò đất" hoạt động kiếm lời bất chính. Dự án trên là một thí dụ đang thách thức cơ quan chức năng, và gây phương hại đến các hộ dân có nhu cầu về nhà ở chính đáng, rất cần phải làm rõ và xử lý nghiêm minh

Nhóm PV điều tra
.
.
.