Sản xuất trong nước bao giờ hết cảnh gia công, phụ thuộc?

Thứ Ba, 16/09/2014, 09:12
Thông tin về việc doanh nghiệp (DN) Việt Nam không đủ năng lực để cung cấp ốc vít cho Samsung mới đây đã gây sốc cho nhiều người. Tuy nhiên, đó không phải là điều gì mới mẻ đối với những người có chút hiểu biết về nền sản xuất trong nước. Từ phụ liệu may mặc, da giày đến bu lông, ốc vít ôtô, sạc máy ảnh… tất tật chúng ta đều đi nhập. Giấc mơ có sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, với giá cả đủ cạnh tranh với các nhà sản xuất hàng đầu, dù chỉ là một chiếc ốc vít, đã có từ lâu, nhưng chưa biết bao giờ thành hiện thực.

Dù mang tên là công nghiệp "hỗ trợ", nhưng thực chất đây là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển nếu không có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, bởi nó quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Trong tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định mới về công nghiệp hỗ trợ sắp được ban hành, Bộ Công Thương đã khẳng định vai trò của ngành này: Quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; tăng tính chủ động cho nền kinh tế; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Không có công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp sẽ phải lệ thuộc vào nước ngoài, chỉ là ngành gia công, lắp ráp đơn thuần với khả năng cạnh tranh rất thấp. Công nghiệp hỗ trợ là ngành bao trùm các ngành công nghiệp khác, là khu vực tạo ra rất nhiều việc làm và khuyến khích các DN vừa và nhỏ phát triển. Công nghiệp này cũng thúc đẩy chuyển giao và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, phát triển ngành này thế nào từ một nền công nghiệp manh mún như Việt Nam là một câu hỏi khó.

Doanh nghiệp trong nước loay hoay với bài toán phát triển.

Không riêng gì giấc mơ cung cấp phụ kiện cho Samsung, từ cung cấp cho ôtô đến may mặc, da giày… DN Việt Nam đều đang "bó tay". Tham gia vào thị trường muộn, thiếu tiềm lực về vốn, công nghệ, con người… để cạnh tranh với các nước đã có tiềm lực từ lâu thực sự là con đường gian nan đối với Việt Nam. Công nghiệp hỗ trợ là một lĩnh vực rộng lớn, nhưng trong hàng trăm nghìn sản phẩm, từ bu lông, đinh ốc đến bao bì, dây sạc… DN Việt Nam vẫn loay hoay chưa biết chọn sản phẩm nào để đầu tư phát triển, để tạo ra một thương hiệu Made in Việt Nam tốt  nhất thế giới.

Trong một cuộc họp với Bộ Công Thương mới đây, ông Trần Bá Dương - "ông chủ" của Trường Hải, người được xem là "ông vua" của công nghiệp ôtô trong nước đã chia sẻ những khó khăn trong phát triển công nghiệp phụ trợ cho ôtô: "Các hãng xe trên thế giới đã đến tầm cùng phát triển với DN công nghiệp phụ trợ về công nghệ. Chúng ta muốn tham gia vào chuỗi đó, có 2 hướng, thứ nhất là hỗ trợ nhà sản xuất chính; thứ hai là thông qua sự đồng ý của nhà sản xuất xe chính hãng, đàm phán để chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ công nghệ để sản xuất với họ. Nếu ngay cả công nghiệp phụ trợ cũng để các DN FDI vào Việt Nam sản xuất rồi xuất đi, thì chúng ta chẳng có gì khác ngoài nguồn lợi về thuê đất, về nhân công, đồng nghĩa không bao giờ có thứ gọi là nền sản xuất".

Với đặc tính nhỏ, yếu, không có ưu thế cạnh tranh nào cụ thể, con đường duy nhất đối với các DN Việt Nam hiện nay là liên kết. Ông Trần Bá Dương cũng nêu ví dụ về các DN láng giềng như Thái Lan, Indonesia hay Hàn Quốc. "Hàn Quốc không có các hãng xe lớn như Hyundai, Kia, Daewoo thì cũng không có công nghiệp phụ trợ. Khởi đầu của họ cũng là từ liên doanh, liên kết, sau đó có được hãng xe chính". Tuy nhiên, vấn đề lại là ai liên kết với ai, sản xuất sản phẩm gì? Cũng trong cuộc họp với Bộ Công Thương, đại diện Công ty CP Cơ khí 19-8 (chuyên sản xuất nhíp xe ôtô, tham gia vào cung cấp cho sản xuất xe tải, xe khách…) đã nêu băn khoăn: Chính phủ khuyến khích tăng cường liên kết giữa DN cung ứng và DN sản xuất, nhưng nếu không có chế tài cụ thể, rất khó để DN cung ứng như chúng tôi vào cung cấp được cho các DN ôtô lớn và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thông thường, các DN FDI có thương hiệu lớn, có kinh nghiệm nhiều sẽ thắng.

Theo ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách công nghiệp, hiện ưu đãi của Chính phủ mới dừng lại ở tài chính như về tín dụng, thuế khóa. "Tôi nghĩ là để phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung, cái quan trọng nhất là tạo được sự liên kết giữa DN FDI và DN nội địa. Đứng đằng sau DN lắp ráp là DN phụ trợ. Với trình độ của DN Việt Nam, chưa thể xếp hàng vào lớp 1, 2 được, có chăng là lớp 3, lớp 4. Chúng tôi đang nghiên cứu làm thế nào để tạo ra liên kết này. Có phải DN FDI không muốn liên kết hay không? Không phải. Vấn đề là trình độ, giá cả, công nghệ, chất lượng, giá thành sản phẩm…

Một mặt các DN phải nỗ lực nâng cao trình độ lên. Một mặt chúng tôi sẽ tham vấn các DN FDI và các DN lắp ráp để tìm ra, nếu Nhà nước hỗ trợ như thế nào thì sẽ khuyến khích liên kết". Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cũng cho biết sắp tới cơ quan chức năng sẽ đứng ra tổ chức gặp gỡ giữa các DN sản xuất ôtô lớn để đặt hàng các DN trong nước. Thêm vào đó, được biết phía Hàn Quốc đã đề nghị hỗ trợ chuyển giao miễn phí 100 công nghệ nếu phía Việt Nam đáp ứng được yêu cầu. Đây là một cơ hội hiếm có, nhưng sẽ rất đau lòng nếu DN Việt Nam thậm chí không đáp ứng đủ các yêu cầu để nhận các công nghệ chuyển giao này

V. Hân
.
.
.