SCIC mang tiền đi gửi ngân hàng lấy lãi, kinh doanh vốn liệu có đúng

Thứ Sáu, 12/04/2013, 08:37
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho biết việc SCIC gửi ngân hàng là không sai, thậm chí ông Tiến đánh giá là “tỉnh táo” để bảo toàn vốn Nhà nước... Tuy nhiên, đã có không ít ý kiến thắc mắc: trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, với sứ mệnh đầu tư, phân bổ vốn, liệu SCIC đã làm tròn sứ mệnh của mình?

Theo báo cáo của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), năm 2012, doanh thu mà SCIC đạt được là 3.888 tỷ đồng, trong đó, có tới 55% doanh thu, tương đương với 2.151 tỷ đồng, là doanh thu cổ tức; còn doanh thu bán vốn chỉ chiếm tỷ trọng 4% tổng doanh thu với giá trị 170 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch và bằng 45% so năm trước.

Một điểm đáng lưu ý đó là theo báo cáo này, năm 2012, do chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm, nên doanh thu tài chính chiếm tỷ trọng 40% trong tổng doanh thu 2012, đạt 1.568 tỷ đồng. Theo tính toán, với số tiền lãi thu về 1.568 tỷ đồng, ước tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới 19.600 tỷ đồng. Thông tin này đã gây xôn xao dư luận cách đây hơn 1 tháng khi báo cáo được đưa ra. Và một lần nữa, vấn đề mang tiền đi gửi ngân hàng lấy lãi suất của SCIC lại được xới lại tại cuộc họp báo thường kỳ về công tác thu ngân sách quý I-2013 của Bộ Tài chính. Điều đáng lưu ý là Bộ Tài chính đã đồng thuận với cách làm này của SCIC.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, nói thông tin về vụ việc là “có sự hiểu nhầm”. Theo ông Tiến, thì việc SCIC gửi ngân hàng là không sai, thậm chí ông Tiến đánh giá là “tỉnh táo” để bảo toàn vốn Nhà nước...

Tuy nhiên, đã có không ít ý kiến thắc mắc: trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, với sứ mệnh đầu tư, phân bổ vốn, nhưng SCIC lại đem tiền gửi ngân hàng, mà dòng vốn từ ngân hàng chảy ra doanh nghiệp đang khá chậm, liệu SCIC đã làm tròn sứ mệnh của mình?

Trao đổi với PV Báo CAND, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: “Việc SCIC gửi tiết kiệm lấy lãi là không sai, nhưng điều này thể hiện một cách rõ ràng họ đã không hề có kênh đầu tư nào hiệu quả. Đi kèm với điều này, cho thấy những người đang điều hành SCIC đã không thể hiện được vai trò định hướng đầu tư của Nhà nước thông qua đơn vị này. Nhà nước bơm vốn cho anh, nhưng anh đã không thể định hướng đầu tư, mà làm một việc đơn giản là mang tiền đi gửi ngân hàng, thì cần gì đến cái gọi là “Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước” nữa? Bất kỳ ai cũng có thể làm tốt việc mang tiền đi gửi ngân hàng”, ông Ánh khẳng định.

Thực ra, hoạt động gửi tiền lấy lãi tiết kiệm, hoặc đem tiền ủy thác đầu tư tại các ngân hàng (thực chất cũng là một hình thức gửi tiền lấy lãi tiết kiệm) đã được SCIC thực hiện trong nhiều năm nay. Doanh thu của SCIC hiện nay chỉ từ ba nguồn: Bán vốn nhà nước, gửi tiết kiệm ngân hàng và thu cổ tức từ doanh nghiệp SCIC giữ quyền đại diện vốn nhà nước.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ. Với chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2006, SCIC quản lý danh mục đầu tư gồm các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như: dịch vụ tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, vận tải, hàng tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin…

Với việc chỉ chiếm vỏn vẹn 4% trong tổng doanh thu năm 2012 của nhiệm vụ chính là kinh doanh bán vốn, trong khi “gửi ngân hàng lấy lãi” của SCIC cũng đã từng bị Kiểm toán Nhà nước nhận định là “chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của SCIC được Nhà nước giao”. Phía Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo SCIC công khai đâu là quỹ, đâu là hoạt động kinh doanh. Dư luận đang chờ xem SCIC “giải trình” vấn đề này như thế nào?

Lệ Thúy - Huyền Thanh
.
.
.