Ngành Hàng không, đường sắt phục vụ Tết:

Quyết ngăn chặn tình trạng đầu cơ, khan hiếm vé giả tạo

Thứ Bảy, 21/12/2013, 09:01
Nghỉ Tết, ai cũng muốn về sum họp cùng gia đình. Thế nhưng, câu chuyện đi lại bằng phương tiện gì luôn khiến người dân đau đầu. Nếu đi xe khách thì gặp cảnh tăng giá, ép khách. Nếu chọn đường sắt, hàng không thì sẽ gặp cảnh khan hiếm, thậm chí khó mua được ngày như mình mong muốn, hoặc cám cảnh hơn nữa là mất tiền mua phải vé giả. Năm nay, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, cả ngành Đường sắt, Hàng không đều tung chiến dịch bán vé sớm, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp siết tình trạng đầu cơ từ các đại lý, ngăn tình trạng khan hiếm vé giả tạo.

Hàng không: Số lượng vé còn nhiều để phục vụ khách

Để đảm bảo người dân có thể tiếp cận nguồn vé Tết, các hãng hàng không đã thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phòng vé và các đại lý chính thức của hãng để hành khách cập nhật tình hình mở bán vé Tết nhằm tránh việc căng thẳng, quá tải tại sân bay, bến xe đồng thời tiết kiệm các chi phí qua các chương trình bán vé giá thấp, khuyến mãi.

Theo ông Nguyễn Đình Tăng, Phó trưởng Ban Dịch vụ thị trường Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), trong giai đoạn cao điểm Tết, lịch bay nội địa của Vietnam Airlines tăng 1.344 chuyến bay. Tổng số chuyến bay là hơn 9.300 chuyến (tăng 27% so với Tết 2012) với tổng số ghế cung ứng là hơn 1,5 triệu ghế. "Các đường bay tăng nhiều nhất vẫn là các mạng bay nội địa trục chính Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh", ông Tăng cho hay.

Ngành Hàng không, Đường sắt cam kết phục vụ tốt nhất hành khách đi lại trong dịp Tết. Ảnh: Duy Hiển.

Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hãng đã mở bán vé Tết kể từ tháng 9 trên các đường bay nội địa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khách chủ yếu mua vé sớm trên đường bay TP Hồ Chí Minh - Vinh, Hải Phòng còn đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội chưa nhiều do cung ứng lớn nên khách chưa vội mua.

Cụ thể, thống kê của hãng Jetstar cho thấy, tổng số chỗ cung ứng trong hai giai đoạn (từ 15 đến 30/1 và từ 31/1 đến 16/2) lên đến 112.000 chỗ/chiều (tương đương 3.700 chỗ/ngày/chiều), tổng tải cung ứng trong dịp Tết năm 2014 tăng khoảng 12% so với năm ngoái. "Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình đặt chỗ trong dịp cao điểm Tết năm nay không quá căng thẳng, số lượng chỗ vẫn còn nhiều để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách", ông Tuấn Anh cho biết.

Ngành Hàng không, Đường sắt cam kết phục vụ tốt nhất hành khách đi lại trong dịp Tết.

Nhằm ngăn chặn các hành vi đầu cơ vé bán lại với giá cao của các đại lý, cá nhân, nhiều hãng đã có các biện pháp như: mở bán vé chiều cao điểm sát với giá trần, số lượng vé được kiểm soát và mở bán nhiều đợt mang đến cơ hội cho khách, thời gian đặt chỗ trong vòng 24 giờ và không được phép đổi tên khách trong tình trạng thanh toán sau nhằm hạn chế những khách hàng ảo, giảm thiểu tối đa tình trạng khan hiếm vé giả tạo và đầu cơ từ phía các đại lý.

Ngoài ra, các hãng hàng không cũng giữ lại một số lượng chỗ nhất định trên các chuyến bay chiều ngày 30 Tết (30/1/2014) để giải quyết cho những khách bị chậm chuyến từ các chuyến bay trước vì nhiều lý do được bay nhằm đảm bảo những hành khách này kịp về quê hương đón Tết. Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng đưa ra khuyến cáo đối với khách hàng nên liên hệ mua vé trực tiếp qua website, tổng đài phục vụ khách, phòng vé, đại lý chính thức của hãng và kiểm tra thông tin đặt chỗ qua hãng để tránh bị kẻ xấu lừa đảo.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, các hãng hàng không vẫn chưa thiết lập hoặc công bố đường dây nóng của lãnh đạo thông qua Trung tâm thông tin phản hồi nhằm hỗ trợ và giải quyết những khiếu nại hay phản ánh chất lượng dịch vụ của từng hãng. Do đó, các đơn vị cần sớm thực hiện để có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đường sắt: Nhiễu loạn thông tin từ website bán vé tàu giả

Chỉ cần lướt Internet vài phút, hành khách có thể tra cứu nhiều website đăng tải những thông tin về vé tàu, mác tàu, ngày giờ đi đến của các đoàn tàu... Các website này không đề rõ đơn vị chủ quản mà chỉ đăng tải thông tin về số điện thoại hotline (đường dây nóng), thậm chí cả địa chỉ của... ga Hà Nội, cốt để bán vé là chính. Chính sự lập lờ về địa chỉ, tên website đã khiến hành khách tưởng nhầm đây là website của ngành Đường sắt.

Về tình trạng này, ông Vũ Đình Rậu, Trưởng ga Hà Nội bức xúc, các trang web trên đăng thông tin về giá vé không đúng quy định của ngành Đường sắt, làm nhiễu các thông tin do Đường sắt Việt Nam, Công ty VTHKĐS Hà Nội và của ga Hà Nội ban hành. Nhưng thiệt hại lớn nhất vẫn là hành khách do nắm thông tin sai lệch nên đã mua vé với giá cao hơn, thậm chí mua vé không đúng chuyến tàu. Theo thống kê, nhiều website đang núp dưới danh nghĩa bán vé tàu, lập lờ kiểu này như duongsatvietnam.com có địa chỉ và điện thoại giao dịch tại 120 đường Lê Duẩn, số điện thoại 043.8770298. Trang dailyvetau.com.vn có địa chỉ và điện thoại giao dịch 27B Tức Mạc, số điện thoại 043.9262730. Và vetau24h.com có địa chỉ và điện thoại giao dịch 11 Lý Thường Kiệt, Hà Nội số điện thoại 048. 5828075. Ông Rậu cũng khẳng định, các website này không thuộc sự quản lý của ngành Đường sắt.

Ga Hà Nội cũng không ký hợp đồng với các website này để bán vé và cũng không rõ các website này lấy nguồn vé từ đâu để bán cho hành khách. Việc các website quảng cáo các dịch vụ bán vé tàu hoả đăng thông tin, hình ảnh của ga Hà Nội, của ngành Đường sắt đã khiến hành khách hiểu lầm các đơn vị đó là những địa điểm mua bán vé hợp pháp. “Hiện ga Hà Nội đã báo cáo sự việc lên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để có hướng xử lý”- ông Rậu nói. Được biết, hiện các điểm quầy bán ở nhà ga vẫn còn hơn 9.000 vé chiều từ Sài Gòn - Hà Nội trước Tết và 18.800 vé chiều từ Hà Nội - Sài Gòn sau Tết

Đặng Nhật
.
.
.