Sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai tại thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp

Thứ Sáu, 12/05/2006, 08:18

Có ít nhất 6 cán bộ (2 người từng là Chủ tịch UBND phường) bị khởi tố, tạm giam và rất nhiều cán bộ khác đã bị kỷ luật nghiêm khắc. Đây là vụ sai phạm nghiêm trọng nhất về quản lý đất đai xảy ra trên địa bàn thị xã Cao Lãnh.

Theo Thanh tra tỉnh Đồng Tháp, qua kiểm tra việc xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của 28 hộ dân tại tổ 30, khóm 3, phường 1 có dấu hiệu tự phân chia, tách thửa diện tích đất nhằm hợp thức hóa thành đất thổ cư, không nộp tiền sử dụng đất. Điều này xảy ra tại tờ bản đồ thửa số 7 và bản đồ lưới tọa độ số 17, tương đương diện tích 5.942m2 đất thổ cư.

Theo hồ sơ lưu của địa chính, trước năm 1998, phần đất này là đất lâu năm khác, đất lúa chưa được cấp GCNQSDĐ. Hiện trạng bấy giờ chỉ có 3 căn nhà (diện tích 620m2) do "chủ đất" tự cất, không nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ địa chính phường 1 là ông Nguyễn Minh Luân tham mưu, lần lượt các đời Chủ tịch UBND phường 1 là Lê Thanh Phong, Nguyễn Tuấn Kiệt và Lê Thạc Nhi hạ bút ký xác nhận và lập thủ tục, tiếp tục trình cơ quan có thẩm quyền cấp hợp thức hóa GCNQSDĐ. Việc này diễn ra từ năm 1998 đến khi vụ việc bị phát hiện tháng 8/2005.

Ông Đỗ Minh Đạo, Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Tháp, cho biết "UBND phường 1 đã thiếu kiểm tra nguồn gốc đất trong quá trình xác lập hồ sơ hợp thức hóa nên việc xác nhận này chưa đúng tinh thần các Nghị định 89 và 38 của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Địa chính. Căn cứ theo khung giá đất được ban hành tại Quyết định số 7/QĐ-UB ngày 14/1/2000 của UBND tỉnh Đồng Tháp, hành vi này đã gây thất thu tiền sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước số tiền 755.800.000 đồng".

Khu dân cư khóm 3, phường 1 được cấp có thẩm quyền quy hoạch từ năm 1984 - 1985. Đến năm 1998, khu dân cư này được điều chỉnh lần 1, đến năm 2004 điều chỉnh lần 2 và tổ chức thực hiện đền bù theo các phương án mà UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt với tổng giá trị đền bù là 20.067.049.231 đồng.

Quy hoạch khu dân cư khóm 3, phường 1, thị xã Cao Lãnh.

Qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện có 18 trường hợp (diện tích 10.723m2) lập phương án đền bù và đã chi đền bù đất thổ cư nhưng thực tế, nguồn gốc đất lại là đất khác. Theo tài liệu chúng tôi có được thể hiện, phần đất kể trên ban đầu là của 3 hộ Nguyễn Thị Nĩa, Nguyễn Văn Cồn và Nguyễn Hữu Nghĩa. Tất cả đều nằm trong phương án đền bù để xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường cấp II, III của quy hoạch được duyệt.

Vào thời điểm năm 1997, ba hộ này tự chuyển nhượng không thông qua cấp có thẩm quyền thành 18 trường hợp và các hộ này tự biến từ đất lâu năm thành đất thổ cư diện tích 2.882m2. Theo phương án bồi hoàn áp dụng theo khung giá đất được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định 90/2004/QĐ-UB ngày 21/10/2004, giá đất thổ cư là 766.000 đồng/m2, trong khi đó giá đất lâu năm khác chỉ là 91.000 đồng/m2. Kết cục từ việc đền bù sai quy định này làm cho Nhà nước bị thiệt hại 1.657.246.500 đồng.

Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trách nhiệm thuộc về ông Cao Văn Tùng - Tổ trưởng giúp việc cho Hội đồng đền bù thị xã cùng một số thành viên tổ, vì chưa hoàn thành trách nhiệm trong việc khảo sát, điều tra lập các phương án đền bù.

Với các cán bộ địa chính phường 1 là Nguyễn Minh Luân và Phan Văn Nàng, dù cả hai thừa biết rằng, việc chuyển nhượng QSDĐ giữa các hộ với nhau đều là qua giấy viết tay, chưa từng được cấp có thẩm quyền cho phép thay đổi mục đích sử dụng đất và họ cũng chưa nộp tiền sử dụng đất, nhưng cả hai vẫn xác nhận mục đích đất thổ cư.

Ông Huỳnh Văn Bình - cán bộ thuế phường 1 đã thu thuế đất ở không căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất, không có GCNQSDĐ, không có tờ khai nộp thuế, tiến hành truy thu thuế đất ở từ năm 1999 - 2002 của 9 hộ dân không có nhà ở trên đất và nộp tiền thuế ở cùng một ngày 5/2/2002. Và từ sai phạm này, Tổ chuyên môn giúp việc cho Hội đồng đền bù thị xã Cao Lãnh căn cứ vào biên lai nộp thuế đất ở lập phương án cho đền bù đất thổ cư trái quy định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền kể trên.

Cái giá đắt phải trả

Ngay sau khi khởi tố, tạm giam đối với Nguyễn Minh Luân, Phan Văn Nàng, Cao Văn Tùng, Huỳnh Văn Bình, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp cũng vừa ký quyết định khởi tố (cùng hành vi cố ý làm trái) đối với hai ông Nguyễn Tuấn Kiệt và Lê Thạc Nhi. Trước khi bị bắt, ông Kiệt là Phó Chủ tịch HĐND phường 1. Cả hai ông Nhi và ông Kiệt đều bị lãnh đạo Thị ủy ký quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng cùng ngày 14/3. Với ông Lê Thanh Phong, một cán bộ Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Cao Lãnh cho biết: "Do ông đang là Thị ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường 4, nên thuộc "người" do Tỉnh ủy quản lý. Để thuận lợi cho việc xác minh, điều tra vụ án có liên quan đến cán bộ này, ngày 14/4 vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Võ Quốc Trung cũng ký quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy viên các cấp đối với ông Phong và hiện ông Phong chỉ còn là đảng viên bình thường".

Điều mà dư luận Đồng Tháp đặc biệt quan tâm là danh sách số cán bộ có liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng kể trên bị cơ quan điều tra "sờ gáy" có dừng lại hay còn nữa. Theo lập luận của một số người dân: "Chẳng lẽ cấp xã, phường được quyền ký hợp thức hóa GCNQSDĐ?". Vì thế, "nếu chỉ truy cứu trách nhiệm của các vị cán bộ cấp xã, phường thôi thì chưa công bằng". Báo CAND sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến độc giả những diễn tiến mới nhất về vụ án này

Binh Huyền
.
.
.