SAIGONTOURIST: Vung tay phung phí tiền nhà nước

Chủ Nhật, 29/05/2005, 06:48
Cơ quan thanh tra đã chính thức có kết luận về những sai phạm ở SGT và một số đơn vị có liên quan đến những sai phạm này. Theo đó, SGT phải nộp lại cho ngân sách nhà nước hơn 5,2 tỉ đồng do chi sai nguyên tắc gây thất thoát.

Trong 5 năm từ 1998 - 2003, tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản được phê duyệt của SAIGONTOURIST (Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - SGT) lên đến 909,388 tỉ đồng cho 104 công trình. Trong quá trình thực hiện, nguồn ngân sách khổng lồ này đã được SGT hạch toán hết sức tùy tiện.

Dự án đầu tư cải tạo khách sạn Đồng Khởi (Tp. HCM), SGT đã ký hợp đồng thuê tư vấn Australia nghiên cứu, khảo sát và thiết kế hệ thống kỹ thuật nhưng không hề có dự toán, không ký hợp đồng thực hiện trước khi có quyết định đầu tư! Xong việc, SGT đã thanh toán cho phía nước ngoài 72.367 USD nhưng không tổ chức nghiệm thu sản phẩm tư vấn, thanh toán tiền cũng không lập hóa đơn.

Kiểu trả tiền như “đi chợ” này lặp lại ở công trình cải tạo khách sạn EDENROCK, hợp đồng tư vấn khảo sát thiết kế và việc lập dự toán được ký khi dự án chưa hề được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thiết kế và dự toán lập ra cũng không hề được sử dụng gây lãng phí lớn, số tiền thiết kế phí chi sai phải thu về cho ngân sách Nhà nước lên đến 338.435.734 đồng!

Dự án nâng cấp cải tạo khách sạn REX ở số 126 Pasteur, Q.1 Tp. HCM, cũng trong tình trạng vừa thiết kế vừa thi công gây lãng phí 107.635.296 đồng tiền thiết kế phí.

Sai phạm nghiêm trọng thứ hai của SGT chính là việc vi phạm nguyên tắc đấu thầu các công trình. Nhiều gói thầu thuộc các dự án, công trình đầu tư có giá trị lớn trên 500 triệu đồng, trên 1 tỉ đồng, thậm chí trên 10 tỉ đồng theo quy định phải tổ chức đấu thầu, nhưng SGT lại tự quyết định giao thầu, chỉ định thầu hoặc tổ chức chào hàng cạnh tranh và mua sắm trực tiếp.

Một loạt hợp đồng lớn như hợp đồng trang bị đồ gỗ cho khách sạn Hoàn Vũ, cung cấp thiết bị cho các khách sạn Đồng Khởi, Metropole, Cửu Long, Đệ Nhất, trò chơi điện tử cho khách sạn REX, phương tiện vận chuyển cho Công ty Dịch vụ du lịch lữ hành đều được áp dụng kiểu mua sắm này.

Trong lĩnh vực tư vấn thiết kế công trình, không hề có một gói thầu nào được tổ chức đấu thầu. Trong số này có cả những gói thầu tư vấn giá trị lớn như hợp đồng thiết kế dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn trị giá 749.122.000 đồng, hợp đồng tư vấn thuê nước ngoài khảo sát và thiết kế hệ thống kỹ thuật công trình khách sạn Đồng Khởi trị giá 82.800 USD...

Trong 79 gói được tổ chức đấu thầu với tổng trị giá 224,057 tỉ đồng thì đã có tới 67 gói trị giá 187,765 tỉ đồng chiếm 83,80% được đấu thầu hạn chế (ĐTHC), chỉ có 12 gói trị giá 36,292 tỉ đồng chiếm 16,20% được đấu thầu rộng rãi (ĐTRR).

Ngay cả khi đã tổ chức ĐTRR, việc sai phạm vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Xí nghiệp Sửa chữa trang trí nội thất là đơn vị hạch toán phụ thuộc SGT, tư cách pháp nhân không đầy đủ, lại vừa là đơn vị thiết kế, lập dự toán đối với nhiều dự án công trình đấu thầu nhưng vẫn được mời tham gia đấu thầu và đã nhiều lần trúng thầu.

Đầu tư liên doanh: Càng mở rộng càng lỗ

Tính đến cuối năm 2003, SGT đã đầu tư liên doanh liên kết thành lập 27 công ty cổ phần hoặc công ty TNHH ở 15 tỉnh, thành phố, tổng số vốn đầu tư lên đến 537,755 tỉ đồng.

Đến cuối năm 2003, trong số 19 liên doanh còn hoạt động thì 4 liên doanh lâm vào tình trạng thua lỗ nặng, 1 liên doanh nằm trong tình trạng buộc phải giải thể và 3 đơn vị khác mới được thành lập hoặc đang xây dựng chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong nhiều liên doanh, kết quả thanh kiểm tra đã cho thấy có một độ chênh rất lớn về số vốn mà SGT đóng góp. Trên sổ kế toán của Công ty Cổ phần du lịch Bình Châu, phần vốn góp của SGT là 23,5558 tỉ đồng. Thế nhưng trên sổ kế toán của SGT phần góp này chỉ là 16,0558 tỉ, chênh lệch những 7,5 tỉ đồng.

Trong liên doanh với Công ty Địa ốc Sài Gòn M&C, bản điều lệ cũng chỉ thể hiện SGT góp 9,9 triệu USD giá trị thương quyền sử dụng lô đất góp vốn, còn 6,6 triệu USD là giá trị phần móng công trình và một số chi phí khác mà SGT đã góp thì vẫn chẳng thấy ghi! Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C mới thành lập, chưa đi vào hoạt động, các cổ đông đã nhanh nhảu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp điều này trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.--PageBreak--

Tại Liên doanh khách sạn Hồng Hà, được thuê đất trong 20 năm, thay vì mở rộng khách sạn Sài gòn - Hà Nội theo tiến độ 12 tháng đã được UBND Tp. Hà Nội phê duyệt, liên doanh lại đem 261m2 đất này đi... cho thuê lại.

Liên doanh trong nước đã lỗ, liên doanh với nước ngoài càng xập xệ và lỗ nặng hơn. Tổng cộng, SGT góp vốn với các đối tác nước ngoài liên doanh kinh doanh tại Việt Nam 55.306.311 USD. Trong số này đã có tới 45.380.606 USD góp bằng quyền sử dụng đất.

Sau một thời gian hoạt động, hầu hết các liên doanh đều phải vay nợ nhiều, số dư nợ vay lớn, lãi suất cao, hàng năm phải trả nợ vay và trả nợ tiền vay lớn. Có 8 liên doanh đang hoạt động với số vốn pháp định là 156.854.872 USD hiện đang phải "bơi" trong số lỗ lũy kế hơn 37 triệu USD; 7 liên doanh khác với số vốn gần 126,5 triệu USD đã và đang làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hoặc giải thể!

Tháng 5/2001, trong khi Công ty Yasaka Nhật Bản còn nợ 61.889 USD chưa trả, không hiểu sao SGT lại nhanh nhảu chuyển 66.862 USD cho đối tác này. Mãi 6 tháng sau, tháng 11/2001, phía đối tác mới chuyển lại 4.973 USD tiền thừa cho SGT.

Theo thỏa thuận, gộp chung lỗ lãi, phía Nhật Bản phải trả cho SGT mỗi năm 2 lần, mỗi lần 588.235 yên và phải trả trong 8 năm rưỡi, gọi là tiền khấu hao, không tính lãi. Nhưng trong thực tế, việc trả tiền cũng mới chỉ thực hiện được 2 lần, dù việc liên doanh đã kéo dài gần 3 năm.

Theo biên bản thỏa thuận, từ tháng 3/2002 – 3/2004, phía Nhật phải trả cho chi phí hoạt động của SGT tại Văn phòng đại diện ở Nhật 1.000 USD/tháng, tổng cộng 24.000 USD. Thế nhưng, trong sổ sách hạch toán của SGT, số tiền này hoàn toàn mất dạng!

Đầu tư sang Đức cũng chẳng khá hơn. Vốn đã rót đi, nhưng đến tháng 6/2004, việc kinh doanh lữ hành và du lịch lữ hành tại Đức của SGT vẫn chưa hoạt động được vì đối tác không chịu thực hiện việc xin Chính phủ Đức cấp visa cho người của SGT.

Nhà hàng của liên doanh đặt tại Đức hoạt động đã 15 tháng nhưng SGT vẫn chưa hề nhận được một đồng tiền lãi, chỉ được đối tác trả vốn gốc một cách nhỏ giọt và thường xuyên chậm từ 2 - 4 tháng so với thỏa thuận.

Việc cho thuê tài sản, SGT cũng tỏ ra... rất thoáng. Không chỉ cho Doanh nghiệp tư nhân Cánh Buồm thuê 6.342m2 đất với giá rẻ bất ngờ là 2.500 USD/tháng, SGT còn hào phóng để cho doanh nghiệp này thanh toán chậm từ tháng 10/2001 -  3/2004. 1.180 USD tiền phạt do doanh nghiệp chậm thanh toán, SGT cũng lờ luôn, không thu.

Năm 2000, SGT cho thuê khách sạn Kim Thành, Q.5 với hợp đồng 54 triệu đồng/tháng cho 2 năm đầu, sau đó tăng 6 triệu đồng/tháng cho mỗi 2 năm tiếp theo. Hợp đồng ký xong là quên, sau bao nhiêu năm SGT vẫn chỉ thu 54 triệu đồng/tháng...

Toàn bộ kết quả thanh tra và kết quả kiểm điểm tại SGT xử lý sau thanh tra cũng được UBND Tp. HCM trình lên Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến xử lý các sai phạm. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và những người có liên quan qua các thời kỳ của SGT, từ đó có biện pháp kỷ luật cụ thể và thỏa đáng chứ không chỉ phê bình chung chung.

Đối với một số hạng mục công trình đầu tư có dấu hiệu sai phạm  nghiêm trọng Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND Tp. HCM chủ trì và mời Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Nhà nước phối hợp để bàn thống nhất biện pháp xử lý

Nguyễn Hồng Lam
.
.
.