Rau quả trước nguy cơ "hết đường" vào thị trường EU

Thứ Ba, 10/04/2012, 09:15
Rau quả Việt Nam đang được xuất khẩu đi 55 thị trường, EU hiện là một trong 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam. Thêm vào đó, hàng xuất vào thị trường này có mức giá rất tốt. Mất thị trường EU là một tương lai không hề “mong đợi” đối với ngành sản xuất rau quả, chưa kể đến việc sau này mở lại thị trường là rất khó khăn.

Dù vào tháng 1, Tổng vụ sức khỏe người tiêu dùng của EU đã ra cảnh báo nếu rau quả của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này bị phát hiện thêm 5 lần vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật thì sẽ ngưng nhập khẩu toàn bộ mặt hàng này, và Bộ NN&PTNT cũng lập tức có công điện khẩn cảnh báo. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã có thêm 3 lô hàng của chúng ta vi phạm. Chỉ cần 2 sơ suất nữa thôi, rau quả Việt Nam sẽ mất hẳn một thị trường nhập khẩu với giá cao, trong khi việc tránh vi phạm là rất khó khăn.

Chiều 9/4, trong cuộc họp báo quý I của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Nguyên nhân tại sao dù đã cảnh báo mà DN trong nước vẫn liên tục phạm phải? Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết  “Từ tháng 8/2011, Cục đã họp khẩn với trên 160 DN xuất khẩu đi EU để các DN biết tình hình. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay đã có 3 lô hàng vi phạm, gần nhất là trong tháng 3, với lô hàng XK bằng đường hàng không sang Anh” - ông Hồng cho biết.

Khác với kiểm định an toàn thực phẩm, có dư lượng cho phép nhất định, việc phát hiện đối tượng cấm ở bất kỳ giai đoạn nào trên 1 cá thể nào cũng có thể bị trả lại cả lô hàng. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện, rau quả Việt Nam đang được xuất khẩu đi 55 thị trường, EU hiện là một trong 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam. Thêm vào đó, hàng xuất vào thị trường này có mức giá rất tốt. Mất thị trường EU là một tương lai không hề “mong đợi” đối với ngành sản xuất rau quả, chưa kể đến việc sau này mở lại thị trường là rất khó khăn.

Doanh nghiệp cần ý thức được các điều kiện ngặt nghèo khi xuất khẩu vào EU.

Được biết, ngay sau khi có tin tiếp tục phát hiện những lô hàng không đảm bảo, Cục BVTV đã thành lập 1 đoàn thanh tra khẩn để kiểm tra toàn bộ quá trình kiểm dịch, xem vi phạm ở khâu nào, do kỹ thuật cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, do mình chưa đủ trình độ để phát hiện, hay do những lý do khác như DN vi phạm… Hiện đoàn vẫn đang làm việc tại các cảng xuất hàng, chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh. Hàng rào kỹ thuật cũng đã được tăng cường. Trước kia, việc ký giấy kiểm dịch thực vật được phân cấp cho Chi cục trưởng kiểm dịch các địa phương. Tuy nhiên, để đề phòng rủi ro, Cục BTVT đã yêu cầu tất cả các giấy kiểm dịch xuất hàng đi EU đều phải được lãnh đạo Cục cho phép. Đồng thời, 15 mặt hàng rất dễ nhiễm khuẩn theo cảnh báo của EU cũng đã được thông tin đến các DN bao gồm: Cần tây, ngò gai, cà tím, cà pháo, rau răm, khổ qua (mướp đặc), mận (roi), ổi, cam, chanh, xoài, mãng cầu; các loại rau như lá lốt, lá mơ, ngò, kinh giới, húng lừu, gấc, chè tươi, ngải cứu, lá lốt, xương xông, quả họ mận, dâu tây…

Nhiều DN đã bị tạm ngưng cấp giấy phép xuất khẩu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là biện pháp đối phó trước mắt. Vấn đề ở chỗ, tìm một biện pháp căn cơ là rất khó. “Đây là bài toán nan giải với các DN XK rau quả của Việt Nam, bởi cả 5 loại vi khuẩn EU đưa ra như: bọ trĩ, bọ phấn, ruồi đục lá, vi khuẩn gây bệnh sẹo cam quýt… không có ở châu Âu, nhưng lại phổ biến ở Việt Nam”. Cục BVTV đã cảnh báo các địa phương về vấn đề này từ tháng 6 năm ngoái, nhưng địa phương cũng bó tay, chưa biết thực hiện cách nào.

“Để đảm bảo ATTP trên rau quả tươi thì khâu sản xuất phải đảm bảo, trong đó cần thiết phải nhân rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, áp dụng tiêu chuẩn GAP. Song, muốn làm được, thì trực tiếp các địa phương phải vào cuộc, vì địa phương mới là nơi sản xuất rau quả, và phải làm lâu dài, không thể một sớm một chiều” – ông Nguyễn Văn Kỳ cho biết. Vấn đề mấu chốt hiện nay là các DN phải ý thức được nguy cơ mà mình sẽ gặp phải để tránh. Việc xuất hàng đi phải kiểm tra rất kỹ các yếu tố có thể vi phạm mà đối tác đã cảnh báo, bởi nếu hàng bị trả lại, không những thiệt hại cho DN mà còn thiệt hại cho cả nền sản xuất

Hân Yến
.
.
.