Quyết liệt ngăn chặn rượu, thuốc lá lậu

Thứ Hai, 06/12/2010, 15:17
Lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV đã có kế hoạch phối hợp với Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường "kiểm diện" các vùng nóng về buôn lậu trước thềm Tết Nguyên đán Tân Mão. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị định 76/2010 với mức xử phạt khá nặng đối với rượu ngoại và thuốc lá ngoại nhập lậu.

Tăng mức phạt với rượu và thuốc lá nhập lậu

Như thường lệ, 4 vùng nóng về buôn lậu lại sôi động trước thềm Tết Nguyên đán: vùng biên giới phía Tây Bắc, biên giới Đông Bắc, biên giới miền Trung và biên giới Tây Nam bộ. Năm nay, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2010 sửa đổi, bổ sung điều 11 của Nghị định 06/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá với quy định khá chặt chẽ, với mức phạt nặng.

Cụ thể, đối với rượu nhập lậu, nếu sản xuất, kinh doanh số lượng có giá trị đến 100 triệu đồng thì bị xử phạt hành chính, mức phạt cao nhất 100 triệu đồng. Đối với vi phạm có trị giá rượu nhập lậu từ 100 triệu đồng trở lên thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự mà chuyển sang xử phạt vi phạm hành chính thì mức xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền là 100 triệu đồng.

Đối với thuốc lá, mức phạt tối đa 100 triệu đồng đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng  trữ thuốc lá ngoại có số lượng đến 1.500 bao. Đối với hành vi vi phạm có số lượng thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự mà chuyển sang xử phạt vi phạm hành chính thì mức xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền là 100 triệu đồng.

Như vậy, định lượng để xử lý hình sự đối với rượu nhập lậu không tính bằng chai mà bằng giá trị tiền (từ 100 triệu đồng), trong khi với thuốc lá tính bằng số lượng (từ 1.500 bao). Đây được xem là sự điều chỉnh cần thiết để cơ quan bảo vệ pháp luật thuận tiện khi áp dụng xử lý hành chính hay hình sự, căn cứ giá trị hoặc số lượng tang vật phạm pháp.

Rượu ngoại và thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn là hai mặt hàng bị làm giả và nhập lậu nóng nhất, đặc biệt dịp Tết. Khu vực biên giới Tây Nam chưa bao giờ giảm nhiệt về buôn lậu thuốc lá. Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh An Giang tiêu hủy số lượng thuốc lá điếu nhập lậu cực lớn: hơn 283 nghìn gói, trị giá 2,5 tỷ đồng, tính gộp cả đợt trước đó là 540 nghìn gói.

Lực lượng chức năng kiểm tra một lô hàng nhập lậu.

Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 800 triệu gói thuốc lá nhập lậu vào nội địa, chiếm 20% tổng sản lượng thuốc lá tiêu thụ tại thị trường nội địa, gây thất thu cho Nhà nước khoảng 3.500 tỷ đồng/năm.

Từ đầu năm 2010 đến nay, tổng số trường hợp buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu bị bắt là 10.592 vụ với hơn 7 triệu gói, trong đó đã tiêu hủy 4,2 triệu gói. Như vậy, số thuốc lá nhập lậu bị bắt, xử lý chỉ bằng 1% so với số lượng nhập lậu trên thực tế. Trong năm 2010, toàn quốc có 8 vụ bị xử lý hình sự về tội buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu.

Trong khi đó, tại biên giới Đông Bắc, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hàng giả và gian lận thương mại không giảm so với cùng kỳ năm 2009. Hàng nhập lậu tập trung vào các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, hàng phải kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, rượu ngoại và pháo nổ là hai mặt hàng nóng bỏng tuyến Quảng Ninh, Lạng Sơn.

Có nên tiêu hủy thuốc lá nhập lậu?

Theo chúng tôi, việc rà soát, khoanh vùng hành vi buôn lậu cuối năm để tập trung đấu tranh là cần thiết. Tuy nhiên, cần thấy rõ bản chất của buôn lậu để có biện pháp đấu tranh và xử lý hàng nhập lậu thì mới có thể xử lý hiệu quả. 

Buôn lậu tăng hay giảm phụ thuộc vào tình hình cung - cầu, giá cả các mặt hàng trong nước, nếu mặt hàng nào ở trong nước thiếu hụt, giá cao hơn hẳn so hàng hóa cùng loại ở nước ngoài thì tất yếu nảy sinh hành vi buôn lậu. Do đó, khi nói đến việc tăng cường chống buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá ngoại, chúng ta cũng cần rà soát lại nguồn cung trên thị trường và tính toán lại các mức thuế. Cần thấy rõ, xu hướng sử dụng rượu ngoại và thuốc lá ngoại là tất yếu khách quan trong đời sống phát triển của người dân.

Hiện chúng ta đang áp dụng quy định tiêu hủy hàng nhập lậu là thuốc lá. Có lẽ cần xem xét lại quy định này. Trên 4 triệu bao thuốc lá nhập lậu bị tiêu hủy trong năm 2010 tương ứng hàng chục tỷ đồng. Nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn rất lớn, lại phải đốt đi số lượng thuốc lá lớn như thế vừa gây lãng phí mà bài toán cung - cầu vẫn không giải quyết được

Phan Đăng
.
.
.