Rủi to khi tích trữ đô la theo tin đồn

Thứ Năm, 23/04/2009, 09:56
Theo Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sốt đô la do tâm lý người dân dẫn tới thị trường tự do tự hình thành như thế và không duy trì được lâu. Ông cho rằng, nếu người dân tích trữ đô la vì tin đồn chịu rủi ro cao.

Tỷ giá đô la trên thị trường "chợ đen" (thị trường tự do) những ngày qua liên tục biến động, có thời điểm giá bị đẩy lên trên 18.300 đồng/USD, cao hơn 500 - 700 đồng/USD so giá niêm yết cùng thời điểm tại các ngân hàng và cao khoảng 1.200 đến 1.400 đồng/USD so tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng.

Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nhiều người dân đã tích trữ đô la vì tin đồn, điều này đồng nghĩa tính rủi ro cao.

- Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn tới cơn sốt đô la nói trên?

Thứ nhất, do cung cầu có những diễn biến, nguồn cầu tăng, người dân tích trữ, thu mua đô la nhiều hơn. Thứ hai, kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu khôi phục, nhích lên, tác động đến thị trường ngoại tệ. Vừa qua, chúng ta cũng nâng biên độ tỷ giá đồng đô la từ 3% lên 5%. Thứ ba, cũng là cái quan trọng nhất, đó là về phía thị trường. Gần đây, tâm lý người dân muốn dự trữ đô la thay dự trữ vàng, tích trữ để hy vọng kiếm lời dẫn đến tỷ giá biến động mạnh như hiện nay.

Như vậy, việc tỷ giá đô la lên cao chủ yếu do sức ép tâm lý. Về tỷ giá đô la theo công bố của các ngân hàng thì không có nhiều thay đổi.

- Như vậy đây là sốt ảo?

Cũng không nên gọi sốt ảo. Thực tế tỷ giá đô la tăng không phải theo công bố chính thống của ngân hàng mà do thị trường tự do tự tạo như vậy. Nếu tỷ giá biến động không có lợi, Nhà nước sẽ can thiệp.

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cho biết sẽ có biện pháp chặn cơn sốt đô la trên thị trường tự do. Theo ông, với diễn biến như hiện nay, ngân hàng có thể làm tốt việc này không?

Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo, đồng thời như Thủ tướng vừa tuyên bố tại hội nghị ngày 20/4 là Nhà nước sẽ có biện pháp phù hợp đảm bảo đồng đô la ổn định chứ không có vấn đề gì phải lo lắng.

Hiện nay, trên bình diện chung, cung cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn cân đối và cán cân thanh toán của Việt Nam được duy trì đảm bảo. Bên cạnh đó, nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức an toàn, đủ khả năng cung cấp ngoại tệ và đảm bảo nguồn cung ổn định. Thực tế, Việt Nam không gặp khó khăn về dự trữ ngoại tệ, đảm bảo đủ khả năng thanh toán, cần thận trọng trước một số tin không chính thống về vấn đề này.

- Năm 2008, thị trường ngoại tệ cũng chứng kiến cơn sốt, có thời điểm đô la thị trường "chợ đen" bị đẩy lên mức gần 20.000 đồng/USD nhưng sau đó đã hạ nhiệt mạnh, xuống mức rất thấp (16.500 đồng/USD). Điều này cho thấy thị trường tự do chỉ biến động nhất thời và nhiều người dân bị rủi ro cao do tâm lý mua đô la tích trữ?

Đúng như vậy. Như tôi đã nói, sốt do tâm lý người dân dẫn tới thị trường tự do tự hình thành như thế và không duy trì được lâu. Khi điều này không còn, thị trường sẽ trở lại ổn định như ban đầu. Việc nhiều người chạy theo tin đồn, đi mua, tích trữ đô la do tâm lý thì tính rủi ro sẽ cao.

- Giá đô la tăng cao có tác động mạnh đến thị trường trong nước, thưa ông?

Tôi cho rằng không có nhiều tác động vì đồng Việt Nam hiện giữ giá tốt và cán cân thanh toán đảm bảo.

- Xin cảm ơn ông!

"Hiện nay, dự trữ ngoại hối quốc gia không thay đổi, chúng ta xuất siêu, quản lý Nhà nước về ngoại hối chúng ta cũng ban hành đầy đủ các văn bản. Nhưng khi thực thi trong cuộc sống, có những diễn biến không phù hợp với pháp luật chưa được nghiêm trị. Sắp tới chúng tôi sẽ có biện pháp quyết liệt hơn.

Ví dụ, trong hệ thống ngân hàng, nếu các đại lý, bàn thu đổi ngoại tệ nào không thực hiện đúng theo Quyết định 21 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì tới đây tôi sẽ buộc thu hồi ngay giấy phép hoạt động. Đồng thời, giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại nơi cấp giấy phép đó sai thì cũng sẽ bị xử lý" - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Đăng Trường
.
.
.