Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các cửa hàng tiện lợi

Thứ Hai, 28/08/2017, 08:05
Sự ra đời của hệ thống cửa hàng tiện lợi (CHTL) đã đáp ứng được nhu cầu cần mua nhanh, gọn những nhu yếu phẩm cần thiết trong sinh hoạt của người dân. Điều này cũng làm cho hệ thống CHTL tại thành phố phát triển rầm rộ và có tính cạnh tranh nhau cao từ việc giành thị phần cũng như địa điểm kinh doanh.


Chị Nguyễn Thị Giang, cư trú tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, chị cũng như gia đình thường xuyên có thói quen đi mua đồ tại các CHTL. Lý do được chị Giang giải thích là các CHTL trưng bày sản phẩm trông ngăn nắp, sạch sẽ hơn ở chợ, hoặc ở các cửa hàng tạp hóa.

Bên cạnh đó, là việc dễ dàng tìm ra sản phẩm mình cần mà thường các đồ dùng hoặc sản phẩm ở các CHTL rất phong phú, đa dạng. Đó không phải là suy nghĩ riêng của chị Giang mà cũng là ý kiến chung của nhiều người dân mà chúng tôi đến gặp gỡ, trao đổi tại các CHTL.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đến trung tuần tháng 8-2017, trên địa bàn thành phố hiện có 1.050 CHTL kinh doanh chuyên ngành và đa ngành. Các CHTL tại Việt Nam tạm chia thành 2 loại: cửa hàng chuyên kinh doanh về thực phẩm và chuyên về hàng tiêu dùng nhanh, với tốc độ phát triển 100% liên tục trong 3 năm gần đây. Các chủ đầu tư CHTL đang bước vào cuộc đua quyết liệt giành những điểm bán tốt và thị phần.

Trong số 1.050 CHTL hiện hữu tại thành phố, có tới 50% là cửa hàng có bán mặt hàng thực phẩm tươi sống. Trong đó, DN trong nước đang nắm giữ hầu hết chuỗi các CHTL có kinh doanh thực phẩm tươi sống, còn lại các cửa hàng có yếu tố nước ngoài gần như độc chiếm chuỗi cửa hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe.

Nhu cầu mua sắm của người dân tại các cửa hàng tiện lợi ngày càng cao.

Co.op Food – một sản phẩm của Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), sau khi nắm hơn 100 cửa hàng, cuối năm 2016, tiếp tục ra mắt thêm một mô hình mới là Co.op Smile. Chỉ sau một thời gian ngắn, đến nay đã có hàng chục cửa hàng Co.op Smile tại TP Hồ Chí Minh kinh doanh thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, hàng may mặc.

Trong cuộc đua mở CHTL còn có Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), với chuỗi gần 140 cửa hàng Satrafoods tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành. Tập đoàn Vingroup cũng vào cuộc với chuỗi hơn 1.500 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, tăng gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2015. Là thương hiệu “sinh sau, đẻ muộn” nhưng chuỗi CHTL Bách hóa xanh của MWG (Công ty CP Thế giới di động) cũng đã đạt gần 100 điểm bán, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành.

Bên cạnh các doanh nghiệp (DN) trong nước, thị trường Việt Nam cũng đã xuất hiện hàng loạt chuỗi CHTL, siêu thị mini của các chủ đầu tư nước ngoài đang cạnh tranh quyết liệt nhằm nhanh chóng phủ kín thị trường.

Phân tích về các yếu tố khó khăn trong kinh doanh của các hệ thống CHTL trong cả nước, chuyên gia kinh tế Hoàng Minh Tiến cho rằng, cái khó nhất ở đây chính là thói quen và nếp suy nghĩ của người Việt chưa bắt kịp xu hướng là phải trả giá tiền cao hơn cho chính việc mua sắm tiện lợi này, điều này lý giải cho lý do tại sao các CHTL chỉ có thể phát triển mạnh tại các thành phố lớn và có mức thu nhập cao.

Mặt khác, muốn phát triển nhanh chuỗi CHTL cũng không dễ, vì rất khó tìm mặt bằng. So với cuối năm 2013, giá thuê đã tăng gấp đôi, với nhiều mặt bằng đẹp giá thuê có thể lên tới 60 - 80 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian thuê lại rất ngắn. Trong khi đó, mỗi CHTL phải mất 5 - 6 năm mới có thể hoàn vốn. Ở các huyện ngoại thành, muốn mở cửa hàng thì ngoài việc tiền thuê mặt bằng, DN còn phải đầu tư mới 100% nên lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm…

Thông thường, để đạt được mức lợi nhuận ổn định, mỗi thương hiệu phải mở ít nhất 300 cửa hàng. Dù không DN nào công khai mức lỗ hàng năm đối với 1 cửa hàng, nhưng theo con số chúng tôi có được, tại 1 điểm bán có thể lỗ khoảng 2 tỷ đồng! Điều này có thể lý giải, có không ít DN không thể cầm cự được trước mức lỗ khủng, nên buộc phải giảm điểm bán, hoặc là bán lại cho DN nước ngoài. Nhưng cái khó nhất của CHTL là tổ chức cung ứng hàng hóa, logistics và quản trị. Vấn đề này thì DN nước ngoài có kinh nghiệm hơn DN Việt, bởi họ vừa có chuỗi cửa hàng tự đầu tư, vừa có kinh nghiệm trong nhượng quyền cửa hàng.

“Cuộc chiến” CHTL vẫn chưa dừng lại, nhưng cũng đã định hình rõ hướng đi và mục tiêu của từng nhà đầu tư. Ai đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, làm chủ được giá cả và nguồn hàng sẽ có lợi thế và đứng vững trong thị trường đầy cạnh tranh.

Cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ

Ngày 26-8, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) bắt đầu tuyển sinh cho cuộc thi “1 tỷ khởi nghiệp cùng Saigon Co.op”.

Đây là chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp bán lẻ được tổ chức đầu tiên tại Việt Nam. Cuộc thi diễn ra từ ngày 15-10 đến 31-12 trên quy mô toàn quốc. Khi tham gia cuộc thi, các thí sinh sẽ thi đấu đối kháng với nhau trong “nhà chung” về kiến thức chuyên môn, tinh thần sáng tạo và kỹ năng xử lý tình huống, vốn là những yêu cầu quan trọng để khởi nghiệp thành công.

Trong đó, các thí sinh sẽ trải qua thử thách như tìm hiểu về mô hình bán lẻ, bán hàng lưu động, tiếp nhận những kiến thức quảng cáo, khuyến mại để thu hút khách hàng, lên ý tưởng về cửa hàng bán lẻ trong tương lai…

(T.Hà)

Hoàng Phạm
.
.
.