SABECO bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng từ hợp đồng nhập khẩu

Thứ Sáu, 20/04/2012, 09:58
Tổng Giám đốc SABECO ký hợp đồng mua Malt với các nhà cung cấp quy định giá mua không đổi kéo dài từ 3-4 năm và trong khi Nghị quyết HĐQT SABECO quy định giá mua Malt chỉ ký hợp đồng cho 1 năm. Việc ký hợp đồng quy định giá mua với thời gian dài này dẫn đến việc SABECO mất hàng trăm tỷ đồng khi giá Malt trên thị trường giảm.
>> Cần đẩy nhanh tiến độ điều tra những sai phạm tại SABECO

Những hợp đồng làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Hiện nay, trên cả nước có 24 nhà máy sản xuất bia lấy thương hiệu bia Sài Gòn và SABECO cung ứng toàn bộ nguyên liệu, vật liệu chính gồm Malt, Houblon (chiếm 90% giá trị nguyên liệu phải nhập khẩu), lon nhôm, thùng, nút và nhãn; các nguyên liệu phụ khác giao cho các đơn vị tự thực hiện.

Về việc này các công ty thành viên, công ty cổ phần bia có văn bản kiến nghị gửi SABECO đề nghị được chủ động nhập, mua các nguyên liệu chính này vì giá thấp hơn, chất lượng tốt hơn so với nguyên liệu do SABECO cung cấp nhưng không được chấp nhận.

Giá Malt do SABECO cung cấp cho các nhà máy sản xuất bia trong năm 2009 là 12.090 đồng/kg, trong khi giá Malt cùng loại, cùng thời điểm được Công ty cổ phần Bia Sài Gòn miền Tây báo cáo SABECO được mua có 10.236 đồng/kg, chênh lệch giảm 1.854 đồng/kg, nên với tổng số lượng Malt trong năm SABECO cung cấp là 114.500 tấn thì số tiền chênh lệch tăng so với giá của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn miền Tây là 212,283 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc SABECO ký hợp đồng mua Malt với các nhà cung cấp quy định giá mua không đổi kéo dài từ 3-4 năm và trong khi Nghị quyết HĐQT SABECO quy định giá mua Malt chỉ ký hợp đồng cho 1 năm. Việc ký hợp đồng quy định giá mua với thời gian dài này dẫn đến việc SABECO mất hàng trăm tỷ đồng khi giá Malt trên thị trường giảm.

Giá Houblon cao do SABECO cung cấp cho các nhà máy trong năm 2009 là 6.046.296 đồng/kg trong khi giá Houblon cao cùng loại, cùng thời điểm do Công ty cổ phần Bia Sài Gòn miền Tây báo cáo SABECO được mua có 3.230.350 đồng/kg; chênh lệch giảm 2.815.946 đồng/kg nên với tổng  lượng Houblon cao SABECO nhập trong năm là 36.500 kga thì số tiền chênh lệch tăng so với giá của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn miền Tây là 102,782 tỷ đồng. Việc SABECO mua Houblon viên được tính tương tự cũng có chênh lệch là 45,662 tỷ đồng (19.500 kg x 2.341.683 đồng).

Như vậy, việc SABECO mua 2 loại nguyên liệu này phát sinh chênh lệch tăng so với giá mua do Công ty cổ phần Bia Sài Gòn miền Tây đề xuất số tiền 360,727 tỷ đồng.

Về chất lượng Malt, Houblon; Ban kiểm soát chất lượng SABECO xác nhận từ tháng 1 đến tháng 10/2010 trung bình có khoảng 15% khối lượng hàng nhập không đạt các tiêu chuẩn về chỉ tiêu do SABECO đề ra như độ ẩm, pH, kolbach, cỡ hạt, protein hòa tan… phải xử lý trong quá trình nấu thì Malt, Houblon mới đạt yêu cầu kỹ thuật nhưng SABECO không có biện pháp xử lý kỹ thuật và không phạt các nhà cung cấp theo quy định tại Điều 11.3 của hợp đồng “nếu lô hàng không đạt một số chỉ tiêu nhưng SABECO vẫn có thể sử dụng được thì bên bán chịu phạt 0,5% giá trị lô hàng cho một chỉ tiêu không đạt” có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bia và làm lợi cho nhà máy cung cấp.

Thiệt hại 9,6 triệu USD từ việc ký hợp đồng mua vỏ lon bia

Trong các năm 2006, 2007, SABECO ký hợp đồng mua vỏ lon bia với Crown Saigon và Crown Hà Nội (cùng một nhà cung cấp) cùng một giá là 84,8 USD/1.000 bộ lon; nhưng cùng ngày 18/9/2008, SABECO đã ký 2 hợp đồng với nhà cung cấp này với giá và điều kiện khác nhau:

Hợp đồng số CrownHaNoi/SABECO No: 02, do Tổng Giám đốc SABECO ký với Crown Hà Nội mua 20 triệu bộ lon với trị giá hợp đồng là 2.232.000 USD (106 USD/1.000 bộ lon) đã quy định tại Điều 6 của hợp đồng là được phép điều chỉnh giá mua khi giá thị trường giảm nên khi giá thị trường giảm hợp đồng này được điều chỉnh giảm giá trị còn 1.628.000 USD; giá mua thực tế giảm còn 74 USD/1.000 bộ lon (giảm 32 USD/1.000 bộ lon).

Hợp đồng số CrownSaiGon/SABECO No: 098, do Tổng Giám đốc SABECO ký với Crown SaiGon mua 400 triệu bộ lon với trị giá hợp đồng là 43.120.000 USD (98 USD/1.000 bộ lon) nhưng lại bỏ quy định tại Điều 6 của hợp đồng nên khi giá thị trường giảm SABECO không được điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng. Căn cứ vào mức giảm giá tại Hợp đồng số 02 thì Tổng số tiền SABECO không được giảm (thiệt hại) của hợp đồng này là 9,6 triệu USD.

Các hợp đồng mua nguyên liệu ký giữa SABECO và các công ty trong nước (Công ty TNHH Thái Tân, Công ty TNHH Thanh Tùng… đứng ra nhập nguyên liệu từ nước ngoài về bán lại cho SABECO) quy định dùng USD để thanh toán (không sử dụng đồng Việt Nam) và đơn giá này không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng là không đúng với quy định về việc sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, quy định tại Điều 29, Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ.

Từ số liệu trên thấy việc ký kết, thực hiện các hợp đồng kinh tế, công tác quản lý vốn, tài sản Nhà nước, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư và sự chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Ban điều hành SABECO có nhiều khuyết  điểm, vi phạm cần phải được tiến hành thanh tra, điều tra toàn diện để kết luận đúng sai và kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định.

 

Luật sư Thái Văn Chung.

Luật sư Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM: Biết mà không khắc phục đó là dấu hiệu cố ý làm trái

Dưới góc độ nhà quản trị doanh nghiệp, ai cũng biết việc thu mua nguyên liệu sử dụng cho sản xuất kinh doanh phải được ký dưới dạng hợp đồng mở, tức giá cả phải được điều chỉnh khi giá thị trường lên, xuống.

Ở vụ việc này, Tổng Giám đốc SABECO Nguyễn Quang Minh đã biết và đã được cảnh báo về tình trạng biến động giá nguyên liệu mà không có biện pháp khắc phục ngay thì đó đã cấu thành dấu hiệu “Cố ý làm trái gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước”. Khởi tố vụ án, cơ quan điều tra đã nhận định có dấu hiệu phạm tội.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ xem xét trách nhiệm những người liên quan, phát hiện cá nhân nào sai phạm cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can với cá nhân đó. Việc người điều hành DN sai phạm ở vụ việc này đã có dấu hiệu khá rõ, dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nhanh chóng làm rõ và đưa ra kết luận cụ thể. (PV)

Nhóm PV pháp luật
.
.
.