Sản xuất, buôn bán các loại tem giả bị xử lý như thế nào?

Thứ Ba, 16/09/2014, 13:28
Hỏi: Thời gian qua đã xuất hiện khá nhiều trường hợp sản xuất cũng như buôn bán các loại tem giả. Vậy những trường hợp vi phạm này sẽ bị xử lý như thế nào?(Vũ Văn Công - Lạng Giang, Bắc Giang)

Trả lời:

Việc sản xuất, buôn bán các loại tem giả đang là một vấn đề hết sức nhức nhối trong xã hội hiện nay, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội.  Tùy theo tính chất và mức độ, các đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật.

Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2013 (có hiệu lực từ 1/1/2014) đã nêu rõ việc xử phạt hành chính như sau: Mức phạt tiền thấp nhất là 200.000 đồng và cao nhất là 20.000.000 đồng tùy theo số lượng tem, nhãn bao bì giả được sản xuất hoặc buôn bán (Khoản 1 Điều 15 và khoản 1 Điều 16). Mức phạt này sẽ tăng gấp hai lần nếu việc vi phạm thuộc trường hợp có hành vi nhập khẩu tem, nhãn bao bì giả hoặc trường hợp hàng giả này dùng trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh cho người, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm (Khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 16). Ngoài ra, các đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả (khoản 3, khoản 4 của Điều 15, Điều 16).

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý theo các tội danh tương xứng: Tội làm tem giả, vé giả; tội buôn bán tem giả, vé giả (Điều 164 BLHS) có mức phạt tù cao nhất đến 7 năm, và người phạm tội có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156 BLHS) có mức phạt tù cao nhất đến 15 năm và người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm

Luật sư Đào Ngọc Lý (Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý)
.
.
.